Đà Lạt: Hoàn thiện cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút đầu tư

Một trong những nỗ lực chính của thành phố Đà Lạt thời gian qua là việc hoàn thiện cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút đầu tư. Thành phố cũng đã tập trung vào việc xây dựng hạ tầng đồng bộ và mở rộng không gian đô thị để dần biến Đà Lạt thành một thành phố hiện đại, sáng tạo và trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế. Thành phố cũng đang hướng tới việc trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế và văn hóa của tỉnh.
sua-chua-deo-mimosa-1715742621.jpg

Sửa chữa đèo Mimosa. Ảnh Báo GTVT

Thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị, TP Đà Lạt đã tập trung vào việc tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút đa dạng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để thành phố bứt phá phát triển. Cụ thể hoá những mục tiêu này, thời gian qua, thành phố đã hoàn thành việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung cho Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này nhằm mở rộng không gian đô thị theo hướng đã được phê duyệt, đồng thời ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị để đảm bảo quản lý quy hoạch và phát triển thành phố thành một đô thị di sản đặc sắc, hài hòa và sang trọng. Mục tiêu của thành phố là đạt tỷ lệ phủ kín quy hoạch và sử dụng đất đạt 100% để tập trung quản lý đất đai, quản lý xây dựng và thu hút đầu tư.

Đồng thời, thành phố cũng đã tập trung vào việc phát triển hạ tầng đô thị, bao gồm giao thông, hạ tầng kỹ thuật, thủy lợi, giáo dục, y tế, năng lượng, viễn thông, công viên, bãi đậu xe, cấp thoát nước, xử lý nước thải, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và nhà ở xã hội. 

Trong giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hiện trên địa bàn TP Đà Lạt đang triển khai thực hiện 82 dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư là 2.649, 8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh là 2.292,1 tỷ đồng; ngân sách thành phố 357,7 tỷ đồng. Dự kiến, trong giai đoạn 2023-2025 nguồn ngân sách tỉnh cấp xây dựng 16 công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư 1.053,6 tỷ đồng; ngân sách Đà Lạt đầu tư 28 công trình với tổng mức đầu tư 351,5 tỷ đồng.

Với hệ thống thủy lợi, hiện có 4 dự án đang triển khai trên địa bàn Đà Lạt với tổng mức đầu tư trên 19,1 tỷ đồng. Giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo thành phố có 10 dự án dự kiến đầu tư với tổng mức 268,1 tỷ đồng.

Lĩnh vực giáo dục – đào tạo cũng được Đà Lạt quan tâm đầu tư thích đáng, từng bước hiện đại hóa trường lớp cơ sở giáo dục cho công tác dạy và học. Hiện thành phố có 8 công trình – dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư 278,1 tỷ đồng. Có 9 dự án được đầu tư trong giai đoạn 2023-2025 với tổng mức đầu tư trên 172,5 tỷ đồng, trong đó có 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở và 1 dự án đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm Hành chính TP Đà Lạt. Dự kiến sẽ có 19 công trình – dự án đầu tư cho những năm tiếp sau đó với tổng mức đầu tư trên 311,5 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực y tế, hiện có 3 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư 112 tỷ đồng. Dự kiến trong giai đoạn 2023-2025 thành phố có 1 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng; 1 dự án đầu tư theo hình thức kêu gọi nhà đầu tư cùng với việc đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất tại các Trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP Đà Lạt.

Về hạ tầng năng lượng, ngành điện lực dự kiến đầu tư 105 dự án phục vụ cải tạo, xây dựng và ổn định mạng lưới điện với tổng mức đầu tư 178,6 tỷ đồng. Hiện Đà Lạt đang kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng hệ thống đèn Led công nghệ cao, kết hợp xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh trên địa bàn thành phố và khu vực quanh hồ Xuân Hương.

Trong lĩnh vực viễn thông và hạ tầng viễn thông, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2747, ngày 12/11/2021 về kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP Đà Lạt giai đoạn 2021-2025, trong đó dự kiến nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện 16 tuyến đường 136,9 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa để thực hiện 41 tuyến đường 66,8 tỷ đồng.

Với hệ thống công viên, bãi đậu xe, thành phố tập trung lập quy hoạch và kêu gọi thu hút đầu tư để xây dựng công viên Xuân Hương, công viên Trần Quốc Toản, công viên Ánh Sáng… và các bãi đậu xe xung quanh thành phố như bãi đậu xe Prenn, bãi đậu xe Xuân Thọ, bãi đậu xe Cam Ly… nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong trung tâm.

Còn hệ thống cấp, thoát nước, thu gom xử lý nước thải; thành phố đang nỗ lực mở rộng mạng lưới cấp nước, thu gom xử lý nước thải tập trung trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025 toàn thành phố đạt tỷ lệ 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đồng thời tiếp tục đầu tư và hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mặt trên toàn địa bàn thành phố.

Về hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Đà Lạt tiếp tục thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Phát Chi – Trạm Hành. Với hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, thành phố tiếp tục huy động các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ngoại ô; bố trí vốn ngân sách của thành phố và nguồn hỗ trợ của tỉnh để đối ứng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Tương tự đối với hạ tầng thương mại, bên cạnh hỗ trợ đầu tư phát triển các chợ truyền thống, Đà Lạt đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng thêm các trung tâm thương mại cũng như kêu gọi đầu tư dự án xây dựng chợ mới Phan Chu Trinh trên địa bàn với tổng mức đầu tư dự kiến 35 tỷ đồng.

Cùng đó Đà Lạt đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như Khu trung tâm Hòa Bình; các dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản (Trung tâm giao dịch hoa) nhằm tạo động lực phát triển.

Trong giai đoạn 2022-2025, TP Đà Lạt cũng đặc biệt chú trọng vào việc phát triển nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội. Đây là một phần quan trọng trong quy hoạch tổng thể của thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân. Cụ thể, Đà Lạt đã và đang đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông như mở rộng đường và xây dựng các tuyến đường mới để cải thiện việc di chuyển trong thành phố và kết nối với các khu vực lân cận. Đồng thời, đang nâng cấp và mở rộng sân bay để tăng cường khả năng phục vụ hành khách và thu hút du lịch.

Theo thông tin từ UBND TP Đà Lạt, hiện thành phố đang triển khai thực hiện 82 dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư là 2.526.653 triệu đồng, trong đó, ngân sách tỉnh Lâm Đồng là 2.168.930 triệu đồng, ngân sách TP Đà Lạt là 357.723 triệu đồng. Dự kiến trong giai đoạn 2023-2025 ngân sách tỉnh Lâm Đồng sẽ đầu tư xây dựng 8 công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư là 449.139 triệu đồng, ngân sách TP Đà Lạt đầu tư 16 công trình với tổng mức đầu tư là 272.669 triệu đồng.

Ngoài ra, TP Đà Lạt cũng đã tăng cường đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật như cấp nước, xử lý nước thải, điện lực và viễn thông; đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp và khu đô thị mới để thu hút đầu tư và tạo việc làm cho người dân. 

Với sự quyết tâm cao độ của chính quyền địa phương, sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư của tỉnh; Đà Lạt đang từng bước hoàn thiện diện mạo, hứa hẹn trở thành một điểm đến lý tưởng cho du lịch, nghỉ dưỡng và đầu tư.