Cách đây tròn 53 năm (ngày 21/7 âm lịch), Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta về với cõi người hiền, để lại muôn vàn tiếc thương vô hạn đối với đồng bào chiến sỹ cả nước và bầu bạn khắp năm Châu. Trong giờ phút đau thương đó, cả dân tộc sát cánh theo lời Di chúc thiêng liêng – Di sản quý báu của Người tiếp tục vượt ghềnh thác, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam tiếp tục vươn về phía trước.
Di chúc thiêng liêng là tài sản tinh thần vô giá
Thành kính tưởng nhớ 53 năm ngày Bác Hồ đi xa, 53 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, chúng ta cùng nhìn lại những giá trị vô giá của bản Di chúc thiêng liêng mãi mãi soi đường cho chúng ta đi tới tương lai tươi sáng "sánh vai cùng các cường quốc năm Châu".
Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã hệ thống thành một kho tàng tri thức về một nhà tư tưởng, nhà đạo đức, người thực hành đạo đức, nhà văn hóa kiệt xuất, trí tuệ uyên bác, tư tưởng cách tân, bản lĩnh sáng tạo, một tầm hồn thơ phong phú, lối sống giản dị, hòa đồng với thiên nhiên, quý trọng đồng bào, chiến sĩ, sự thanh cao của một bậc minh triết phương Đông, triết học phương Tây, thông tuệ kim cổ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại, chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; cho sự đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân ta; cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa; cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, công bằng xã hội trên thế giới, cho sự củng cố và phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Người là vị anh hùng giải phóng dân dộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một di sản tinh thần vô giá, Người để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta, Đảng ta hôm nay và mai sau. Di sản của Người để lại là những đóng góp vô giá, rất đỗi tự hào của người Việt vào kho tàng tư tưởng, trí thức và văn hóa của nhân loại còn được lưu truyền mãi mãi. Trong đó, Di chúc thiêng liêng của Người là sự kết tinh, lắng đọng nhất trong kho tàng di sản quý báu đó.
Di chúc thiêng liêng của Người được thực hiện từ ngày 10-5-1965 đến ngày 19-5-1969. Bản Di chúc là một tài liệu có ý nghĩa vô cùng to lớn, là di sản văn hóa vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta. Bản Di chúc được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012.
Những bài học tư tưởng và định hướng chiến lược
Bản Di chúc 1000 từ mà Bác Hồ để lại môn vàn tình yêu thương cho toàn Đảng, toàn dân ta 52 năm về trước đã chứa đựng những tư tưởng lớn có tầm chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, con đường xây dựng phát triển Đất nước, con người và dân tộc Việt Nam.
Người thể hiện trong Di chúc ý chí mãnh liệt của toàn dân tộc, quyết tâm đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Bắc - Nam sum họp một nhà. Khẳng định đó của Người là nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta khắp hai miền Nam Bắc để chung sức đồng lòng quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng. Đồng thời, Di chúc cũng vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi.
Trong Di chúc, Người tiên liệu sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn thành, hàn gắn viết thương chiến tranh, kiến thiết lại đất nước sẽ là “công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn”, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc đến những vấn đề căn cốt nhất bảo đảm cho Đảng xứng đáng với vai trò lãnh đạo và trách nhiệm cầm quyền, đó là thực hành dân chủ rộng rãi, giữ gìn đoàn kết trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”, thực hiện tự phê bình và phê bình, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vừa “hồng”, vừa “chuyên”, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân...
Trong Đảng phải đoàn kết nhất trí, thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đặc biệt Người nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng vì “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chỉ trong mấy dòng ngắn gọn ấy, Người đã nhắc lại 4 lần từ “thật” để nhấn mạnh vai trò của đạo đức, của thực hành đạo đức đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Di chúc đã căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Điều đầu tiên là “công việc đối với con người”; trước hết là với cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích…những người đã hy sinh một phần xương máu của họ phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Ngay đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Người cũng nhắc nhở “Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện”.
Di chúc thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Bác đề nghị Đảng, Chính phủ cần lựa chọn những người ưu tú trong số những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong, cử họ đi học để đào tạo thành “đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Di chúc “mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động: góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Về việc riêng, trọn đời Người đã hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp của dân tộc và nhân loại, nên dù phải từ biệt thế giới này, Người không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Người đề nghị, sau khi Người qua đời chớ nên tổ chức đình đám, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân, thi hài Người đề nghị “đốt đi” để tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”.
Trên những giá trị đó, Di chúc mang giá trị nhân văn cao cả, mong mọi người, căn dặn mọi người, mà đặc biệt là đảng viên, cán bộ, những người có chức trọng quyền cao của Đảng cầm quyền cần phải xây dựng, rèn luyện mình tư chất “Ở đời” và “Làm người”. “Ở đời” thì phải thân dân, gần dân, lo cái lo của dân, đau cái đau của dân. “Làm người” thì phải chính tâm, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Cần phải giữ trọn đạo nghĩa của truyền thống dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” - cơ đồ, sự nghiệp mà mình đang được thừa hưởng chính là nhờ sự đắp móng, xây nền, sự đấu tranh bằng mồ hôi, công sức, nước mắt và xương máu của tổ tiên, của những bậc tiền nhiệm: cán bộ, đồng bào, chiến sĩ…
Trong Di chúc Bác nhắc đi nhắc lại cụm từ "nhân dân". Là một nhà chính trị, văn hóa kiệt xuất, Bác đề cao từ tưởng trọng dân, "lấy dân làm gốc". Bác đề cao phẩm chất cao đẹp của nhân dân ta: “rất anh hùng, rất dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Nhưng với Bác, để thể hiện lòng yêu kính, biết ơn nhân dân, không thể là lời nói suông, dùng những tính từ hoa mĩ, mà phải thật sự hành động, chăm lo cả về vật chất và tinh thần, “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, để “cây đại thụ nhân dân” sâu rễ, bền gốc.
Đặc biệt, trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò quan trọng của người nông dân và trân trọng đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân:
"Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta ra, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất".
Người đã dành cho nông dân tình cảm gần gũi, thân thiết khi dùng cụm từ "đồng bào nông dân", khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Người với một ngành kinh tế quan trọng tạo ra sức người, sức của cho cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và đây còn sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau mỗi lần chiến thắng, ông cha ta lại có kế "khoan thư sức dân" để bồi dưỡng lực lượng. Chính vì thế, trước khi vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chưa yên lòng, vì biết rằng sau ngày đất nước toàn thắng, nhân dân ta, "đồng bào nông dân" đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Người căn dặn miễn thuế cho nông dân, để họ được "hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi", tiếp bước trên chặng đường cách mạng, đẩy mạnh sản xuất, "chuẩn bị kế hoạch xây dựng nông thôn mới".
Di chúc soi đường đi tới tương lai
Qua Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người trong chúng ta đều dễ dàng cảm nhận một tình yêu bao la Bác dành cho đồng bào ta, dân tộc ta. Có thể thấy, trái tim vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, suốt đời chỉ canh cánh bên lòng điều tâm huyết cháy bỏng: Làm cho nước nhà được độc lập, tự do; đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; dân tộc ta được sánh vai cùng các cường quốc năm Châu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện...
Để thực hiện thắng lợi di nguyện thiêng liêng nêu trên của Bác Hồ kính yêu, mỗi chúng ta cần phải không ngừng nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh. Định hướng lý tưởng đạo đức của nhân dân trước những nhiệm vụ quan trọng của dân tộc, mà mọi người có đạo đức cần phải: "Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Tuy nhiên, cần phải cụ thể hóa nội dung và bản chất của yêu cầu cơ bản về đạo đức qua thái độ, hành vi hàng ngày của mỗi người. Đó là những phẩm chất: "Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, Khiêm tốn, Giản dị".
Tưởng nhớ 53 năm ngày Bác Hồ đi xa và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, mỗi chúng ta cần phải phấn đấu học tập rèn luyện hơn nữa để xứng đáng với vai trò tiền phong, gương mẫu, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; Nâng cao trách nhiệm thực hiện quy định nêu gương của đảng viên gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả; Tăng cường giáo dục, rèn luyện, thực hành đạo đức cách mạng phải đi đôi với kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta đã 53 năm. Trong suốt thời gian đó và mãi mãi sau này, trong lòng mỗi người chúng ta không bao giờ nguôi niềm tưởng nhớ, nỗi tiếc thương vô hạn và lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ anh hùng giải phóng dân tộc, người thầy vĩ đại của nhân dân ta, người lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
53 năm đã đi qua và mãi mãi về sau, Di chúc thiêng liêng của Người đã phản ánh tâm hồn cao đẹp, đạo đức trong sáng - “muôn vàn tình thân yêu” của lãnh tụ đối với Tổ quốc, với nhân dân, với phong trào cách mạng thế giới, với bạn bè khắp năm châu, đặc biệt với thanh niên và nhi đồng. Di chúc mãi mãi là những lời dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với nhân dân ta, mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hoà bình, công lý, cho cơm áo và hạnh phúc của con người.