Quyết tâm của những người chiến sĩ áo trắng thầm lặng trên quê hương đất tổ vua Hùng
Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Việt Nam thực hiện ghép tạng từ năm 1992 và từ đó đến nay, chúng ta đã cứu sống được hàng chục nghìn người bệnh nhờ ghép tạng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều người bệnh vẫn đang mòn mỏi chờ được ghép tạng, nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu hụt nguồn tạng hiến.
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết của người bệnh cần ghép tạng và mong muốn nâng cao chất lượng điều trị. Năm 2015, Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã đưa ra một quyết định mang tính đột phá: ký kết hợp tác với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép tạng và triển khai ghép tạng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Tháng 7/2015, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công một ca ghép thận, trở thành bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện ghép tạng sau các Bệnh viện tuyến Trung ương. Sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của Bệnh viện nói riêng và ngành y tế Phú Thọ nói chung. Đồng thời, đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho công tác hiến, ghép tạng tại Bệnh viện sau này.
Từ những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn về kinh nghiệm triển khai, về trang thiết bị và đội ngũ nhân lực mới được đào tạo chuyển giao kỹ thuật. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Ngọc - Nguyên Giám đốc Bệnh viện cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ nhân viên Bệnh viện thời điểm đó đã đoàn kết cùng nhau vượt qua giai đoạn đầy thử thách và đạt được những hiệu quả bước đầu đáng khích lệ với liên tiếp các ca ghép thận được thực hiện thành công. Tuy nhiên các ca ghép thận đều được ghép từ người cho còn sống, nên số lượng ca ghép thận còn hạn chế.
Để gia tăng nguồn tạng ghép và cứu được nhiều người hơn. Bệnh viện đã tham gia vào mạng lưới vận động hiến mô, tạng Quốc gia, đồng thời tích cực triển khai các hoạt động vận động hiến tạng tại Bệnh viện, trong đó có việc vận động hiến tạng từ người cho chết não. Qua đó, dần lan tỏa, đẩy mạnh hơn nữa những nghĩa cử cao đẹp mang tính nhân văn sâu sắc – hiến tặng, mô tạng sau khi chết não vì mục đích nhân đạo, cứu người.
Những chuyến xe xuyên đêm "Cho đi là còn mãi" nhiều sự sống được hồi sinh
Tập thể đội ngũ cán bộ y bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã vươn mình ra một tầm cao mới cùng sự quyết tâm khảng định vị trí trong khu vực. Trải qua gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ.
Từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện đã thực hiện được nhiều ca ghép thận, trong đó đa số là những ca được ghép từ người cho còn sống (là người thân của người bệnh) và 3 ca từ người cho chết não.
Bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia và các bệnh viện lớn khác như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Mắt Trung ương... tổ chức lấy tạng từ người cho chết não, bàn giao cho các bệnh viện tiếp nhận để ghép cho người bệnh chờ ghép.
Từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, những chuyến xe vận chuyển xuyên đêm được hỗ trợ của lực lượng công an giao thông các mô, tạng của người cho chết não đã được chuyển đến ghép cho những bệnh ở khắp mọi miền đất nước. Điển hình là ca hiến tạng từ người cho chết não ở Việt Trì, Phú Thọ đã giúp "hồi sinh" hai người bệnh suy thận ở Huế; tạng của chàng trai 17 tuổi ở Tân Sơn, Phú Thọ đã giúp 4 người bệnh tại Phú Thọ, Hà Giang và Hà Nội được "sống lại" những ngày tháng khỏe mạnh và gần nhất là ca lấy tạng từ chàng trai 18 tuổi ở Tam Nông, Phú Thọ đã giúp 6 người ở Phú Thọ và nhiều tỉnh thành khác có được cơ hội sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.
Liên tiếp những ca hiến và ghép tạng được thực hiện thành công đã khẳng định năng lực thực hiện các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu của các cán bộ y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, cũng cho thấy những hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền vận động hiến ghép mô, tạng tại Bệnh viện.
Điều này không chỉ khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bệnh viện, tham gia tích cực vào mạng lưới hiến tạng, góp phần gia tăng nguồn tạng hiến, mở ra thêm nhiều cơ hội "hồi sinh" cuộc sống cho người bệnh hiểm nghèo, mà còn tạo nên những thay đổi tích cực, mang lại hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho nhiều người bệnh.
Người thuyền trưởng vĩ đại lan tỏa yêu thương "cho đi là còn mãi"
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có được những thành quả như ngày hôm nay, phải nhờ đến những quyết sách mạnh mẽ, những định hướng đúng đắn, quyết tâm dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu là PGS.TS.BS Nguyễn Huy Ngọc, nguyên là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ là người đầu tiên đặt nền móng cho ghép tạng, vận động hiến tặng mô tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ nói riêng và đánh dấu mốc son ghép tạng, hiến tạng của ngành Y tế tỉnh Phú Thọ nói chung.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, người đứng đầu BS. CKII. Lê Đình Thanh Sơn, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp tục đưa bệnh viện tiếp cận thực hiện kỹ thuật ghép tạng, cập nhật và nhận chuyển giao kỹ thuật ghép tạng khác như ghép Tim, ghép Gan (ngoài kỹ thuật ghép thận đang được thực hiện thường quy) để điều trị cho người bệnh tại Phú Thọ và các tỉnh lân cận, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, vận động người dân hiến mô tạng cứu người.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ mong muốn lan tỏa ý nghĩa của hành động hiến tạng cứu người tới đông đảo cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người bệnh đang phải sống chung với những căn bệnh hiểm nghèo được "hồi sinh" một cuộc sống mới. Hãy cùng nhau lan tỏa và nhân rộng hơn nữa những nghĩa cử cao đẹp mang tính nhân văn sâu sắc để bản hùng ca để đời “Cho đi là còn mãi”.