Bế mạc Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội

Chiều 18/12, Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022 đã chính thức khép lại sau 5 ngày (14 -18/12) diễn ra tại Khu trường đua F1 (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Sau 5 ngày tổ chức (từ 14-18/12), Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022 đã có hơn 20.000 lượt người tới tham quan, mua sắm tại Festival. Doanh thu của các đơn vị tham gia trưng bày đạt trên trên 6,6 tỷ đồng triệu đồng. Festival đồng thời trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm sản xuất theo chuỗi, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề của Hà Nội; giới thiệu mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái góp phần gìn giữ nghề truyền thống và duy trì đặc sản địa phương.

trao-thuong-1671792638.jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ - Trưởng Ban tổ chức Festival trao thưởng cho các cá nhân trong lễ bế mạc Festival chiều 18/12

Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022 đã quảng bá, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tiêu biểu Thủ đô đến người dân, du khách trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Festival cũng là dịp vinh danh người sản xuất, nghệ nhân, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội.

Nhiều khu vực tiểu cảnh đẹp được thiết kế, trưng bày tại Festival. Ảnh: Ánh Ngọc

Nhiều khu vực tiểu cảnh đẹp được thiết kế, trưng bày tại Festival. Ảnh: Ánh Ngọc

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ - Trưởng Ban tổ chức Festival cho biết, công tác tổ chức, sản phẩm trưng bày, triển lãm tại Festival được bố trí, thiết kế nhiều khu vực tiểu cảnh đẹp và phù hợp cho khách tham quan thưởng lãm, chụp ảnh. Các sản phẩm trưng bày đều đáp ứng được tiêu chí vệ sinh an toàn và chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Công tác an ninh, trật tự vệ sinh, y tế, phòng cháy chữa cháy, chiếu sáng phục vụ Festival được đảm bảo.

Khách hàng chọn mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Festival. Ảnh: Ánh Ngọc

Khách hàng chọn mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Festival. Ảnh: Ánh Ngọc

Festival có quy mô 15.000 m2 giới thiệu các sản phẩm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn của TP Hà Nội và một số tỉnh, TP và được sắp xếp theo các khu: Khu trưng bày sinh vật cảnh; Khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tiêu biểu, sản phẩm OCOP TP Hà Nội; Khu trưng bày sản phẩm đồ gỗ dân dụng và đồ gỗ mỹ nghệ;

Khu trưng bày sản phẩm gốm sứ, mây, tre, giang đan; Khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác (đồ đồng, đồ mạ, quà tặng,…); Khu trưng bày sản phẩm nông nghiệp và làng nghề của các tỉnh, TP và doanh nghiệp; Khu trưng bày máy móc, thiết bị và mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Khu trưng bày sản phẩm nông sản của các quận, huyện, thị xã; Khu trưng bày, giới thiệu mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại một gian hàng đồ uống. Ảnh: Ánh Ngọc

Khách hàng chọn mua sản phẩm tại một gian hàng đồ uống. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo đại diện Ban tổ chức, Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022 có sự góp mặt của 273 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Trong đó gồm: 153 đơn vị của 27 quận, huyện, thị xã của Hà Nội; 92 đơn vị của 24 tỉnh, TP bạn; 28 đơn vị, DN. Ngoài ra, tại sự kiện còn trưng bày khoảng 500 tác phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu của 15 tỉnh, TP phía Bắc.

Các đơn vị, DN tham gia Festival đã mang đến trưng bày hơn 4.000 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề; vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ chuyển đổi số.

Riêng khu trưng bày sinh vật cảnh đã trưng bày khoảng hơn 1.000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, đá cảnh, gỗ lũa, tranh tượng dân gian, chim cảnh của trên 300 nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu của 20 tỉnh, TP trong cả nước.

Ngoài ra, còn có các khu bài trí các tiểu cảnh: Gốm sứ, Cầu Long Biên, tiểu cảnh Chùa Một Cột; Hà Nội những sắc hoa để làm nơi check in chụp ảnh cho khách vào tham quan, mua sắm; khu ẩm thực và trình diễn ẩm thực của các nghệ nhân; khu sân khấu chính trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề Hà Nội.

Đặc biệt, tại Festival còn trưng bày 120 bức ảnh đẹp và đặc sắc về nông nghiệp, nông thôn Hà Nội, trong đó có 20 bức ảnh đạt giải trong cuộc thi “Một thoáng nông thôn mới” cũng được trưng bày tại Festival; Trưng bày triển lãm 35 tác phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề của Hà Nội tham gia dự thi và đạt giải trong “Hội thi sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022”.

Festival cũng tạo dựng không gian văn hóa ẩm thực với quy mô 432m2, tương đương 16 gian hàng ẩm thực của các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội giới thiệu đến khách thăm quan những món ăn truyền thống đặc trưng của Hà Nội như: Bánh cuốn Thanh Trì, bánh tẻ Phú Nhi, bánh dày Quán Gánh, Giò chả Ước Lễ, chè lam Thạch Xá, chè kho Đại Đồng...

Không gian văn hóa ẩm thực tại Festival. Ảnh: Ánh Ngọc

Không gian văn hóa ẩm thực tại Festival. Ảnh: Ánh Ngọc

Đây là một trong những sự kiện của Festival nhằm tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử nổi bật của các món ăn; quảng bá những nét độc đáo, tinh hoa văn hóa ẩm thực đặc trưng vùng miền của người xưa.

Đặc biệt, tại khu ẩm thực sẽ diễn ra trình diễn tay nghề của các nghệ nhân, chế biến các món ăn từ các sản phẩm nông sản của Hà Nội; trình diễn tay nghề của các nghệ nhân đến từ các làng nghề nổi tiếng Thủ đô.

Đây là một hoạt động đặc sắc có ý nghĩa trong khuôn khổ Festival, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng tầm quảng bá thương hiệu của các làng nghề truyền thống.

Người dân và du khách chụp ảnh check in tại Festival. Ảnh: Ánh Ngọc

Người dân và du khách chụp ảnh check in tại Festival. Ảnh: Ánh Ngọc

Khách tham quan trực tiếp chứng kiến từng công đoạn để tạo ra được các sản phẩm; được trải nghiệm tự tay làm sản phẩm. Sản phẩm trải nghiệm đạt yêu cầu được tặng quà mang về đã thu hút rất đông đảo sự tham gia của du khách.

Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyên Nông Hà Nội :"Với Hà Nội, Thành ủy, UBND và Sở Nông nghiệp, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới luôn quan tâm tạo nhiều điều kiện phát triển cả về tổ chức Hội, phong trào Sinh Vật Cảnh và xúc tiến thương mại Sinh Vật Cảnh. Sinh Vật Cảnh tham gia vào các hoạt động của Thủ đô với với thế là một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn có những đóng góp thiết thực và xây dựng Nông thôn mới và Đô thị Văn minh. Sinh Vật Cảnh được Chính quyền thành phố có Đề án phát triển từ năm 2016 và được đề cập trong các văn bản chỉ đạo, Nghị quyết Đại hội và cả trong Luật Thủ đô. Đây là những tiền đề để Sinh Vật Cảnh ngày càng phát triển nhanh và bền vững."

Ngoài ra, trong các tối diễn ra Festival còn có chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian của các địa phương như các tiết mục: Múa Giảo long của quận Long Biên; múa lụa của phường Vạn Phúc, quận Hà Đông; Múa lân sư rồng của huyện Chương Mỹ; Hát chầu văn, hát chèo của huyện Phú Xuyên; Múa cổ làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì; Hát dô của xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai; Trình diễn thời trang của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội; Hát trống quân của xã Khánh Hà, huyện Thường Tín.

---

TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP VỚI TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG HÀ NỘI