8 nhóm nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD

Ngành nông nghiệp 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

Empty

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích, do lạm phát toàn cầu nên sức tiêu dùng giảm, thị trường sẽ kém sôi động hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Bộ NN-PTNT, sau 11 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 90,26 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu nông sản đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8%; nhập khẩu khoảng 41,22 tỷ USD, tăng 6,9%; xuất siêu 7,82 tỷ USD, tăng 47,8%. Theo đó, giá trị xuất khẩu nông sản 11 tháng năm 2022 đã vượt con số kỷ lục của năm 2021 là 48,6 tỷ USD.

Riêng tháng 11, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 4,27 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 11/2021 và giảm 0,2% so với tháng 10/2022. Trong số đó, nhóm nông sản chính 2,13 tỷ USD, tăng 10,3% so tháng 11/2021; lâm sản chính gần 1,2 tỷ USD, giảm 15,2%; thủy sản 750 triệu USD, giảm 17,5% và chăn nuôi 31,7 triệu USD, giảm 13,5%…

Tính chung 11 tháng năm 2022, nhóm nông sản chính xuất khẩu được trên 20,73 tỷ USD, tăng 6,6%; lâm sản chính khoảng 15,59 tỷ USD, tăng 8,2%; thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27%; chăn nuôi 361,4 triệu USD, giảm 8,4%; đầu vào sản xuất trên 2,2 tỷ USD, tăng 38,1%.

Đến nay, ngành nông nghiệp có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: cà phê trên 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); cao su trên 2,9 tỷ USD (tăng 3%); gạo trên 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); hồ tiêu 895 triệu USD (tăng 3,2%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,2 tỷ USD (tăng 16,4%), cá tra 2,2 tỷ USD (tăn gần 62%), tôm 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%), gỗ và sản phẩm gỗ 14,6 tỷ USD (tăng 9%)...

Empty

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Về thị trường xuất khẩu, các thị trường châu Á chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ 27,4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Đứng thứ 2 là Trung Quốc khoảng 9,3 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần; thứ 3 là Nhật Bản với giá trị đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 7,9%...

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, đến thời điểm hiện tại, dù không đạt được những kì vọng như mong muốn nhưng trước nhiều thách thức, với kết quả của 11 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp hoàn toàn có quyền tự hào.

Phân tích thêm về thị trường cuối năm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hàng năm, mức tăng trưởng của các mặt hàng nông sản sẽ tăng mạnh vào tháng 11, tháng 12 do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao dịp lễ hội cuối năm.

Tuy nhiên trong năm 2022, do lạm phát toàn cầu nên sức tiêu dùng giảm, thị trường sẽ kém sôi động hơn. Do đó, Bộ trưởng cho rằng ngành nông nghiệp cần tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, không để bị động trước những khó khăn được dự báo trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn

Đưa ra nhận định tại Hội nghị giao ban kết quả công tác tháng 11 và 11 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 12/2022 của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tuy những kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2022 khá khả quan nhưng trước bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, với hoàn cảnh hiện tại, vấn đề mà ngành nông nghiệp cần quan tâm nhất là không để xảy ra thiếu lương thực thực phẩm, gây bất ổn trong xã hội.

“Bên cạnh bảo vệ thực vật, trong năm 2022, lĩnh vực thú y đã giữ được an toàn sản xuất, qua đó giá trị chăn nuôi lợn tăng 12,4%, gia cầm tăng 5,4%, đàn bò thịt tăng 3,5%. Thời gian tới cần tiếp tục kêu gọi, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu, phát huy tái cơ cấu ngành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Empty

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng cần sớm đưa ra nhận định tình hình hạn mặn ĐBSCL, lấy nước sản xuất vụ Đông Xuân… Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kế hoạch hành động về an ninh nguồn nước và các vấn đề liên quan.

“Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy lợi cũng cần sớm đưa ra báo cáo nhận định tình hình nước năm 2023 tối thiểu trước 6 tháng. Đồng thời đưa ra nhận định tình hình hạn mặn ĐBSCL, lấy nước sản xuất vụ Đông Xuân… để sớm có kế hoạch sản xuất”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.