Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu và lượng khách du lịch đến địa bàn tăng mạnh, công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm được đẩy mạnh; quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý, bảo vệ 2024 rừng có nhiều chuyển biến; chăm lo người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo thực hiện tốt; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên, đi vào chiều sâu; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
Cụ thể, tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm (theo giá so sánh năm 2010) ước bằng 44,6% kế hoạch năm 2024; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng bằng
47,1%, khu vực dịch vụ bằng 49,6%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bằng 22,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 1.204 tỷ đồng, bằng 36,8% dự toán; trong đó, số thu do tỉnh quản lý 865 tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán; thu do thành phố quản lý 339 tỷ đồng, bằng 23,9% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 157 triệu USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Giải quyết việc làm cho khoảng 2.400 lao động, bẳng 37,7% kế hoạch (KH 2024: 6.200 lao động); đào tạo nghề cho khoảng 1.200 lao động, tỷ lệ qua đào tạo 50% (KH 2024: 82%), trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 14% (KH 2024: 26%). Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90,1% (KH 2024: 94%). Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98% (KH 2024: 98%); tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt 62% (KH 2024: 65%). Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 89% (KH 2024: 92%).
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế, tiến độ thu ngân sách nhà nước, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đạt thấp so kế hoạch đề ra, diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục thu hẹp; các công trình trọng điểm triển khai chậm. Trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường; tai nạn giao thông gia tăng trên hai tiêu chí (số vụ, người bị thương). Ý thức tổ chức kỷ luật, sự năng động, sáng tạo trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao.
Mặt khác, nguyên nhân tồn tại, hạn chế trên, đầu tiên phải nới tới thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, thị trường bất động sản chưa hồi phục, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ hàng hóa thiếu ổn định, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoảng sản theo quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ thu hẹp không gian phát triển của thành phố đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm.
Đồng thời, một bộ phận cán bộ, công chức còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa thể hiện sự năng động sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ich chung; công tác phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn và chính quyền cơ sở có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ và hiệu quả.
Ngoài ra, Bảo Lộc cũng đưa ra nhiều giải pháp, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 167-KH/ThU ngày 25/4/2024 của Thành ủy Bảo Lộc về thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU “về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo Nghị quyết số 12-NQ/ThU ngày 08/12/2023 của Thành ủy; Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 14/12/2023 của HĐND thành phố đã đề ra.
Thứ 3, phấn đấu hoàn thành đạt 100% các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu; phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất 6 tháng cuối năm đạt 9,2%, trong đó công nghiệp – xây dựng tăng 11,4%, dịch vụ tăng 9,7%, nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,9%.
Cuối cùng, chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp chuyên đề và thường lệ HĐND thành phố khóa VI, Nhiệm kỳ 2020-2025.