Ngồi trò chuyện với ông, tôi không hề có cảm giác đang trò chuyện với một chủ tịch huyện, mà như đang ngồi với một nông dân chính hiệu. Ông rành rọt nhà nông dân tên gì, ở xã nào, đưa cây bưởi da xanh từ miền Nam hoặc đưa cây sầu riêng từ Tây Nguyên về trồng khi nào, chất lượng quả ra sao. Ông là Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định).
Ông Khúc không học ngành nông nghiệp, nhưng ông mê làm nông nghiệp từ nhỏ. Lớn lên, dù theo học ngành kinh tế, về làm Phòng Tài chính huyện, nhưng cái máu làm nông nghiệp vẫn âm ỉ trong ông.
“Hoài Ân là miền trung du, toàn huyện có 4.300ha đất trồng lúa thì cũng có chừng ấy diện tích đất trồng cây lâu năm và đất gò đồi. Cây lúa dù đầu tư đến mấy, đổ mồ hôi đến mấy nông dân cũng chẳng thể khấm khá. Còn đất vườn thì trước đây mỗi nhà trồng dăm ba cây mít, chục cây dừa ta, vài cây xoài, cho thu nhập chẳng bao nhiêu. Trong khi đất gò đồi khi ấy bỏ hoang khá nhiều”, ông Khúc nhớ lại.
"Cuộc cách mạng" cây ăn quả ở Hoài Ân manh nha từ năm 2013, từ ngày TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam về thăm vùng đất này. Khảo sát một vòng, khi về làm việc với lãnh đạo huyện, TS Châu khẳng định thổ nhưỡng của Hoài Ân rất phù hợp với cây ăn quả, đồng thời quả quyết nếu ngành nông nghiệp huyện đi theo hướng phát triển cây ăn quả sẽ thắng lớn.
Khi ấy, ông Khúc đang là Phó phòng Tài chính huyện, ngồi dự họp mà lòng không khỏi thầm thắc mắc: “Vùng Hoài Ân nắng ghê hồn, cây ăn quả nào chịu nổi?”. Không ai nói ra, nhưng hầu hết lãnh đạo huyện Hoài Ân khi ấy cũng tỏ vẻ không tin lắm điều TS Châu nói.
Riêng ông Khúc, sau cuộc họp, ông bắt đầu để tâm đến các loại cây ăn quả nông dân đã trồng trên địa bàn và vỡ lẽ điều mà TS Châu đã tâm tư, bởi ông thấy một số loại cây nông dân trồng tự phát vẫn cho hiệu quả, nhất là cây bưởi da xanh và một số cây khác như sầu riêng, măng cụt, na, mít Thái...
“Khi ấy mỗi vườn nông dân chỉ trồng 2 - 3 cây bưởi da xanh, nhà nhiều nhất trồng chừng chục cây nhưng tôi thấy chúng cho quả đẹp, ăn rất ngon. Tôi nghe có một nông dân ở xã Ân Mỹ đi làm ăn ở Đăk Lăk đưa về vườn nhà trồng 10 cây sầu riêng, khi cây cho quả tôi đến nhà thăm thì thấy cây đậu quả rất sai, tôi thầm khẳng định trong bụng là ngoài bưởi, đất này cũng phù hợp với cây sầu riêng”, ông Khúc nhớ lại.
Sau khi quy hoạch xong diện tích trồng cây ăn quả 1.600ha, trong đó có 350ha đất trồng cây lâu năm đã được người dân trồng keo, ông Khúc đã “cầm trịch” trong công cuộc giải phóng cây keo để trồng cây ăn quả. Huyện Hoài Ân ban hành hẳn nghị quyết chuyên đề để thực hiện việc này. Thế nhưng khi bắt tay thực hiện, đã gặp không ít khó khăn.
“Chuyện phá bỏ cây keo trên đất đã quy hoạch trồng cây ăn quả gian nan ghê lắm. Sau khi HĐND huyện họp thống nhất, UBND huyện mời các bí thư, chủ tịch các xã về ký cam kết đến thời gian nào sẽ nhổ bỏ hết cây keo trên đất nông nghiệp ở địa bàn. Khi ấy, tôi nghĩ chỉ chừng 1 năm sau là giải quyết rốt ráo toàn bộ diện tích 350 ha. Nào ngờ khi thực hiện lại gặp rất nhiều vướng mắc, phải mất 3 năm mới giải quyết mới xong”, ông Khúc kể.
Vướng mắc lớn nhất trong việc giải phóng cây keo trên đất nông nghiệp là có nhiều diện tích đất đã được UBND các xã cho nông dân thuê trồng cây ngắn ngày. Thuê xong, nông dân lại đi trồng keo. Mà keo thì phải 4 - 5 năm mới thu hoạch.
Khi huyện Hoài Ân phát động nhổ bỏ keo, nhiều diện tích chưa đúng chu kỳ khai thác. Thế là chủ các rừng keo làm đơn kiện cáo. Nhưng nhờ có sự đồng thuận từ cấp ủy đến chính quyền từ huyện tới xã nên việc phá bỏ cây keo trên đất nông nghiệp vẫn được thực hiện kiên quyết.
“Lúc đó, dân tới tấp gửi đơn kiện cáo, UBND tỉnh đòi kiểm điểm Hoài Ân, bản thân tôi đứng trước nguy cơ bị xử lý. Cuối cùng, chúng tôi cũng được minh oan, chuyện nhổ bỏ cây keo trên đất nông nghiệp được UBND tỉnh xác nhận là việc cần làm và làm đúng. Cuối cùng, Hoài Ân là địa phương đầu tiên ở Bình Định hoàn thành giải phóng cây keo trên đất nông nghiệp, được tỉnh làm hình mẫu để các địa phương khác làm theo”, ông Khúc vui vẻ kể lại.
ong chuyện quy hoạch, Hoài Ân bắt đầu xây dựng chính sách hỗ trợ. Cải tạo vườn tạp, phá bỏ keo để trồng bưởi da xanh, bơ sáp, chè Gò Loi nông dân được huyện hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống; hỗ trợ chăm sóc và chi phí thuốc BVTV trong 3 năm đầu với mức 1,6 triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ 50% chi phí khoan giếng...
Từ đó, phong trào trồng cây ăn quả bắt đầu lan tỏa trên đất Hoài Ân. Trong giai đoạn 2016 - 2018, từ 20 - 30ha, diện tích cây ăn quả tăng nhanh đến 150 ha, đặc biệt là cây bưởi. Đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân đã có đến 360ha bưởi, trong đó có 160ha đang thời kỳ kinh doanh và 400ha dừa xiêm, 80ha bơ sáp, 30ha na…
Từ khi hình thành vùng cây ăn quả, thu nhập của nông dân Hoài Ân thoát cảnh lệ thuộc vào cây lúa, túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Ở Hoài Ân hiện nay không hiếm những vườn trồng hàng trăm cây bưởi, hàng trăm cây dừa. Từ khi phát triển mạnh cây ăn quả, người dân Hoài Ân đã giã từ cái nghèo. Từ một huyện “vô danh” trên bản đồ nông nghiệp, Hoài Ân bỗng bừng lên thành điểm sáng của nông nghiệp Bình Định.
Khi được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân phụ trách kinh tế, ông Khúc đã làm đầu mối đưa công cuộc phát triển cây bưởi da xanh, cây bơ sáp, cây chè Gò Loi, những cây đặc sản của quê hương Hoài Ân vào nghị quyết. Theo đó, dự án hỗ trợ phát triển cây bưởi da xanh, cây bơ sáp và cây chè giai đoạn 2016 - 2020 được UBND huyện Hoài Ân phê duyệt. Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ được huyện Hoài Ân mời về nghiên cứu, tư vấn, sau đó lập quy hoạch phát triển cây ăn quả có thế mạnh và cây chè theo hướng VietGAP. Đó là bước khởi điểm của Hoài Ân trong công cuộc chuyển đổi cây trồng, để bây giờ trở thành “thủ phủ” cây ăn quả của Bình Định. |