Nhà thư pháp Lê Thiên Lý tặng chữ cho đại biểu dự buổi gặp mặt khai xuân
Giá trị văn hóa lâu đời của người Việt
Phong tục xin chữ đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt, thể hiện sự coi trọng con chữ và tinh thần hiếu học của dân tộc mỗi dịp tết đến xuân về. Người đi xin chữ mang theo hy vọng một năm mới mạnh khỏe, bình an, và phúc thọ tràn đầy.
Tục xin chữ, cho chữ bắt nguồn từ thời xưa khi các nhà nho có thú vui viết tặng nhau những bức thư pháp, câu đối nhân dịp đầu xuân năm mới. Dần dần thú vui đó hình thành thành một nghi thức không thành văn của những người hiếu học, trân trọng nét chữ đẹp, nên ngày xuân xin về như xin một thứ phúc lộc may mắn. Người cho chữ phải có tâm và tầm, hiểu được ý nghĩa của từng con chữ để chỉ đúng đường đúng lối cho người xin chữ, để họ đạt được ước nguyện thông qua thông điệp được gửi gắm qua từng nét bút. Ngoài ra, người cho chữ còn phải có con mắt tinh tường, không cho phường “thích làm sang”, chỉ cho người trọng chữ.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý viết chữ
Nét đẹp vẹn nguyên
Phong tục truyền thống xin chữ, cho chữ tiếp tục được lưu giữ và thực hành cho đến ngày nay. Nhân ngày đầu xuân năm mới, Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - Hội khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức gặp mặt đầu xuân và lan tỏa nét đẹp xin chữ, cho chữ cùng nhà thư pháp Lê Thiên Lý.
Với mực tàu giấy đỏ, những nét chữ uốn lượn dưới đôi tay khéo léo của nhà thư pháp, con chữ như mang theo hơi thở của cả quá khứ và hiện tại. Nhà thư pháp bày tỏ: “Ngày nay, phong tục xin chữ hơi dịch chuyển một chút, thế nhưng nó vẫn giữ được cốt cách, nét cổ truyền văn hóa của dân tộc ta. Các cụ vẫn có câu: “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, thế thì phải có câu đối để xin chữ mỗi khi Tết đến Xuân về”.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý chia sẻ
Tục xin chữ, cho chữ là những món quà tinh thần chào đón năm mới, nói lên những mong muốn của mỗi người về một sự khởi đầu tốt đẹp trong năm mới, đồng thời, góp phần bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam. Qua sự kiện Gặp mặt khai xuân của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, hoạt động cho chữ đầu xuân thể hiện nét đẹp văn hóa, tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt đang được lưu giữ và ngày càng phổ biến trong đời sống.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi gặp mặt khai xuân Giáp Thìn 2024