1/ Sự việc nảy ra khi tìm đọc các số báo “Tiếng dân” những năm báo này vừa ra mắt tại Huế. Thấy dấu hiệu từ một vài tờ báo khác đương thời, theo đó trên “Tiếng dân” từ 1927 đã có mục “Phụ nữ diễn đàn”, đăng những bàn cãi nhân một đề xuất giới phụ nữ Việt phải có tờ báo nữ và các chuyện liên quan, tôi vào Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội) thì sưu tập “Tiếng dân” ở đây thiếu hẳn nhiều năm đầu. Để tìm tiếp, tôi viết email nhờ một bạn đang làm việc ở Pháp đến Thư viện Quốc gia Paris tìm đọc bản microfilm tờ này.
Quả thật, trên báo “Tiếng dân” hầu như ngay từ đầu đã có mục “Phụ nữ diễn đàn” với bài đầu tiên của Huỳnh Thị Bảo Hòa “Chị em ta nên có tờ phụ nữ tạp chí” (số 3, ngày 17.8.1927). Khoảng hai tuần sau trên mục này (số 9) xuất hiện ý kiến phản hồi đầu tiên, nữ tác giả Hường Anh từ Quảng Nam, phản đối đề xuất kể trên. Các số tiếp theo đều có mục “Phụ nữ diễn đàn” đăng bài của các nữ tác giả về các chuyện khác, hoặc dịch báo Tàu về việc cho phụ nữ cắt tóc.
Đến số 15 mục này đăng bài của bà Bảo Hòa “Mấy lời đáp lại cô Hường Tâm”. Đến số 17 (5.10.1927) trong mục này xuất hiện bài ký Dã Lan Nữ Sĩ “Vấn đề phụ nữ”: “[….] trong mấy kỳ báo Tiếng dân vừa rồi, nào bài của chị Bảo Hòa, nào bài của chị Hường Tâm, cùng các chị khác, kẻ bàn đi người bàn lại, tuy chưa thấy gì làm thấu triệt rõ ràng, nhưng cũng biểu thị được hai cái khuynh hướng lớn ở trong dư luận nữ giới ta”: một bên “bảo thủ”, muốn duy trì nền nếp gia trưởng chuyên chế, giữ phụ nữ yên phận trong phạm vi gia đình; một bên “duy tân”, cho rằng “trời sinh người là bình đẳng, dù trai dù gái cũng tai mắt ấy, tâm hồn ấy, tài năng cũng bằng nhau thì nghĩa vụ đối với xã hội cũng ngang nhau mà quyền lợi đối với xã hội cũng phải cho xứng đáng”.
Ý kiến Dã Lan Nữ Sĩ trong vấn đề ấy thế nào? Tác giả viết: “Dù các bà đạo đức có mắng em là “con nhà mất dạy” đi nữa, em cũng xin thưa thật cùng chị em ta rằng: “Đàn bà không phải là con vật hạ đẳng, lại không phải cái máy sinh con, so tri thức năng lực có thể cũng như đàn ông cả, thì đàn ông có lẽ nào mà coi đàn bà như một hạng “bất thành nhân” mãi. Cái trách nhiệm của chị em ta là phải yêu cầu cho xã hội công nhận cho ta một đôi chút quyền lợi, vì quyền lợi có sung mãn thì làm nghĩa vụ mới có thể trọn vẹn”. [….] “Chị em ta muốn đạt mục đích tất nhiên phải biết, phải học, phải khổ tâm nghiên cứu lý tưởng thực sự cùng lịch sử cho tinh tường, trước là để nâng cao tư cách và tri thức của nữ lưu, sau là để bổ cứu một phần khuyết điểm trong xã hội: em ước ao rằng chị em ta sẽ nhiều người vui lòng mà làm đều ấy thì ngõ hầu mới mong được một ngày mà cùng đàn ông nhìn trời đất”.
Do “Tiếng dân” các số 18, 19 (trong tháng 10.1927) dành mục “Phụ nữ diễn đàn” đăng ý kiến của Tôn Nữ Hường Anh, phản đối ý kiến Huỳnh Thị Bảo Hòa, tác giả Dã Lan Nữ Sĩ có bài “Lại ý kiến đối với vấn đề phụ nữ, nhân đọc chị Hường Anh”, đăng “Tiếng dân” số 20 (15.10.1927) và số 21 (19.10.1927).
“Em lại xin hỏi các chị rằng, đàn bà ở nước ta có quyền gì hay không? Cứ xem như chữ tam cương, tam tòng, những câu cách ngôn như “Nam tôn nữ ty”, “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”, những câu tục ngữ như “Muốn nói ngoa làm cha mà nói, muốn nói không làm chồng mà nói”, thời thấy ngay những lời ấy là hình dung minh bạch cái tình cảnh đàn bà của nước ta, mà đủ biết rằng đàn bà nước ta cũng không ra khỏi ngoài cái tình cảnh chung của đàn bà trong thế giới.”
Bước sang năm 1928, mục “Phụ nữ diễn đàn” vẫn được duy trì trên “Tiếng dân”, các ý kiến tham gia thảo luận đề tài về “nữ báo”, “nữ quyền” vẫn xuất hiện. Tác giả Dã Lan Nữ Sĩ vẫn góp phần chính cho mục “Phụ nữ diễn đàn”, nhưng ít thảo luận với các phản hồi của bạn đọc hơn là tập trung luận bàn về các khía cạnh của vấn đề. Đó là loạt bài “Vấn đề phụ nữ”, đã đăng tới 4 kỳ vẫn thông báo “còn nữa”. Hoặc các bài “Cái thảm họa của chị em ta” (số 87, 90), “Một cái mậu thuyết của hạng nam tử đối với phụ nữ” (T.D. số 141, 142), v.v.
Trong loạt bài “Vấn đề phụ nữ”, Dã Lan Nữ Sĩ giải thích cho bạn đọc thấy, nêu lên vấn đề phụ nữ ở xã hội ta là thiết thực chứ không phải viển vông.
“Nhìn xem thế giới, từ hơn trăm năm nay bên Âu châu đã bắt đầu vận động cho phụ nữ được bình đẳng với đàn ông. [….] Trong các việc giáo dục, y tế, cùng là công thương giao thông, phụ nữ đã được dự vào chứ xưa kia thì chỉ lẩn khuất trong xó buồng góc bếp. Trên pháp luật phụ nữ cũng được đãi bằng đẳng với đàn ông. Nói về phương diện tham chính thì cái thành tích của sự vận động phụ nữ lại rõ ràng lắm. Kể về nước độc lập như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, v.v. cùng các nước thuộc địa như thuộc địa tự trị của Anh, đến ngoài ba mươi nước đã nhận cho phụ nữ được quyền dự vào chính sự, chỉ khác là có nơi rộng nơi hẹp mà thôi. Nước Trung Hoa từ hồi Dân Quốc thành lập, những nữ ủy viên, nữ thẩm phán, nữ bộ trưởng cũng đã từng có, nước Nhật Bản cũng đã cho đàn bà được làm chức luật sư [….] Xem ở các nước trên thế giới đâu đâu phụ nữ cũng đã được quyền lợi khá nói rằng không thẹn với đàn ông, như thế thì ở nước ta, nay nói đến vấn đề phụ nữ thực cũng là phong trào gây dậy vậy”.
2/ Dã Lan Nữ Sĩ vạch rõ ở xã hội Việt Nam lúc này, khi đã bước vào thế kỷ 20, các đòi hỏi đang đặt ra không chỉ là giải phóng phụ nữ mà còn là giải phóng nam giới, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Tác giả nêu ra 4 nội dung của giải phóng phụ nữ.
Một là giải phóng về đạo đức, “phải phá đổ cái thuyết nam tôn nữ ty mà cầu cho phụ nữ được đãi ngộ đồng đẳng với đàn ông, phải phá đổ cái thuyết tam tòng mà cho phụ nữ được quyền tự lập. Đàn bà đã phải trinh tháo thì đàn ông cũng phải trinh tháo như đàn bà, đàn bà phải lấy một chồng thì đàn ông phải lấy một vợ”.
Hai là giải phóng về giáo dục. Nam nữ phải được học hành như nhau, “cách giáo dục không những chỉ chăm tạo thành những mẹ hiền vợ thảo, mà phải chú ý cả về việc tạo cho đàn bà thành một thứ người có nhân cách đối với xã hội, nhân quần vậy”.
Ba là giải phóng về kinh tế. Đó không những là đòi cho nam nữ phải ngang nhau về quyền thừa kế tài sản, phải công bằng trong phân xử ly hôn, nhưng điều hệ trọng hơn cả, theo Dã Lan Nữ Sĩ, là phải đề xướng quyền lao động, quyền có việc làm cho phụ nữ, để họ có thể độc lập về kinh tế.
Bốn là giải phóng về chính trị. Quốc gia, xã hội là của chung cả đàn ông đàn bà, quản lý công việc quốc gia, xã hội cũng phải là việc chung của cả nam lẫn nữ.
“Chị em ta đã quyết làm giải phóng về đạo đức, giáo dục, kinh tế thì lại phải làm giải phóng về chính trị nữa thì mới hoàn toàn. Ta lại phải hiểu rằng việc tham dự chính trị cũng là con đường để cầu giải phóng về xã hội vậy”. Liên hệ đến hiện trạng chính trị thực dân ở nước ta đương thời, tác giả biết rằng “nói giải phóng về chính trị lúc này còn hơi viển vông, vì chính đàn ông cũng chưa có quyền tham dự chính trị huống chi đàn bà, nhưng đã không bàn đến vấn đề phụ nữ thì thôi, chứ đã bàn đến thì phải nói cho thấu triệt. Vậy nói về chính trị giải phóng, tuy có xa xôi, mà không phải là vô lý được”.
Có thể nói, trong số những diễn ngôn về nữ quyền thời gian này, tư tưởng nữ quyền mà tác giả Dã Lan Nữ Sĩ nêu lên là sâu sắc hơn cả, hoàn thiện hơn cả.
Trong số các bài của Dã Lan Nữ Sĩ còn phải kể thêm bài “Cái thảm họa của chị em ta” nêu những đau khổ vì dễ bị áp chế, bị lạm dụng, bị thương tổn của phụ nữ, và bài “Cái mậu thuyết của một hạng nam tử đối với phụ nữ”, phân tích phê phán một bài trên tập san “Tiếng chuông nhà học” (tập san của giới nhà giáo), nhấn mạnh các quan niệm “nam cương nữ nhu”, “nam nội nữ ngoại” để lên tiếng khuyên phụ nữ không nên ra khỏi nhà đến làm việc ở các công sở.
Tác giả bài viết ấy, dù không bị Dã Lan nêu tên, đã lên tiếng đáp lại; báo “Tiếng dân” đã đăng bài của ông ta (Minh Đức: “Trả lời bài “Cái mậu thuyết của một hạng nam tử đối với phụ nữ” của cô Dã Lan”, T.D., số 145 ngày 9.1.1929, số 147 ngày 16.1.1929, số 148, ngày 19.1.1929) cho thấy những luận điểm của tư tưởng nam quyền vẫn đang thịnh hành.
3/ Theo dõi nội dung các bài báo ký tên Dã Lan Nữ Sĩ kể trên, tôi và bạn tôi dự đoán rằng có lẽ đó không phải một cây bút phụ nữ mà là một cây bút nam tự xưng là thuộc giới nữ để bàn luận.
Cũng dịp tìm tài liệu ấy, bạn tôi tìm được cuốn “Phụ nữ vận động” do Quan Hải Tùng Thư xuất bản ở Huế năm 1928, cũng ghi tên dịch giả là Dã Lan Nữ Sĩ. Tôi tìm hiểu hồ sơ về Quan Hải Tùng Thư do học giả Đào Quy Anh chủ trương những năm 1927-29 tại Huế. Đó là một serie sách đã in ra được 13 tập sách mỏng, phổ biến học thuyết duy vật cách mạng, phỏng theo sách chữ Hán và chữ Pháp, trong đó cuốn “Phụ nữ vận động” do Đào Duy Anh dịch.
Tìm đọc hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm” (công bố 1989) thấy Đào Duy Anh viết: “Để thấy rằng ngày nay phụ nữ cũng tham gia hoạt động xã hội và chính trị như đàn ông, tôi cho ra tập “Phụ nữ vận động” (sách của Đông phương văn khố) do tôi phiên dịch”.
Vậy Dã Lan Nữ Sĩ là bút danh của Đào Duy Anh.
4/ Ta biết, Đào Duy Anh là một trong số 4 – 5 nhân vật sáng lập tờ Tiếng dân và giữ vai trò thư ký tòa soạn (hay chủ bút) từ đầu cho đến khi ông bị bắt (tháng 8.1929).
Vậy mục “Phụ nữ diễn đàn” trên báo Tiếng dân chính là do ông biên tập và trực tiếp viết khá nhiều bài suốt các năm 1927-1929, nhiều nội dung của phong trào nữ quyền trong sách “Phụ nữ vận động” cũng được ông truyền bá trong các loạt bài viết.
Điều đặc sắc là trong hoạt động báo chí ở thời đoạn ngắn ấy, ông ký một bút danh phụ nữ, có lúc xưng “em” để chuyện trò cùng các “chị em”; cũng có lúc bị một tay bút đàn ông coi như một người nữ nên đã lên tiếng khuyên nhủ, dạy bảo khá trịch thượng lối “đàn anh”!
Tiếc rằng chuyện sử dụng “mặt nạ tác giả” rất thú vị này lại không được ông đề cập khi ngồi viết hồi ký (1972)! Ông ghi rất vắn tắt với một vẻ hết sức khiêm nhường: “Công việc của tôi ở báo “Tiếng dân” trong mấy năm 1927, 1928, 1929 chỉ là công việc của người viết báo thường, chẳng có gì cần nhắc đến”.
Phần việc của Đào Duy Anh trên tờ “Tiếng dân” những năm đầu của báo này (1927-1929), trong đó nổi bật là những ngôn luận của ông dưới bút danh Dã Lan Nữ Sĩ về các nội dung vận động nữ quyền, là phần di sản báo chí của ông mà ngày nay ta mới tìm ra và nhắc lại cùng nhau.
Báo Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút, hoạt động từ năm 1927 tới 1943, là một trong những tờ báo quốc ngữ đầu tiên tại khu vực miền Trung, có vai trò chính trị quan trọng, gây ảnh hưởng lớn trong giới trí thức miền Trung. Tiếng Dân trở thành tờ báo lâu năm nhất (17 năm) ra được 1.766 số, phản ánh những sự kiện lịch sử diễn ra ở Trung Kỳ. Trụ sở báo Tiếng Dân (số 193 Huỳnh Thúc Kháng, TP.Huế) vừa được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. |