Tại phiên thứ hai của tọa đàm, các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia quốc tế thảo luận về các vấn đề: giải pháp để sản xuất nông nghiệp sinh thái có trách nhiệm, giảm phát thải nhà kính; việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm; xây dựng chiến lược dinh dưỡng; tạo ra các chuỗi thực phẩm ở các vùng miền nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Mở đầu phiên, bà Trương Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn chia sẻ quan điểm về các chính sách, giải pháp hoàn thiện và thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm nông nghiệp sinh thái và giảm phát thải nhà kính.
“Xu hướng sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường là một yêu cầu tất yếu không chỉ riêng Việt Nam mà còn ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Nội dung triển khai cụ thể về vấn đề này đã được nhắc đến ở Nghị quyết Tam nông mới. Đầu tiên là giải pháp tuyên truyền để xã hội nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Thứ hai là hoàn thiện pháp luật, có những khuyến khích cho người làm tốt, có chế tài dành cho những đối tượng sai phạm”, bà Thu Trang chia sẻ.
Bàn về sự cần thiết của việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) khẳng định, nông nghiệp và lương thực, thực phẩm đang là vấn đề nóng trên toàn cầu, có mối liên quan đến mọi tác nhân trong xã hội.
“Vì vậy, để thay đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, cần có sự đồng hành của nhiều nhân tố trong cấp quản lý Nhà nước như: Bộ Nông nghiệp là sản xuất, Bộ Y tế là tiêu dùng, Bộ Công thương là phân phối, Bộ Khoa học Công nghệ đổi mới trong kỹ thuật”, PGS.TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Thế Anh đề cao kết quả chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế trong những năm vừa qua. Để phát triển hơn nữa, chúng ta cần bám sát chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.
Phát biểu về vấn đề xây dựng chiến lược dinh dưỡng, Bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN) nhấn mạnh vào trách nhiệm của ngành y tế trong việc đảm bảo khẩu phần ăn lành mạnh và dinh dưỡng.
Bà nhấn mạnh vào 3 nhiệm vụ chính. Đầu tiên, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục đến người dân để họ có thể lựa chọn khẩu phần ăn lành mạnh, chế biến và bảo quản thực phẩm. Kế đến, nâng cao năng lực của cán bộ y tế ở các tuyến tỉnh, huyện, xã. Cuối cùng, Viện Dinh dưỡng tập trung nghiên cứu khoa học, xây dựng bộ thực đơn, tháp dinh dưỡng, tài liệu để cung cấp cho cộng đồng.
Không chỉ có những chuyên gia Việt Nam, Bà Deborah Nabuuma, Chuyên gia Dinh dưỡng, Liên Minh Bioversity và CIAT cũng đưa ra lời khuyên thiết thực trong buổi thảo luận. Để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, hướng đến chế độ ăn lành mạnh. “Điều đầu tiên, chúng ta cần phải quan tâm tới giáo dục, tuyên truyền và truyền thông để người dân nắm bắt vấn đề này. Ngoài ra, ta cũng cần phải nâng cao tiếp thị những sản phẩm có lợi cho sức khỏe”, Bà Deborah Nabuuma cho hay.
Tuy nhiên, sự khác biệt về điều kiện kinh tế, văn hóa vùng miền ở nước ta dẫn đến việc cần có những giải pháp cụ thể cho từng đối tượng. Chia sẻ về vấn đề này, bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN) cho biết cần có sự hỗ trợ đến người dân. Cụ thể, ở các vùng sâu vùng xa, cần nâng cao nhận thức về chế độ dinh dưỡng; hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn và chế biến thức ăn. Ngược lại, ở thành thị, cần nâng cao ý thức vận động thể lực; giáo dục về kiểm soát chế độ ăn.
Tại buổi tọa đàm, ông Brice Even, Chuyên gia Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, Liên Minh Bioversity và CIA, trả lời câu hỏi về hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững và đề xuất những giải pháp tại Việt Nam. Theo ông, hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững là một hệ thống cung cấp lương thực, thực phẩm lành mạnh và dinh dưỡng, đồng thời giúp bảo vệ môi trường mang đến sự bình đẳng xã hội và khả năng phát triển kinh tế.
Nông dân là một trong những tác nhân quan trọng trong hệ thống lương thực, thực phẩm. Để đạt được tất cả các khía cạnh bền vững, việc bắt đầu từ nông trại và các thực hành nông nghiệp bền vững tại đấy đóng vai trò quan trọng. Ông Brice Even cho biết: “Việc thực hành nông nghiệp bền vững chính là chìa khóa để đạt được các đầu ra về sức khỏe, dinh dưỡng và môi trường”.
Cũng trong buổi tọa đàm, PGS.TS Đào Thế Anh đặc biệt nhấn mạnh việc sản xuất an toàn, minh bạch ở TP. Hà Nội: “Thủ đô phải đi đầu trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, đầu tư mạnh mẽ hơn các địa phương khác. Từ đấy, tập trung uy tín của Hà Nội, của Việt Nam cũng như của quốc tế. Bởi lẽ, nhiều du khách lựa chọn đến Thủ đô đầu tiên khi đến Việt Nam. Họ sẽ đánh giá uy tín của ngành nông nghiệp cũng như ngành thực phẩm của cả nước”.
Ông Thế Anh cho rằng, việc kết hợp giữa những hợp tác công và tư trong hiện đại hóa các quản lý chuỗi an toàn thực phẩm của Hà Nội là vấn đề thiết yếu. Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông về vấn đề này cũng rất quan trọng. Qua đó, ông đề xuất những giải pháp thúc đẩy nhu cầu sử dụng lương thực thực phẩm an toàn, dinh dưỡng của người dân tại Hà Nội.
Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài đã mang đến tọa đàm những góc nhìn, lời khuyên bổ ích để góp phần nâng cao sự hiệu quả trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030.