"Anh chụp giúp tôi một bức ảnh để kỷ niệm ngày sinh nhật được không ạ?". Lúc đầu tôi hơi cảnh giác vì thấy người phụ nữ là người không quen, tuy nhiên nghe lời đề nghị nhờ chụp ảnh để kỷ niệm ngày sinh nhật của bà hơi lạ nên tôi vui vẻ nhận lời.
"Vâng bác, bác đưa điện thoại em chụp giúp bác".
Một người phụ nữ cao tuổi, đạp xe đạp một mình ra Hồ Tây để mong có một bức ảnh kỷ niệm mừng ngày sinh nhật, thật lạ và làm ta chạnh lòng? Bà đưa tôi chiếc điện thoại iphone không còn mới và đứng tựa lan can, chắc muốn tôi chụp hướng ra Hồ Tây. Tôi bật chiếc điện thoại của bà đưa cho. Điện thoại của người già thường không dùng mật khẩu, vân tay nên nhấn núm home là màn hình hiển thị ngay. Tôi nhấn nút chụp ảnh và hướng ống kính về bà, bà nhắc tôi "anh nhớ chụp cả chiếc xe đạp của tôi nhé? Một kỷ vật, một người bạn suốt mấy chục năm của tôi đấy". Giờ tôi mới để ý chiếc xe đạp, đó là một chiếc Pơ giô (Peugot) màu cá vàng đã cũ nhưng vẫn còn đẹp lắm.
"Bác đứng gần vào chiếc xe đạp đi, mà bác phải bỏ khẩu trang ra để chụp chứ". Tôi nhắc bà vì bà quên tháo khẩu trang để chụp ảnh nhưng lại nhớ phải có chiếc xe đạp trong ảnh kỷ niệm. Tôi loay hoay chọn tư thế chụp cho bà nhưng vì lúc đó mặt trời đã lên cao nên các bức ảnh chụp hướng ra Hồ Tây đều bị ngược nắng thường hơi tối, chỉ sợ bà không biết chỉnh ảnh cho ảnh sáng lên. Tôi hỏi bà đây là sinh nhật bao nhiêu tuổi thì bà trả lời với giọng hãnh diện.
"Kỷ niệm tám mươi tuổi, tôi sinh năm 1942". Trông bà trẻ, khỏe hơn tuổi nên bà hãnh diện là phải. Tôi đề nghị:
"Bác cho em chụp mấy bức ảnh của bác bằng điện thoại của em nhé. Ảnh chụp sẽ sáng hơn, với lại em muốn đăng ảnh bác lên phây búc để lớp trẻ còn học tập. Bà vui vẻ đồng ý và tạo dáng cho tôi chụp. Tôi trao lại điện thoại iphone cho bà và hỏi thăm bà về gia đình, công việc thì được bà hào hứng kể chuyện. Bà tốt nghiệp trường ĐH kinh tế quốc dân, trước làm việc ở Bộ lao động sau đó chuyển sang Bộ Ngoại thương (Bộ Công thương). Năm 2003 dù đã qua tuổi 60, bà vẫn được cử sang làm tùy viên thương mại ở Stockhon, Thụy Điển. Bà làm ở Thụy Điển 2 nhiệm kỳ, 2009 bà về nước và nghỉ hưu từ đó. Thứ Bảy mỗi tuần bà có thói quen đạp xe từ nhà bà, Giảng Võ đi qua Bộ Ngoại Giao ra nhà Hát Lớn, vòng Nguyễn Đình Thi, Văn Cao rồi về Giảng Võ. Tuổi bà mà đạp xe quãng đường như vậy mỗi tuần là đáng nể đấy. Tôi hỏi tên bà và biết tên bà là Phan Nguyệt Minh.
"Tên bác đẹp nhỉ?", tôi khen thì được bà giải đáp:
"Tôi sinh ra vào đêm rằm tháng Tư nên bố mẹ tôi lấy tên Nguyệt Minh đặt cho tôi". Chồng bà nguyên là Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Ủy ban vật giá nhà nước (nay là Ban Vật giá, Bộ Tài Chính). Con trai lớn của bà sinh năm 1964, đang làm đại diện văn phòng thương mại cho một số nước châu Âu ở Hà Nội. Con gái bà sinh năm 1974, đang làm giám đốc một ngân hàng. Bà nói "những người cằm nhọn hay lông mày giao nhau là không đáng tin, hay nhỏ nhen lươn lẹo. Không phải tự nhiên mà tôi nhờ anh chụp ảnh cho tôi đâu". Tôi ngạc nhiên "tại sao vậy bác?".
"Đưa điện thoại cho người lạ nhỡ họ cầm bỏ chạy đi thì tôi biết làm sao?".
"Vậy nhưng em đeo khẩu trang gần kín mặt như vậy thì làm sao bác biết em là người đáng tin?", tôi tò mò hỏi lại.
"Trông anh là tôi biết chứ. Nhìn dáng người, dáng đi của anh là tôi biết anh là người đáng tin" - Thú vị thật.
Tôi hỏi bà " thế các con của bác đã tổ chức mừng sinh nhật cho bác chưa?". Bà vui vẻ trả lời "cả nhà tổ chức sinh nhật cho tôi hôm qua rồi, tổ chức ở khách sạn Daewoo. Tiệc đứng rất ngon và gọn nhẹ".
"Bác 80 tuổi mà trông trẻ khỏe quá, chắc bác có bí quyết?", tôi hỏi bà.
"Tôi thấy bọn tây ngoài 50 tuổi vẫn ăn uống rất nhiều mà không thấy đứa nào béo", chắc bà nói dân tây ở Bắc Âu "hỏi ra mới biết là thời còn trẻ bọn nó được nuôi dưỡng tốt, cơ thể được cung cấp đủ vitamin và các khoáng chất. Sau 50 tuổi thì luôn ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm chức năng và đi bộ thường xuyên nên không bị béo dù ăn nhiều. Người Việt Nam mình thì lúc trẻ dinh dưỡng không đủ, sau tuổi 50 lại lười đi bộ nên ăn ít vẫn béo và không khỏe". Bà dừng lại ngẫm nghĩ một chút rồi nói tiếp "bọn tây biết buông bỏ nên tinh thần luôn thoải mái. Chúng có thể trao đổi, tranh luận bảo vệ chính kiến nảy lửa, nhưng xong là thôi. Không để bụng, không cay cú, không hờn giận, luôn thoải mái vui vẻ hòa đồng nên tây ít bệnh tật. Bọn tây lại không phải lo về tương lai của con cái nên rất nhẹ gánh. Người Việt Nam mình thì hay ganh đua, tỵ nạnh trong công việc, hay để bụng và luôn bị dằn vặt vì thua kém bạn bè đồng nghiệp. Bố mẹ phải lo tiết kiệm để cho con cái. Ông bà thì lo dành dụm cho các cháu nên cả đời phải lo toan nên tổn hại đến sức khỏe?". Lý luận về bọn tây của bà thì nghe tạm ổn, nhưng lập luận về người Việt Nam của bà tôi e chưa thuận với suy nghĩ của đa số người Việt vốn quen với nếp sống tứ đại đồng đường; trẻ cậy cha, già cậy con.
Tôi lại hỏi bà "bác hiện sống một mình hay với anh chị nào không ạ?".
"Tôi mua một căn hộ ở khu Giảng Võ và sống một mình ở đó, không làm phiền con cái". "Bác có sợ khi ốm đau bất chợt mà không ai biết không?", tôi lo lắng nên hỏi thì thấy bà mỉm cười:
"Con người ta sống chết có số rồi anh ơi! Ông Thủ tướng Nhật Abe lẽ ra được cứu sống nếu cái máy ECMO đầu tiên mang đến không hỏng. Vì chiếc đầu tiên hỏng nên khi mang chiếc thứ hai đến thì ông ấy đã qua đời. Vợ đầu của nguyên tổng thống Trump bị ngã cầu thang tại nhà riêng và phát hiện ra thì bà đã chết ở tuổi 73. Tôi đã luôn sẵn sàng đón nhận những bất ngờ cho mình. Tôi đã từng chăm ông nhà tôi 14 năm trời trên giường bệnh cho đến khi ông ấy mất. Giờ tôi sống một mình và không cần ô sin. Tôi làm bốn bộ chìa khóa cửa căn hộ của tôi. Một bộ tôi giữ, hai bộ giao cho hai đứa con, bộ thứ tư tôi nhờ cô hàng xóm là một cô giáo chủ nhiệm môn văn của trường cấp ba Chu Văn An giữ giúp. Nếu mọi người thấy có gì bất thường thì có thể mở cửa vào kiểm tra" - thật đáng nể cho một cụ bà 80 tuổi.
Bà nói bà từng học ở Quế Lâm, Trung Quốc. Tôi hỏi bà có biết ông Vũ Mão không thì bà nói ông Vũ Mão học sau bà và bà không chơi với ông ấy vì ông ấy học "không giỏi". Bà thấy tôi nói là tôi học Đại học Tổng hợp Hà Nội thì bà nói bà nể dân Tổng hợp vì đó là nơi đào tạo thày dạy ĐH. Bà có nguyện vọng thi vào khoa Sinh ĐHTH Hà Nội nhưng vì thiếu 2 điểm nên chỉ được chọn một trong hai trường là trường ĐH sư phạm Hà Nội hoặc trường ĐH kinh tế quốc dân.
Bà nói bà nể tôi vì tôi học ĐHTH, nhưng thực ra tôi mới là người kính trọng bà nhiều hơn.
Người già sống một mình nên có nhu cầu nói chuyện cao. Tôi đã dành cho bà khoảng 30 phút để nghe bà nói chuyện cho đến khi bà cám ơn, chào tôi để mỗi người tiếp tục hành trình riêng của mình.
Một buổi sáng mát lành, vui vẻ vì làm được một việc có ích và được nghe kể một câu chuyện bổ ích cho cuộc đời. Tôi viết lại câu chuyện để mừng sinh nhật tuổi tám mươi của bà Phan Nguyệt Minh. Hy vọng bà hoặc người thân của bà đọc được câu chuyện và nhìn thấy ảnh của bà do tôi chụp.
Chúc bà vẫn tiếp tục đạp xe dạp hàng tuần ra nhà Hát Lớn Hà Nội; vẫn tiếp tục buông bỏ để sống thọ, sống khỏe đến một trăm tuổi.