Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - Bước đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn ở Quảng Ngãi

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

          Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 240 sản phẩm OCOP, trong đó có 18 sản phẩm OCOP 4 sao, còn lại là các sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Có 100% sản phẩm OCOP đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc (mã QR Code), mã vạch.

1-gian-hang-ban-cac-san-pham-ocop-cua-cac-htx-co-so-san-xuat-kinh-doanh-trong-tinh-1736591321.jpg

Gian hàng bán các sản phẩm OCOP của các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh

 

* Đôi điều khẳng định

          Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, tạo ra những chuyển biến mới, đồng bộ trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như của tỉnh được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chính sách hỗ trợ liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề nông thôn, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm bước đầu được thực hiện chặt chẽ, công khai, kết quả đánh giá đã tạo được uy tín, thuyết phục cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều thay đổi về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất, thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã và bán cho các thương lái nhưng nay đã được mở rộng, đưa vào đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước.

2-khach-hang-mua-san-pham-ocop-tai-phien-cho-ket-noi-1736591326.jpg

Khách hàng mua sản phẩm OCOP tại phiên chợ kết nối năm 2024

 

          Qua 6 năm thực hiện, chương trình OCOP đã tạo động lực thúc đẩy các chủ thể nâng cao chất lượng, hoàn thiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ, đưa các sản phẩm OCOP đến với nhiều người tiêu dùng. Các sản phẩm mạch nha, tỏi Lý Sơn, trà thảo mộc, gạo sạch, nước mắm, gốm Mỹ Thiện và nhiều nông sản khác đã dần vượt ra khỏi phạm vi của tỉnh, chinh phục thị trường trong nước, thậm chí là quốc tế. Ông Nguyễn Thuận, Giám đốc Nhà máy Nha Quảng Ngãi (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) cho biết, dù có hệ thống phân phối ổn định nhưng từ khi mạch nha Quảng Ngãi đường mantoza được công nhận OCOP 4 sao vào năm 2023 mới nâng tầm giá trị sản phẩm, giúp tăng trưởng cao hơn trước 10%. Cuối tháng 12/2024, sản phẩm này được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận có tiềm năng đạt OCOP 5 sao. Qua đây, đơn vị mạnh dạn phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

3-san-xuat-cac-mat-hang-ocop-dac-san-tai-ly-son-nguyen-dang-lam-1736591327.JPG

Sản xuất các mặt hàng OCOP đặc sản tại huyện Lý Sơn. 

 

 

          Chương trình OCOP cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời đã giúp các chủ thể là hộ kinh doanh, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nâng tầm giá trị sản phẩm để mở rộng thị trường. Chủ cơ sở sản xuất đường phèn Nguyễn Thị Lắm, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) cho biết, trước đây, tôi bán sản phẩm chủ yếu qua những mối hàng quen biết, nên đơn hàng ít, sản phẩm tiêu thụ chậm, giá bán cũng bấp bênh. Từ khi sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm OCOP, được các cơ quan chức năng hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử, giúp sản lượng tiêu thụ tăng mạnh. Rõ ràng, chương trình OCOP đã thổi luồng sinh khí, tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống vươn mình phát triển.

          Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, chương trình OCOP đã khai thác tiềm năng đất đai và giá trị văn hóa, tạo ra sản phẩm “đa giá trị”, liên kết nông nghiệp với dịch vụ du lịch, khuyến khích sáng tạo trong sản xuất, chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ sang quy mô lớn, hiện đại, xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Bên cạnh đó, các chủ thể chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã và an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn tạo ra sự chuyển mình toàn diện trong sản xuất, phát triển nông nghiệp của tỉnh.

4-khach-hang-mua-cac-san-pham-tu-huyen-trung-du-nghia-hanh-1736591324.jpg 

Khách hàng mua các sản phẩm OCOP từ huyện Trung du Nghĩa Hành

 

* Công tác truyền thông gắn với chuyển đổi số- chất lượng sản phẩm- xúc tiến thương mại

Ông Hồ Trọng Phương cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có sự phối hợp thực hiện đồng bộ ở nhiều góc độ khác nhau, trước tiên là: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới thực hiên tốt công tác truyền thông về chương trình OCOP, có thể xem Chương trình OCOP là Chương trình khởi nghiệp toàn dân, vì vậy công tác truyền thông giúp cộng đồng hiểu được chương trình OCOP là chương trình kinh tế của cộng đồng, công tác truyền thông làm cho mọi người tiêu dùng hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương và từ đó kích thích người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm.

5-khach-hang-mua-cac-san-pham-ocop-o-mien-nui-1736591327.jpg

 Khách hàng mua các sản phẩm OCOP ở miền núi

 

Thứ hai là thực hiện chuyển đối số trong công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm các cấp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn các địa phương số hoá hồ sơ OCOP tham gia Chương trình OCOP giúp giảm chi phí trong việc in ấn tài liệu, hồ sơ của chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh, phòng trừ trường hợp bị mất hồ sơ, lúc này số hóa tài liệu trở nên cần thiết hơn, tìm kiếm hồ sơ OCOP nhanh chóng, thuận tiện. Việc chia sẻ tài liệu được quét qua email, công cụ đám mây được dễ dàng và người dùng có thể dễ dàng truy cập thông tin từ xa mọi lúc, mọi nơi.

Ba là, xác định chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của sản phẩm OCOP. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở bản thân chất lượng của hàng hóa được kết tinh ở khâu sản xuất nguyên liệu, công nghệ chế biến và bảo quản đã được giám định kỹ lưỡng, mà phải làm thế nào tạo ra được ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong hành vi của mỗi người dân. Ngoài ra nó còn thể hiện ở nghệ thuật bao bì, đóng gói sao cho hấp dẫn và thuận tiện nhất cho người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi được người tiêu dùng chấp nhận và doanh thu người bán hàng tăng lên.

6-quay-gioi-thieu-va-ban-san-pham-ocop-cua-htx-sx-va-kd-nam-duc-nhuan-huyen-mo-1736591324.jpg

Quày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của HTX SX và KD Nấm Đức Nhuận, huyện  Mộ Đức

 

Tiếp đó là công tác xúc tiến thương mại, đây là bước đi quan trọng để đưa sản phẩm OCOP gần hơn với người tiêu dùng, các hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm cần được thực hiện thường xuyên; tổ chức thường niên hội chợ OCOP; triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm được đánh giá công nhận xếp hạng phát triển bền vững.

10a-quay-ban-cac-san-pham-ocop-huyen-mo-duc-1736591326.jpg

Quày bán các sản phẩm OCOP huyện Mộ Đức

 

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xây dựng và ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, đây là cách thức để các huyện, thị xã, thành phố mạnh dạn hỗ trợ cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, là cách thức hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Chương trình OCOP.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP không thể nóng vội chạy đua thành tích với các tỉnh thành khác, thực hiện theo đúng chu trình OCOP thường niên đã được Thủ tướng chính phủ quy định tại Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023, đồng thời thực hiện tốt công tác tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra thực tế tại cơ sở có sản phẩm đạt OCOP.

9-khach-hang-mua-san-pham-san-xuat-tu-que-tra-bong-1736591328.jpg

Khách hàng mua các sản phẩm OCOP huyện miền núi Trà Bồng.

 

          Theo ông Nguyễn Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi, sự nỗ lực của các chủ thể OCOP cùng với sự đồng hành của các cơ quan liên quan đã giúp sản phẩm OCOP của thành phố khẳng định vị thế không chỉ ở chất lượng, mà còn gắn liền với đời sống, bản sắc văn hóa. Các chủ thể ngày càng chú trọng đến câu chuyện sản phẩm nhằm thu hút và tạo niềm tin với khách hàng. Ngoài ra, việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy kinh tế số và nâng cao vị thế thương hiệu sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, việc cấp mã số truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì nhãn mác, cùng với chứng nhận OCOP, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo động lực khơi dậy tiềm năng sản xuất.

7-ban-cac-san-pham-ocop-cua-thi-xa-duc-pho-1736591328.jpg

Mua sản phẩm OCOP thị xã Đức Phổ 

 

* Thay lời kết


           Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho rằng, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, đánh giá tiềm năng và giá trị của sản phẩm. Khuyến khích chủ thể đầu tư cải tiến sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất, gắn với bảo tồn, bảo đảm bản sắc văn hóa và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và quảng bá sản phẩm OCOP hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh cũng như cả nước. Qua đó, góp phần tiếp sức chương trình OCOP phát triển bền vững, với mục tiêu cao nhất là nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, khẳng định vị thế của nông nghiệp, bước đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn ở Quảng Ngãi./.

Bài và ảnh: N Đ L