Đinh Trang Thượng hướng đến xây dựng khu vực chuyên canh trồng dâu nuôi tằm

Xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh - Lâm Đồng) hiện có 52 hộ làm mô hình trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích 22,5 ha.

Với 72% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, Đinh Trang Thượng là một trong trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh. Tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn còn chậm phát triển, cơ sở vật chất, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên bà con đã từng bước thay đổi những phương thức canh tác truyền thống mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhận thấy được những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con nông dân đã mạnh dạn trồng dâu nuôi tằm, trồng các loại cây rau màu như: cà chua, bắp cải, ớt chuông,...

Cải thiện đời sống từ chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng dâu nuôi tằm

Trao đổi với ông Ksor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng, ông cho biết, trồng dâu nuôi tằm đang phát triển mạnh ở các thôn trong xã, điển hình như các hộ ông K’Tân, K’Nô (Thôn 2), K’Thái (Thôn 4) và K’Kres ở Thôn 5... Ông Nguyễn Văn Lạc ở Thôn 3 chia sẻ, gia đình ông có diện tích dâu 0,5 ha, mỗi tháng duy trì nuôi từ 3 - 4 hộp tằm con thu được 1,6 tấn kén/năm. Nếu giá kén tằm trung bình 165.000 đồng/kg thì gia đình ông Nguyễn Văn Lạc thu được 264 triệu đồng/năm. Còn hộ ông K’Thái ở Thôn 4 chia sẻ: “Ngoài canh tác khoảng 3 ha cà phê, thời gian qua gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Với diện tích 0,2 ha dâu, do gần nguồn nước và được đầu tư chăm bón nên vườn dâu phát triển tốt để nuôi tằm quanh năm, trung bình đạt 800 kg kén/năm. Nếu giá kén thị trường dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg thì gia đình tôi có thu nhập khoảng 132 triệu đồng/năm từ trồng dâu nuôi tằm”. 

Một gương điển hình của xã là hộ gia đình ông K’ Kres, sinh năm 1979  địa chỉ tại thôn 5, xã Đinh Trang Thượng. Gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi trồng dâu nuôi tằm từ năm 2020 đến nay, diện tích 1,8ha, 1 năm nuôi 7 đến 9 đợt mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Hộ trồng dâu nuôi tằm của ông  K’ Kres cũng là tấm gương sáng cho các hộ dân khác, chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp về kỹ thuật nuôi trồng cho các hộ khác trong xã học tập. Ông K’Kres cũng cho biết thêm “So với diện tích 0,2 ha cà phê cho sản lượng 600 kg cà phê nhân, giá bán 31.000 đồng/kg, 1 năm chỉ cho thu nhập khoảng 18,6 triệu đồng. Còn trồng dâu nuôi tằm, cũng với diện tích 0,2 ha, khoảng 25 ngày nuôi được 1 lứa, mỗi lứa nuôi 1 hộp tằm. Nuôi trong 10 tháng thì mỗi lứa cho thu hoạch 50 - 70 kg kén, nếu giá bán 165.000 đồng/kg thì thu được 64 - 89,6 triệu đồng/năm, tăng gấp hơn 4 lần so với trồng cà phê”. 

images2390077-t61-1729569276.jpgTrồng dâu, nuôi tằm giúp bà con cải thiện cuộc sống.

Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm

Nhận xét về những điểm tích cực trong chuyển đổi diện tích trồng cà phê sang hướng trồng dâu nuôi tằm và trồng rau màu, ông Ksor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết thêm “Trồng dâu nuôi tằm và trồng cà chua trên địa bàn xã là hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt, sự chuyển đổi này đã có tác động mạnh mẽ làm thay đổi tư duy một bộ phận không nhỏ của người dân trong việc xóa bỏ tập tục canh tác độc canh và tạo động lực ý chí vươn lên, tạo luồng sinh khí mới trong đời sống của người dân tại địa phương. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển cây dâu và ngành chăn nuôi tằm. Điều này giúp tối ưu hóa năng suất cây trồng và chất lượng kén tằm. Mô hình này không chỉ giúp gia tăng thu nhập mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là lao động nữ và người lớn tuổi.

images2363716-t61-1729569361.jpgCác hộ tiêu biểu chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng cho bà con trong xã.

Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết về phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm xã Đinh Trang Thượng giai đoạn 2020 - 2025”. Để cụ thể hóa và đưa nghị quyết vận dụng vào thực tế cuộc sống người dân, thời gian qua, xã Đinh Trang Thượng đã chủ động thành lập đoàn bao gồm các cán bộ và một số hộ dân tiêu biểu, mạnh dạn, có nhu cầu trồng dâu nuôi tằm đến tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng dâu nuôi tằm thành công trên địa bàn xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà); phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật…, nên đã giúp bà con trong xã nắm bắt được cách thức, quy trình chăm sóc, phòng trừ bệnh trên cây dâu, con tằm; tổ chức buổi đối thoại với người dân về “Giải pháp phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm xã Đinh Trang Thượng”. Tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng dâu, chăm sóc tằm và thu hoạch kén. Mời các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu để chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình. 

Ông Ksor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết thêm, xã đang xây dựng một khu vực chuyên canh để trồng dâu với tổng diện tích hơn 10ha, thành lập 01 tổ sản xuất trồng dâu nuôi tằm, và 01 HTX Trồng dâu nuôi tằm. Qua đó các hộ có cơ hội trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ hỗ trợ nhau cùng phát triển. 

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sau khi phát triển thành công nghề trồng dâu nuôi tằm, xã Đinh Trang Thượng tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 của Đảng ủy xã về phát triển diện tích trồng cây rau màu xã Đinh Trang Thượng giai đoạn 2021-2026.