Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới

Mức tăng trưởng dự kiến của Việt Nam là bao nhiêu? Động lực tăng trưởng là gì? Diễn biến kinh tế và địa chính trị toàn cầu có ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế? và Chính phủ có lựa chọn chính sách gì? là những vấn đề được đề cập trong ấn phẩm Điểm lại một báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do Nghân hàng Thế giới công bố trong hạ tuần tháng 4 năm nay.

Báo cáo xem xét những diễn biến gần đây của nền kinh tế và triển vọng từ ngắn đến trung hạn. Chuyên đề đặc biệt của ấn phẩm nhấn mạnh vai trò thiết yếu của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. 

Theo Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khích lệ với dự báo tăng trưởng đạt 5,5% trong năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Dấu hiệu phục hồi kinh tế trong năm 2024

Sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi trở lại vào đầu năm 2024. Xuất khẩu được hồi phục, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước trên đà tăng trưởng. Theo giá so sánh và phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện, xuất khẩu được dự báo tăng 3,5% trong năm 2024, lĩnh vực bất động sản cũng phục hồi vào cuối năm và cả năm sau sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước, khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng lấy lại niềm tin. Theo đó, tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân sẽ tăng ở mức 5,5% và 5% trong năm 2024.

Quý I năm 2024, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,66% ,chủ yếu là do xuất khẩu khởi đầu từ mức thấp, trong khi tiêu dùng và đầu tư chỉ mới hồi phục. Do xuất khẩu hàng hóa phục hồi mạnh mẽ (dự báo tăng 17,2% so với cùng kỳ), trong quý I năm 2024, xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 25,5% và 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đóng góp mạnh của FDI và đầu tư công gia tăng, đầu tư thực đã tăng 4,7% so với cùng kỳ QI/ 2023.

Tài khoản vãng lai có thặng dư lớn, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam được cải thiện trong năm 2023 với cán cân thanh toán thặng dư ở mức 1,3% GDP so với thâm hụt -5,6% GDP trong năm 2022. Thặng dư tài khoản vãng lai đã được nới rộng từ thâm hụt - 0,3% GDP của năm 2022 tăng lên 6,7% GDP trong năm 2023. Do cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 10% GDP và dòng kiều hối vẫn tiếp tục duy trì, đạt 3,1% GDP, thâm hụt tài khoản thương mại dịch vụ được dự báo giảm xuống -2,2% GDP trong năm 2023. Mặt khác, số lượt du khách nước ngoài tiếp tục phục hồi, đạt gần 12,6 triệu lượt,cao gấp trên 3 lần so với năm 2022. 

Do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu (lần lượt là -14,1% và -8,5% so cùng kỳ năm trước) nên tài khoản vãng lai có thặng dư lớn so cùng kỳ năm trước. Tài khoản tài chính thâm hụt nhỏ ở mức 0,8% GDP do dòng vốn ngắn và trung hạn rút ròng ra ngoài nhiều hơn so với giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ổn định ở mức 4,6% GDP. Chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế đã góp phần làm cho dòng vốn ròng chảy ra nước ngoài. Thặng dư cán cân thanh toán giúp nâng cao dự trữ quốc tế từ mức 87,1 tỷ USD vào cuối năm 2022 tăng lên 93,3 tỷ USD vào cuối năm 2023, tương đương 3,3 tháng nhập khẩu.

kinh-te-viet-nam-1715828157.png
Tăng trưởng GDP của Việt Nam những Quý đầu năm 2023  (Ảnh Vn Economics)

Thặng dư thương mại hàng hóa gia tăng là nhờ nhập khẩu giảm (-14,1% so cùng kỳ năm trước), mạnh hơn so với tốc độ giảm xuất khẩu (-8,5% so cùng kỳ năm trươc). Mặt khác, do dòng vốn ngắn và trung hạn rút ròng ra ngoài nhiều hơn so với giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng vững ở mức 4,6% GDP nên tài khoản tài chính có thâm hụt ở mức 0,8% GDP. Chênh lệch giữa lãi suất trong nước và quốc tế kéo dài khiến dòng vốn ròng đã chảy ra nước ngoài. Thặng dư cán cân thanh toán giúp nâng cao dự trữ quốc tế từ mức 87,1 tỷ USD vào cuối năm 2022 lên 93,3 tỷ USD vào cuối năm 2023, tương đương 3,3 tháng nhập khẩu.

Chính sách hỗ trợ tăng trưởng và đẩy mạnh cải cách

Báo cáo WB nhận định: Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì chính sách tài khóa theo hướng tương đối mở rộng trong năm 2024, nhưng sẽ quay lại thắt chặt vào những năm sau.

Nhìn rộng ra quốc tế, WB cho rằng: Rủi ro và cơ hội đối với triển vọng dự báo nhìn chung ở thế cân bằng, tăng trưởng thấp hơn dự báo ở những nền kinh tế phát triển và từ Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu từ bên ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với rủi ro này, căng thẳng địa chính trị và thiên tai liên quan đến khí hậu gia tăng cũng làm tăng rủi ro đối với nền kinh tế.

kinh-te-viet-nam-1-1715828158.png
Đầu tư công  Ảnh minh họa (Chinhphu.vn)

Từ góc nhìn trong nước, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản không như dự báo có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, ảnh hưởng bất lợi đến đầu tư của khu vực tư nhân.

Theo hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn dự kiến sẽ giúp xuất khẩu phục hồi mạnh hơn dự kiến. Các biện pháp chính sách tài khóa mở rộng được duy trì có thể hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong khi ổn định tài chính vẫn cần là ưu tiên hàng đầu.Theo các nhà phân tích, chính sách hỗ trợ cần tiếp tục để thúc đẩy phục hồi. Duy trì những nỗ lực nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt về hạ tầng đang phát sinh.

Tiếp tục đà cải cách trong thời gian qua, bước đi nhằm giảm nhẹ nguy cơ dễ tổn thương và rủi ro trong khu vực tài chính vẫn là việc làm cần thiết. Theo các nhà phân tích, các cấp thẩm quyền có thể ban hành chính sách nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, đồng thời với tăng cường khung thể chế giám sát an toàn, bao gồm cả phát hiện và xử lý vấn đề phát sinh trong quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng và các tập đoàn doanh nghiệp; sớm can thiệp trong xử lý ngân hàng yếu kém và quản lý khủng hoảng. 

Mặc dù Luật về các tổ chức tín dụng đã được cải thiện qua những sửa đổi gần đây, nhưng vẫn còn bất cập ở một số nội dung, bao gồm cả về giám sát hợp nhất các tập đoàn có ngân hàng và các tổ chức tín dụng, thẩm quyền xử lý các ngân hàng yếu kém, phòng vệ rủi ro pháp lý cho cán bộ giám sát. Ưu tiên đặt ra là cần tăng cường vai trò của NHNN về các lĩnh vực trong cải cách pháp lý tài chính, bao gồm cả sửa đổi Luật NHNN Việt Nam.

Báo cáo điểm lại đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Báo cáo cũng đã khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công. Đầu tư công là giải pháp giúp kích thích nền kinh tế mạnh hơn khi chính sách tiền tệ với dư địa cho cắt giảm lãi suất bị hạn chế do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế.

Trong cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cho rằng, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế chưa thể khởi sắc. Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới Dorsati Madani nhận xét Chỉ số PMI của Việt Nam đang xoay quanh mốc 50 điểm, cho thấy sự bất định trong ngắn hạn liên quan đến diễn biến của hoạt động xuất khẩu chưa khởi sắc.

Nhận định về Chỉ số PMI, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: PMI là chỉ số kinh tế đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ. Trong năm 2023 Việt Nam chỉ có 2 tháng (3 và 8) đạt PMI trên 50 điểm, các tháng còn lại đều dưới mốc 50.

Theo báo cáo của S&P Global, sau cải thiện nhẹ trong hai tháng đầu năm, các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất Việt Nam hầu như không thay đổi trong tháng 3/2024. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm, trong khi nhu cầu giảm khiến chi phí đầu vào gia tăng và giá bán hàng giảm. Với kết quả đạt 49,9 điểm, báo cáo điểm lại cho rằng, chỉ số PMI đã báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ cải thiện điều kiện kinh doanh trong những tháng đầu năm. Chỉ số PMI năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu cho thấy, nhu cầu yếu trong tháng 3/2024, từ đó số lượng đơn đặt hàng mới giảm mặc dù giá hàng hóa đã được chiết khấu để giúp tăng doanh số.

Thay cho lời kết

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế W.B, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt mức 5,5% và tăng lên mức 6% trong năm 2025, được đánh giá là mức tăng trưởng khá tích cực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến khó lường. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa khôi phục được như thời điểm trước Covid-19 với mức tăng trưởng 6-7%. Các động lực tăng trưởng được nhấn mạnh là đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu chưa có sự phục hồi chắc chắn.

Về triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, tăng trưởng toàn cầu có thể tăng 2,6% vào năm 2023 và giảm xuống mức 2,4% vào năm 2024, sau đó nhích lên mức 2,7% vào năm 2025. Trong khi đó, tăng trưởng Hoa Kỳ được dự báo chỉ đạt 2,3% vào năm 2024, thấp hơn mức 2,4% vào năm 2023 sau đó đạt 1,7% vào năm 2025, tăng trưởng kinh tế. EU được dự báo sẽ phục hồi dần đạt mức 0,7% trong năm 2024 và lên1,5% vào năm 2025.

Dorsati Madani cho rằng, 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là: Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy nhiên, 3 nền kinh tế này vẫn được dự báo chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2024, điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam./.