Theo TTXVN dẫn nguồn từ Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Tỉnh luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế.
Cụ thể, tỉnh đã có những chính sách, chủ trương và định hướng để khai thác tối đa giá trị cây dừa như: Kế hoạch xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; Kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030.
Nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030.
Để phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất dừa tập trung, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đến năm 2025, tỉnh duy trì và phát triển được 20.000 ha dừa hữu cơ, 2.000 ha dừa tươi được cấp mã số vùng trồng. Đến năm 2030, duy trì và phát triển 25.000 ha dừa hữu cơ, 6.000 ha dừa tươi được cấp mã số vùng trồng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, tỉnh hiện có 133 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành; đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích gần 8.400 ha và trên 12.800 hộ tham gia. Những con số này là về vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu được nêu trong Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Riêng chuỗi dừa, đến nay, có 32 tổ hợp tác, 34 hợp tác xã tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô hơn 10.094 ha và 7.048 thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt 20.400 ha (chiếm khoảng 25% diện tích dừa toàn tỉnh); trong đó diện tích đạt chứng nhận là 13.000 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Khi Nghị định thư được ký để nhập khẩu dừa uống nước của Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa có thêm một khách hàng lớn. Bởi, hàng năm, thị trường “tỷ dân” này tiêu thụ sản lượng dừa rất lớn, nhất là thời điểm mùa hè, hầu như ở Thái Lan hay các quốc gia trồng dừa đều thiếu sản lượng cung cấp cho thị trường Trung Quốc.
Bến Tre đặt mục tiêu ổn định diện tích vườn dừa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của vườn dừa; phát triển diện tích vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững. Địa phương đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm dừa thông qua việc chứng nhận hữu cơ, GAP và tương đương; cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.