AI nguy hiểm thế nào: Elon Musk và hơn 1.000 tinh hoa công nghệ yêu cầu dừng phát triển, chính ‘cha đẻ’ còn lên tiếng cảnh báo hiểm họa

Đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, Elon Musk cùng hơn 1.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp vừa ký một bức thư yêu cầu các biện pháp bảo mật và tạm dừng phát triển các mô hình AI trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Họ lập luận rằng các mô hình AI mạnh mẽ như GPT-4 của OpenAI chỉ nên phát triển nếu dành được sự tin tưởng và kiểm soát được toàn bộ rủi ro. 

AI nguy hiểm thế nào: Elon Musk và hơn 1.000 tinh hoa công nghệ yêu cầu dừng phát triển, chính ‘cha đẻ’ còn lên tiếng cảnh báo hiểm họa - Ảnh 1.

Bức ảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump do AI tạo ra

Đây không phải lần đầu các tinh hoa công nghệ lên tiếng kêu gọi “rào chắn” xung quanh AI - thứ đang ngày càng tinh vi và phát triển mạnh mẽ. 

“Đó là một ý tưởng rất hay để làm chậm quá trình phát triển mô hình mới bởi vì nếu AI thực sự tốt, việc chờ đợi hàng tháng hoặc hàng năm cũng chẳng có hại gì, dù sao chúng ta cũng sẽ đi đến đích”, James Grimmelmann, giáo sư về kỹ thuật số cho biết. “Nếu nó có hại, chúng tôi chỉ cần dành thêm thời gian để hoạch định cách đối phó”. 

Elon Musk trước đây vốn rất háo hức về những công nghệ kỳ vọng là tương lai của nhân loại, từ ô tô điện cho đến dịch vụ Internet vệ tinh Starlink. Tuy nhiên, khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo, CEO Tesla lại tỏ ra khá thận trọng. Phát biểu tại Đại học MIT vào năm 2014, Musk gọi AI là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất”, thậm chí so sánh nó với công cụ thống trị trái đất. 

“OpenAI nên công khai hơn nữa”, vị tỷ phú tweet về cuộc điều tra của  MIT Technology Review  với OpenAI, sau đó quyết định tạm dừng quyền truy cập của OpenAI vào cơ sở dữ liệu Twitter. 

AI nguy hiểm thế nào: Elon Musk và hơn 1.000 tinh hoa công nghệ yêu cầu dừng phát triển, chính ‘cha đẻ’ còn lên tiếng cảnh báo hiểm họa - Ảnh 2.

Đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, Elon Musk cùng hơn 1.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp vừa ký một bức thư yêu cầu các biện pháp bảo mật và tạm dừng phát triển các mô hình AI

Ngày “bom tấn” ChatGPT của OpenAI ra mắt thử nghiệm công khai vào tháng 11 năm ngoái, nó đã thực sự gây ra một cuộc chấn động, theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Chatbot này bắt đầu vượt qua các kỳ thi về cấp phép y tế, thậm chí hướng dẫn người dùng cách chế tạo bom. 

Càng sử dụng AI nhiều hơn — đặc biệt là các công cụ tổng quát như ChatGPT, ta càng nhận ra quá chừng lỗi. Theo Hasan Chowdhury, cây viết của Insider, AI có thể đẩy nhanh tốc độ lan truyền lỗi, khai thác sâu cả những điều tích cực và tiêu cực nhất của con người sau khi được tích hợp vào cuộc sống. 

ChatGPT và các sản phẩm AI tương tự khác đã có xu hướng cung cấp sai thông tin - điều mà Wozniak công khai chia sẻ. Nó dễ gây ảo giác và ngay cả Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cũng thừa nhận mô hình công ty tung ra có thể đưa ra những câu trả lời mang tính phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính. 

Khi AI được tích hợp nhiều hơn, con người đứng trước nguy cơ tiếp cận nhiều thông tin sai lệch. Họ không còn đặt nhiều niềm tin vào AI nữa, ngay cả khi nó đề xuất một lịch trình nghỉ lễ đơn giản.

“ChatGPT vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng lại khiến mọi người cho rằng nó hoàn hảo. Chúng ta không nên phụ thuộc vào chatbot này đối với những vấn đề quan trọng”, Sam Altman nói. 

Rõ ràng, AI, đặc biệt là AI tổng quát như ChatGPT, là công nghệ có khả năng biến đổi đáng kinh ngạc. Vốn dĩ không có gì sai khi phát triển những cỗ máy làm nhiều công việc tẻ nhạt này bởi nó được xem như một công cụ cân bằng ngành công nghệ. Cũng không có bằng chứng nào cho thấy ChatGPT sẵn sàng lãnh đạo một cuộc nổi dậy của robot trong vài năm tới. 

AI nguy hiểm thế nào: Elon Musk và hơn 1.000 tinh hoa công nghệ yêu cầu dừng phát triển, chính ‘cha đẻ’ còn lên tiếng cảnh báo hiểm họa - Ảnh 3.

AI đang ngày càng tinh vi và phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nhiều người quan tâm đến việc phát triển công nghệ một cách có trách nhiệm. Nhóm tận tâm phát triển AI một cách an toàn sẽ không thể thành công nếu đặt nặng tiến độ ra mắt sản phẩm. Theo các chuyên gia, việc phát hành các mô hình AI khi chúng chưa sẵn sàng sẽ không giúp ích gì cho lĩnh vực công nghệ. 

Trong cuộc phỏng vấn với  ABC News  , CEO Sam Altman của OpenAI cũng nhấn mạnh rằng tất cả nên quan tâm đến chatbot AI để phòng tránh những hậu quả nó gây ra: “Chúng ta cần phải cẩn thận và nên cảm thấy vui vẻ vì mình đã bắt đầu có ý thức cảnh giác với AI”, Altman khẳng định trong buổi phỏng vấn. 

Tuy nhiên, với OpenAI, việc di chuyển đủ nhanh có thể khiến nó tránh được sự cạnh tranh và trở thành người dẫn đầu trong không gian AI sáng tạo. Điều này thúc đẩy Microsoft, Google và gần như mọi công ty khác làm theo. 

Có thể nói, ChatGPT đang dần làm giúp được con người nhiều thứ và thậm chí có thể thay luôn con người trong nhiều công việc. Theo OpenAI, chatbot này có thể làm thay công việc của khoảng 19% người lao động tại Mỹ trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người tại Mỹ có thể bị mất việc nếu công nghệ này được áp dụng để làm thay công việc của họ. 

Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu của OpenAI còn nhận ra rằng những công việc có mức lương cao, chủ yếu liên quan đến máy tính, có khả năng bị thay thế bởi ChatGPT cao hơn so với những công việc đòi hỏi sức lao động đơn thuần. 

Dẫu vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh ChatGPT, rằng phải mất bao lâu, công nghệ này mới có thể hoạt động mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người. Nó được cho là vẫn chưa đủ thông minh để có thể tự động thực hiện hoàn toàn một số công việc nhất định, thậm chí còn tồn tại rất nhiều lỗi sai.