Dòng xoáy “đồng tiền...” trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ

Thông qua bài viết “Đọc tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Nhà báo Vũ Xuân Bân với bút danh Quân Yên” của TS Nguyễn Thị Quế đáng chú ý có comment của Viet Nguyen: “Xuân Bân nghỉ tay bút báo sang tay bút văn lên tay rõ rệt, bước vào làng văn hiên ngang, chững chạc và được nhiều bạn đọc yêu thích. Chúc mừng nhà báo, văn sĩ Xuân Bân nhé !”, tôi đã tìm mua tiểu thuyết này do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành về đọc, suy ngẫm thấm thía sự đời quan tham “lên voi xuống chó” thời kinh tế thị trường.

bia-cay-thay-la-2-1725851368.jpg

Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Quân Yên (Vũ Xuân Bân) do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2024.

 

 

Với lối viết giản dị, rõ ràng, không mô tả ẩn dụ, “vòng vo tam quốc” mà tác giả đi thẳng vào chủ đề “hot” về tiêu cực, tham nhũng quyền lực, có dẫn chứng số liệu xác thực, không thể chối cãi, gây ấn tượng ngay từ trang mở đầu tiểu thuyết CÂY THAY LÁ. Đó là dòng xoáy “đồng tiền” được phác hoạ: “Trời se lạnh, chưa năm nào lãnh đạo tỉnh lại tổ chức liên hoan tất niên thịnh soạn như năm vừa rồi,  bởi tỉnh được Thanh tra Chính phủ công bố xếp đứng đầu cả nước về công tác phòng, chống tham nhũng (77,95 điểm/100 điểm). Các thành viên trong ban chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng đều nâng cốc chức mừng Bí thư Tỉnh uỷ Thuỳ Lê, Chủ tịch tỉnh Lý Tơ đã lãnh đạo đạt được thành quả xếp hạng đó” (tr 5)... Lập tức có ý kiến phản hồi: “Ối giời ơi, khó gì ? Họ mua giá cao nhất thì được xếp hạng đứng đầu để tự khoe, tự khen, hòng che giấu sự thật đắng lòng, có gì là ngạc nhiên? Càng vỗ ngực lắm càng đau ngực nhiều ! Quả đúng vậy, niềm vui chẳng tày gang chỉ thời gian ngắn sau đó, cặp đôi lãnh đạo đứng đầu tỉnh gồm bí thư, chủ tịch tỉnh cùng nhiều thuộc cấp đã bị khởi tố bắt tạm giam cùng về tội nhận hối lộ liên quan đến vụ án Tập đoàn Pháo Nổ. Việc này đặt ra vấn đề từ một tỉnh được đánh giá là điểm sáng, đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn, đâu phải đứng đầu mà là đổi ngược lại vị trí - đứng đầu từ dưới lên ?” (tr 6 – 7). “Đồng tiền là con đĩ...” do quan tham tha hoá nắm quyền đã làm đảo lộn trật tự kỷ cương xã hội ở tỉnh này. Nhưng dù có trăm mưu hè kế bẩn vẫn “lòi mặt chuột” bị bắt giam để điều tra làm rõ về tội “đưa và nhận hối lộ”, làm giàu bất chính.

Đọc đến đây, tôi bỗng nhớ tới bài viết của Đỗ Minh Tuấn nhan đề “ Con đĩ của nhân loại” đã ngự trị trên trái đất rao sao?” phát trên vanhoanghean.vn từ 19/9/2015. Tác giả đã dẫn câu nói của K.Marx: “Đồng tiền là con đĩ của nhân loại” và luận bàn: “Nhưng đây là một con đĩ có quyền lực ghê gớm nhất, có thể chi phối tất cả thế gian, từ giới trí thức, đến tôn giáo và khoa học, biến tất cả thành hàng hoá và kẻ làm thuê cho nó. Những thông tin về sự thao túng ngày càng tăng của nó trong các lãnh địa được coi là cao quý thiêng liêng nhất của nhân loại cho ta thấy đã đến lúc thế giới phải đoàn kết lại để chống lại “con đĩ siêu đẳng” này, không phải bằng bạo lực mà bằng nhân tính, bản lĩnh và trí tuệ, vì sự tồn vong của những giá trị mà nhân loại đã từng kiêu hãnh đưa tới cho hành tinh của cây xanh, khoa học, tình yêu và thi ca”.

Triết lý này được thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ khi tác giả mô tả các cặp quan hệ “bố nuôi - con nuôi” Trần Bố - Tiền Nổ; “bố nuôi – Con nuôi” ông Tủ - Tiền Nổ; “bố nuôi – con nuôi” Phạm Vấn – Lý Tơ ... đều sặc mùi “tiền tanh tưởi” mua quan, bán tước; cấu kết giữa chủ doanh nghiệp tư nhân với quan chức nắm quyền lực để thắng thầu những dự án béo bở, rồi lấy vốn ấy nuôi dần thành vốn to quay vòng mua chuộc, hối lộ để giành tiếp những dự án to hơn, rút ruột những công trình, dự án hàng nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhanh chóng trở thành những trọc phú. “Không phải bàn dân thiên hạ không biết mà đều biết điều đó nhưng đành chịu thua đại gia Tiền Nổ. Vì hắn dám đầu tư rất lớn vào mối quan hệ “thân hữu” với những quan chức đương quyền đến mức không dứt ra được phải nhắm mắt đưa chân phải làm theo ý chỉ  cho yên chuyện như các con nghiện lệ thuộc vào ma túy. Chỉ có điều một khi “nghiện tiền” ở giai đoạn cuối thì mức độ liều lĩnh gấp trăm ngàn lần các quan chức có thể bán đứng lợi ích của cộng đồng, của tổ chức cho Tiền Nổ trong một nốt nhạc mà không hề lưỡng lự” (tr 79-80).

Một sự thật mà tiểu thuyết CÂY THAY LÁ phơi bày: Chính Trần Bố nhận là “bố nuôi” của “Tiền Nổ” để sau đó Tiền Nổ trở thành một “quái thai” của thời kinh tế thị trường. Một “con nuôi” khác của Trần Bố leo lên chức Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng bị kỷ luật về Đảng, chán nản xin nghỉ việc nhưng chưa được. Rồi đến Phạm Vấn làm Bí thư tỉnh có “con nuôi” là Lý Tơ cũng bị hư hỏng hẳn... Đến khi mạt vận, “Lý Tơ bất ngờ gặp Tiền Nổ trước sảnh trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh. Chưa kịp chào hỏi, Lý Tơ đã bị Tiền Nổ (là đại gia) chỉ tay thẳng vào mặt xẵng giọng kẻ cả: Ông chuyển đi công tác nơi khác, tốt nhất là nghỉ đi, nếu cần tiền thì báo tài khoản sẽ chuyển ngay cho ông 600 tỉ đồng. Lý Tơ đứng ngây người như bị “sét đánh” ngang tai, không nói không rằng, vì đề phòng thằng bặm trợn này to tiếng nói ra những chuyện không hay khác tại chốn công đường, đành nín lặng, làm thinh, lần đầu tiên trong đời bị làm nhục như thế, phải đánh bài chuồn, tìm cách phản đòn lại sau” (tr 102)

Không những vậy, tác giả đã điểm danh những hậu duệ do Trần Bố quy hoạch lên lãnh đạo như Phạm Vấn làm Bí thư; Ngọc Hồn làm Chủ tịch tỉnh, rồi đến Thuỳ Lê làm Bí thư, Lý Tơ làm Chủ tịch tỉnh cũng đều hư hỏng, tha hoá, biến chất càng về sau càng nghiêm trọng hơn mà chưa bị truy cứu trách nhiệm. Trần Bố tuy vượt tầm cấp tỉnh về Trung ương công tác đã hai lần mắc sai phạm bị kỷ luật khiển trách về Đảng, vẫn thoát án chưa phải vào lò. Tiếp đến cặp đôi Phạm Vấn làm Bí thư Tỉnh uỷ bị cách các chức vụ về Đảng khi đương nhiệm; Thạch Phí làm Chủ tịch có rất nhiều điều tiếng tham lam vô độ, được luân chuyển lên làm Thứ trưởng Bộ lo việc làm phụ trách công tác dạy nghề cũng đã bị kỷ luật cảnh cáo. Đến cặp đôi Thuỳ Lê làm Bí thư, Lý Tơ làm Chủ tịch tỉnh nhiệm kỳ này (2020 - 2025) thì hỏng hẳn. Đầu tháng 3-2024, cả hại vị đứng đầu tỉnh bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nhà ở và nơi làm việc phục vụ công tác điều tra cùng với nhiều thuộc hạ về tội nhận hối lộ, liên quan đến Tập đoàn Tiền Nổ gây chấn động dư luận xã hội.

Tác giả Quân Yên còn bóc trần thủ đoạn của đại gia Tiền Nổ đương nhiên không phải lấy tiền túi ra hối lộ mà chỉ là “tay không bắt giặc”, hay nói cách khác là “lấy mỡ nó rán nó”, hoặc như dân gian đúc kết “Thả con sắn sắt bắt con cá rô”. “Mỡ” chính là số tiền Nhà nước đầu tư cho dự án dùng để “rán” những quan chức không kiềm chế được lòng tham. Muốn có tiền chia chác nhau chỉ bằng cách là nâng tổng số vốn đầu tư dự án lên thật cao rồi rút ruột công trình. Dự án do những người đứng đầu thời điểm đó phê duyệt, quyết định. Cán bộ cấp dưới tham gia dự án cấu kết với Tập đoàn Pháo Nổ tạo thành nhóm lợi ích (tr 117 - 118).

Dưới thời Phạm Vấn làm Bí thư, Ngọc Hồn làm Chủ tịch tỉnh, vòng xoáy “đồng tiền”được thể hiện qua nạn “mua quan bán tước” diễn ra sôi động. Điển hình là vị “mua” chức Giám đố Sỏ Y tế. Nhân vật Đậu Bá Dơ chỉ là dược sĩ, chủ doanh nghiệp dược phẩm tư nhân, chưa qua thi tuyển công chức, chỉ còn hơn hai năm là đến tuổi nghỉ hưu, đã bỏ tiền ra mua chức Giám đốc Sở Y tế. “Tưởng bỏ ra một triệu USD tương đương hơn 20 tỷ VNĐ thời điểm đó để mua chức Giám đốc Sở Y tế là đắt, là quá sức tưởng tượng đối với lương của cán bộ công chức Nhà nước, nhưng qua hạch toán kinh doanh của vị Dược sĩ Đậu Bá Dơ là quá rẻ. Công ty cổ phần dược của ông ta chỉ độc quyền bán thuốc trên địa bàn tỉnh trong vài tháng là dư sức thu hồi vốn đầu tư mà ông ta làm Giám đốc Sở vừa "đá bóng vừa thổi còi" của một tỉnh tới ba năm thì quả là một “dự án” làm ăn lớn, rất có lãi đáng để đầu tư” (tr 167 -168).

“Đồng tiền là con đĩ...” còn gắn mật thiết với các nhân vật quan tham trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ là Phụng Tiên, Trương Tồn, Thạch Phí, Giám đốc Khá...

Phụng Tiên lúc đương quyền tuy chỉ là Giám đốc một sở nhưng đã cho quân lính điều tra lập hồ sơ vụ “cây sưa đỏ” cổ thụ có tuổi đời gần 130 năm, lâu nay dân gian vẫn bảo đó là “Mộc tinh” rất thiêng trong khuôn viên Văn phòng Tỉnh uỷ bị bức tử liên quan đến trách nhiệm của Bí thư tỉnh Phạm Vấn vào “sổ đen” mà dư luận “thì thào” vị quan này bỏ túi vài chục tỉ đồng khi bán rẻ với giá hơn 5 tỷ đồng cho lái buôn gỗ ở Kinh Bắc. Phụng Tiên “nắm thóp” vụ việc này cùng một số vụ việc sai phạm khác của không chỉ Bí thư Phạm Vấn mà cả Chủ tịch tỉnh Ngọc Hồn liên quan đến vụ “quan tài trước cổng” nhà vị này, là cấp trên của hắn để dậm doạ, khống chế, “trấn lột” không biết bao nhiêu tiền, vàng. Cả hai vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh bị hắn làm nhục mà vẫn phải cắn răng chịu đựng để được tồn tại đến hết nhiệm kỳ không bị sờ gáy khỏi phải “vào lò”. Phụng Tiên về nghỉ hưu không dám vác mặt đi đâu, bày tỏ lo xa bị trả thù, “có khi chết cũng không được yên”, sợ sẽ bị đào mồ cuốc mả vì làm quá nhiều việc thất đức khi đương quyền (tr 223).

Trương Tồn từ Phó bí thư Tỉnh uỷ hạ cố xuống làm Giám đốc một sở phải mất “tiền tấn” vì đã vụng trộm “ăn phở” tại phòng làm việc với “ca ve nhà” bị chồng nhân viên kế toán cơ quan bắt quả tang, “dạy”cho Trương Tồn một đòn nhừ tử bắt phải quỳ lạy xin tha mạng, phải bồi thường danh dự tại chỗ rồi mới được tha, thoát chết. Hắn liền trốn đi viện điều trị lâu dài. Xấu hổ quá, Trương Tồn không dám đến cơ quan đành phải xin nghỉ hưu sớm để được yên thân.

Thạch Phí khi đương nhiệm là Chủ tịch tỉnh “gom góp” 1,5 triệu USD gửi sang xứ Kangaroo cho “con dâu” hờ làm ăn rồi bị chiếm đoạt. Con dâu hờ đã ly dị con trai của Thạch Phí bị tật nguyền bẩn sinh gắn liền suốt đời với xe lăn phải trắng tay trở về nước. Cha con Thạch Phí đành “chịu đấm mà cấm khóc”. Đúng là “của thiên trả địa”. Thạch Phí bị quả đau hơn hoạn.

Đỉnh điểm của sự tha hoá, biến chất của không ít quan tham vô lại do “con đĩ của thời đại” chi phối, lũng đoạn được thể hiện  trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ  khi tác giả lột tả nhân vật Giám đốc Khá hủ hoá với con dâu mới cưới của cựu Phó giám đốc Phán cùng cơ quan với “thoả thuận” phải đưa con trai Phán lên làm lãnh đạo một huyện và phải bồi thường “danh dự” 20 tỷ đồng, coi như xong. Khá biết đã gặp đối thủ chẳng vừa, tiền thì hắn không thiếu, đành phải chấp nhận vô điều kiện mọi yêu cầu của Phán (tr 97). Đây là những kẻ sống thực dụng, bất chấp luân thường đạo lý, coi đồng tiền hơn cả đạo đức, phẩm hạnh của con người, đem ra mặc cả như mớ rau ngoài chợ mà quên mất lời căn dặn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".

Có thể nói CÂY THAY LÁ là tiểu thuyết mang tính thời sự đương đại với sự nhạy bén của một Nhà báo từng trải chuyển sang viết văn với thể loại tiểu thuyết đã sâu chuỗi khá nhuần nhuyễn các sự kiện gắn với những nhân vật là những quan chức của một tỉnh tái lập trải qua gần 6 nhiệm kỳ Đại hội Đảng (tức gần 30 năm) với những dự báo khá chuẩn xác trong tác phẩm về quy luật nhân quả và số phận những quan tham “không vượt qua được chính mình” bị gục ngã thảm hại. Những kẻ gây ra vụ án oan “trang trại Đồng Cạn” ở địa phương này tuy đã về nghỉ hưu nhưng tác giả dự báo cũng khó thoát, nếu có lọt lưới pháp luật thì cũng đã, đang bị quả báo nghiệt ngã như Phụng Tiên, Đậu Hoán, Trương Tồn, Hoàng Trương Cù, Thạch Phí ... Việc cùng lúc bắt hai quan chức  đứng đầu tỉnh liên quan đến “Tập đoàn Tiền Nổ” cũng bị bắt trước đó ít ngày cùng bè lũ coi thường, thách thức pháp luật là thêm một minh chứng thuyết phục, góp phần gây dựng lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tham nhũng quyền lực được xác định là “giặc nội xâm”, là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, dù họ bất kỳ là ai, là xu thế không thể đảo ngược trong sự nghiệp xây dựng và bào vệ vững chắc đất nước phát triển bền vững.

Chính vì vậy, tiểu thuyết CÂY THAY LÁ được bạn đọc hiện nay với một tầm dân trí đã được nâng cao mến mộ, tìm đọc.

Đ.S