Ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dự trực tuyến Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ nhất sáng kiến "Đổi mới nông nghiệp để ứng với với biến đổi khí hậu” cùng hàng trăm lãnh đạo các quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kêu gọi tất cả “cùng nhau hành động” để khắc phục hậu quả của Covid-19, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững trong bối cảnh bình thường mới.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, đây là những tiền đề nhằm thúc đẩy đầu tư nông nghiệp bền vững và chuyển đổi hệ thống theo hướng thông minh với biến đổi khí hậu, đồng thời giúp đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
“Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân trong hệ thống lương thực thực phẩm, trong đó vai trò của nhà sản xuất, chế biến, phân phối và người tiêu dùng là trọng tâm”, Thứ trưởng nói.
Sứ mệnh Đổi mới Nông nghiệp vì Khí hậu (AIM for Climate - AIM4C) là sáng kiến do UAE và Mỹ khởi xướng, với sự hỗ trợ của hơn 30 chính phủ, ra mắt vào tháng 11/2021, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26).
Nhận thức được việc 25% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ nông nghiệp, AIM4C tập trung đổi mới nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp, một ngành sử dụng hơn hai tỷ người và nuôi sống dân số ngày càng tăng trên thế giới. Hiện AIM4C đã nhận khoản đầu tư trị giá 4 tỷ USD nhằm tăng tốc đổi mới cho hệ thống thực phẩm và nông nghiệp thông minh, ứng phó với khí hậu trong 5 năm từ 2021-2025.
Cùng với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…, Việt Nam là một trong số các quốc gia tham gia AIM4C. Qua hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhất trí về 4 nội dung được chia sẻ tại COP 27 diễn ra tại Ai Cập gồm: nông nghiệp sinh thái; các công nghệ/kỹ thuật mới; giảm phát thải khí Metan; và Hộ gia đình nông dân nhỏ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình. “Việt Nam mong muốn được tăng cường hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến AIM4C”, ông bày tỏ.
Ba cam kết được Việt Nam đưa ra tại hội nghị. Thứ nhất, đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.
Thứ hai, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ cho sản xuất mà còn phục vụ phát triển kinh tế nông thôn; củng cố và tăng cường vai trò của các hộ gia đình và HTX nông nghiệp - cho phù hợp với điều kiện cụ thể.
Thứ ba, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, phát triển và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; và nhân rộng mô hình đầu tư hợp tác công - tư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.
Thay mặt nước chủ nhà tổ chức hội nghị, bà Mariam Bint Mohammed Almheiri, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu và Môi trường UAE cho biết, AIM4C tập trung vào một số lĩnh vực mà trước đây thường bị bỏ qua. Sáng kiến này thể hiện cách tiếp cận toàn diện và bao trùm của UAE, cũng là cam kết của nước này khi đề nghị đăng cai COP 28.
“Một phần chính của thách thức khí hậu xoay quanh vấn đề lương thực và nông nghiệp. AIM4C là một động thái táo bạo nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực toàn, là cơ sở để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững và xóa nạn đói trên thế giới vào năm 2030”, bà Mariam nhấn mạnh.
Theo nước chủ nhà UAE, AIM4C sẽ từng bước huy động một phong trào toàn cầu, nhằm tăng cường an ninh lương thực, đồng thời đảm bảo sinh kế cho hàng tỷ người khắp hành tinh. Trước mắt, Ban tổ chức đặt mục tiêu huy động 8 tỷ USD đầu tư tại COP 27.
Bà Jo Churchill, Bộ trưởng Bộ Cải tiến nông nghiệp & Thích ứng với khí hậu Vương quốc Anh chia sẻ: “Đầu tư vào nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu là bước tiến quan trọng để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Nông nghiệp có tiềm năng lớn để làm việc này, bởi tích hợp được nhiều giá trị trong việc phát triển bền vững, tăng sức chống chịu. Đồng thời việc đổi mới hệ thống nông nghiệp có thể giảm lượng khí thải, nuôi sống dân số ngày càng tăng trên thế giới”. |