Bắc Âu với tăng trưởng Xanh và ảnh hưởng đối với Việt Nam

Các nước Bắc Âu bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Iceland cùng với Quần đảo Faroe, Greenland và Åland, tạo thành một trong những hình thức hợp tác chính trị khu vực lâu đời và đa dạng. Theo thông cáo báo chí phát đi từ thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 10 năm 2024 của Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 đã bế mạc với những thành công vượt xa mong đợi. Sự kiện đã đã thu hút trên 8000 đại biểu với sự hiện diện của lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cùng tham dự.

Tham gia sự kiện, Đại sứ quán các nước Bắc Âu gồm ĐSQ Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, và Thụy Điển) đã thông báo một sự kiện đặc biệt, đó là Ngày Bắc Âu lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Với chủ đề Tiến tới Mục tiêu Xanh, Ngày Bắc Âu được Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu (NCM) hỗ trợ, đã làm nổi bật thông lệ phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của khu vực, đồng thời đẩy mạnh hợp tác giữa các nước Bắc Âu với Việt Nam.

bac-au-1730616527.png

Mô hình khớp nối dựa trên dòng chảy tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu  (Ảnh Báo mới 2024)

Ngày Bắc Âu: với mục tiêu Xanh đã tập trung vào các chủ đề quan trọng là chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, hệ thống thực phẩm bền vững và sự tham gia của thanh niên về biến đổi khí hậu. Các đại biểu tham dự được nghe những diễn giả xuất sắc từ Việt Nam và các nước Bắc Âu chia sẻ những kiến thức có thể vận dụng để xây dựng một tương lai xanh hơn. Đây cũng là cơ hội để đại biểu tham dự kết nối với  lãnh đạo ngành, các nhà hoạch định chính sách, và những tổ chức ủng hộ cho tăng trưởng xanh.

GEFE 2024 khép lại nhưng động lực mà sự kiện mang lại sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam trong nhiều năm tới. Bài viết lược ghi những nét nổi bật về kinh tế xanh của các quốc gia trong khu vực Bắc Âu.

1. Bắc Âu với sự hợp tác phát triển của các Quốc gia

Các nước Bắc Âu, tạo thành một trong những hình thức hợp tác chính trị khu vực lâu đời và đa dạng. Không phải ngẫu nhiên mà một khu vực chỉ với 27 triệu dân, chưa đủ lọt vào top 50 quốc gia xếp hạng theo dân số, lại là một trong những khu vực hội nhập nhất với những giá trị chung và mục tiêu phát triển toàn cầu.

bac-au-1-1730616527.png

Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch 

Thông qua Hội đồng Bộ trưởng (NCM), các nước Bắc Âu cùng nhau hợp tác với tầm nhìn trở thành khu vực hội nhập sâu và bền vững nhất thế giới vào năm 2030. NCM đã tìm kiếm giải pháp ở bất cứ nơi đâu có thể cùng làm nhằm đạt được nhiều thành tựu hơn là hành động một mình. NCM và những khung khổ hợp tác khác như Nghiên cứu Năng lượng Bắc Âu hoặc Phòng thí nghiệm Chính sách Lương thực Bắc Âu luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại, trao đổi thông tin và các sáng kiến về chính sách, công nghệ và nghiên cứu cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các Quốc gia Bắc Âu sử dụng 26% năng lượng tái tạo thế giới, giảm được 24% lượng khí phát thải kể từ năm 1990 và xếp hạng quốc tế cao trong thực hiện 17 mục tiêu bền vững toàn cầu. Khu vực đã đóng góp các giải pháp đổi mới và phát triển công nghệ cao của nhiều ngành mà những khu vực khác có thể được hưởng lợi.

Khu vực Bắc Âu đạt điểm số cao trong các bảng xếp hạng và chỉ số quốc tế như Đổi mới, Hạnh phúc, Phát triển con người, Phúc lợi công dân, Quản trị, Minh bạch, Bình đẳng, Tiến bộ xã hội, Phát triển toàn diện và bền vững, v.v. Sự hợp tác chặt chẽ và lâu đời đã dẫn đến một khu vực phát triển hòa bình và dân chủ trong thời gian dài.

Bốn nước Bắc Âu có Đại sứ quán tại Hà Nội nằm trong số các nước châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là Thụy Điển: 1969, Đan Mạch và Na Uy: 1971, Phần Lan: 1973 Trong nhiều năm qua, các nước ở khu vực Bắc Âu luôn là những người bạn và là đối tác tin cậy của Việt Nam trong những lúc khó khăn và tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy bình đẳng, bảo vệ môi trường và tính bao trùm làm nền tảng cho sự  phát triển thịnh vượng và bền vững.

bac-au-2-1730616527.png

Tua-bin gió ngoài khơi Copenhagen, cung cấp lượng lớn năng lượng bằng sức gió (Ảnh Wikipedía)

2. Tiến đến mục tiêu xanh hóa với chủ trương phát triển bền vững

Tăng trưởng xanh mang hàm nghĩa thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời với đảm bảo cung cấp vật chất và dịch vụ cần thiết cho sự thịnh vượng và tập trung phối hợp đánh đổi giữa các trụ cột kinh tế và môi trường trong quá trình phát triển. Từ đây, các Quốc gia trong khu vực cần thúc đẩy đầu tư và đổi mới bằng cách tạo ra những nguồn lực mới và bền vững hơn.

Người Bắc Âu có kiến thức khoa học, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, truyền thống hợp tác chặt chẽ cả về khí hậu và năng lượng, đồng thời các công ty Bắc Âu luôn đi đầu trong phát triển công nghệ sạch và kinh tế sinh học. Tuy nhiên, khu vực vẫn còn nhiều việc phải làm để tối ưu hóa khung hỗ trợ kinh tế, khuyến khích đổi mới, kinh doanh và lối sống xanh bền vững hơn. Các lĩnh vực giữ vai trò chủ chốt trong hình thành, thực hiện tăng trưởng và đổi mới xanh đòi hỏi các hoạt động tăng trưởng phải tiếp cận mạnh mẽ theo lãnh thổ. Sự phát triển của nền kinh tế cần được xây dựng trên kiến thức và hiểu biết khác biệt giữa các lĩnh vực về lợi thế cạnh tranh. Tăng trưởng xanh khác nhau ở mỗi lĩnh vực và do đó chiến lược phát triển khu vực sẽ diễn ra với việc cân nhắc đặc điểm và thế mạnh của từng lĩnh vực. Hành động của khu vực đã tập trung vào đáp ứng mục tiêu ưu tiên và điều kiện cụ thể của từng Quốc gia.

bac-au-3-1730616527.png

Sản xuất xanh toàn cầu (Ảnh: VNCPC.Vn)

Hình thành tăng trưởng xanh ở cấp khu vực đòi hỏi các hành động và chính sách tùy theo địa điểm, có tính đến sự hòa nhập và bình đẳng xã hội đồng thời quản lý các giới hạn của môi trường tự nhiên và điều quan trọng là phải coi các chủ đề như bình đẳng, hòa nhập và sự tham gia của cộng đồng như một phần không thể thiếu trong một xã hội xanh và bền vững hơn.

3. Tổng quan về năng lượng yếu tố then chốt của tăng trưởng xanh

Cơ cấu năng lượng của các Quốc gia trong khu vực thể hiện trong sơ đồ 1. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng Bắc Âu cao gấp 5 lần và gia tăng với tốc độ cao gấp 3 lần so với mức trung bình của Cộng đồng châu Âu (EU).

anh-chup-man-hinh-2024-11-03-luc-135133-1730616704.png

Sơ đồ 1: Cơ cấu năng lương của các quốc gia trong khu vực

Dẫn đầu trong tiêu thụ năng lượng là các ngành điện, nhiệt và giao thông. Năng lượng tái tạo  là những yếu tố nhất quán của bối cảnh năng lượng đang thay đổi. Hơn 3/4 lượng điện ở Bắc Âu được lấy từ nguồn năng lượng tái tạo, so với 1/3 của EU. Các quốc gia theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon theo những cách khác nhau (sinh khối ở Thụy Điển và Phần Lan, gió ở Đan Mạch, thủy điện ở Na Uy và năng lượng địa nhiệt ở Iceland.)

4. Thuế carbon giải pháp quan trọng cho tăng trưởng xanh

Biến khủng hoảng thành cơ hội cải cách là chính sách hữu hiệu ở các nước Bắc Âu. Sau khủng hoảng kinh tế, chính phủ các nước rất cần tiền mặt. Kinh nghiệm của Bắc Âu cho thấy, đánh thuế nhiên liệu hóa thạch là cách làm hiệu quả để tăng nguồn thu và giảm thâm hụt ngân sách.

Phần Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng định giá carbon vào năm 1990, tiếp theo là Đan Mạch. Thụy Điển, các Quốc gia này đã đưa ra một loạt thuế năng lượng mới, bao gồm thuế phát thải carbon và lưu huỳnh vào năm 1991. Cùng với giảm thuế thu nhập. Na Uy thực hiện đánh thuế carbon trong cùng năm và áp dụng mức thuế suất cao nhất cho lĩnh vực sản xuất dầu khí, vượt xa những gì đạt được ở nhiều quốc gia. Việc chuyển đổi thuế từ lao động sang nhiên liệu hóa thạch đảm bảo người Bắc Âu có đủ doanh thu để duy trì mức chi tiêu xã hội cao và giảm được tác động của việc tăng giá năng lượng đối với công chúng.

5. Về kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là một cụm từ được sử dụng bởi Ladeja Godina Košir, Chủ tịch, nhóm điều phối nền tảng các bên liên quan về nền kinh tế tuần hoàn Châu Âu (ECESP).

Với lực lượng lao động có tay nghề và trình độ học vấn cao, mức độ tin cậy, sự gắn kết xã hội, vốn xã hội, tính minh bạch và quản trị, cam kết về các giá trị cũng như cơ sở hạ tầng cũng như khung khổ pháp lý ở hàng đầu thế giới, các nước Bắc Âu đã có một số “nguyên liệu” cơ bản cần thiết để xây dựng nền “kinh tế tuần hoàn”. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào trong suy nghĩ, lối sống và cách làm việc để có thể giúp người dân Bắc Âu chuyển đổi các nền kinh tế trong và ngoài khu vực?

Tác động kinh tế, xã hội và sinh thái của quá trình chuyển đổi tuần hoàn trong khu vực rất lớn. Khu vực Bắc Âu bao gồm năm quốc gia có chủ quyền là Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển cộng thêm với ba lãnh thổ tự trị kết nối với các quốc gia này là: Quần đảo Faroe và Greenland (Đan Mạch) cũng như Åland (Phần Lan). Với dân số hơn 27 triệu người, các nền kinh tế Bắc Âu cộng lại đủ đại diện cho nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới.

Tổng thư ký, Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu, Paula Lehtomäki, từng chia sẻ “Nền kinh tế tuần hoàn và nền kinh tế sinh học đóng vai trò rất quan trọng trong sự hợp tác của Bắc Âu”. Vào tháng 8 năm 2019, Thủ tướng các nước Bắc Âu đã điều chỉnh 'Tầm nhìn 2030' mới cho sự hợp tác và, tuyên bố Bắc Âu sẽ trở thành khu vực hội nhập và bền vững nhất thế giới vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với là việc làm vì một Khu vực Bắc Âu xanh, cạnh tranh và hòa nhập, nơi nền kinh tế tuần hoàn có thể là một công cụ rất quan trọng để đạt được các mục tiêu.”

6. Về an ninh lương thực

Cách tiếp cận của Bắc Âu đối với an ninh lương thực nhấn mạnh tính bền vững, đổi mới và hợp tác trên toàn khu vực để giải quyết những thách thức hiện tại và tương lai. Người Bắc Âu hợp tác cùng nhau thông qua những sáng kiến, tập trung vào tạo ra hệ thống thực phẩm bền vững và linh hoạt.

Các sáng kiến như Kế hoạch hành động Bắc Âu về Hệ thống lương thực bền vững nhằm tăng cường nguồn cung thực phẩm được sản xuất tại địa phương, giảm sử dụng hóa chất và tăng cường đa dạng sinh học. Các nước Bắc Âu cũng hợp tác nghiên cứu và đổi mới để phát triển các công nghệ giúp tăng cường bảo quản và tái phân phối thực phẩm. Do tầm quan trọng của nghề cá ở các nền kinh tế Bắc Âu, các quốc gia đã thiết lập hạn ngạch dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn quản lý dựa trên hệ sinh thái để đảm bảo tính bền vững của nguồn cá. Chiến lược biển Bắc Âu nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển đồng thời thúc đẩy các hoạt động đánh bắt cá có trách nhiệm, là điều cần thiết cho an ninh lương thực. Các sáng kiến như Phòng thí nghiệm Chính sách Lương thực Bắc Âu tạo điều kiện cho các bên liên quan chia sẻ kiến thức và những thực tiễn tốt nhất, nhằm tăng cường an ninh lương thực trên toàn khu vực.

Bằng cách tận dụng sức mạnh và kinh nghiệm chung, các nước Bắc Âu đã thể hiện cách tiếp cận toàn diện và tích hợp đối với an ninh lương thực, ưu tiên tính bền vững, khả năng phục hồi và hợp tác, giữ vai trò là hình mẫu cho các khu vực khác đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu (COP26) Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0, Quyết định số300TTg ngày 28/3/2023của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, đã phân công rõ nhiệm vụ của các ngành cần thực hiện theo hướng phát triển Xanh. Hy vọng những kinh nghiệm rút ra từ tăng trưởng xanh ở các quốc gia Bắc Âu sẽ là những tư liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà hoạch định chính sách Nông nghiệp nước nhà./.