Tiếp nối mạch tiểu thuyết chính luận của tác phẩm trước TƠ Vò với bút danh Xuân Vũ, tác giả lên tiếng phê phán, vạch trần nạn tiêu cực tham nhũng của không ít lãnh đạo ở cấp tỉnh. Qua đó làm thức tỉnh ý thức công dân tích cực chống cái xấu cái ác, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, phát triển theo hướng bền vững.
Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ đã phơi bày những mâu thuẫn nội bộ giữa hàng ngũ quan chức đứng đầu tỉnh thật xấu xa, bỉ ổi. Đó là mâu thuẫn, tranh giành lợi quyền giữa Bí thư tỉnh Thùy Lê và Chủ tịch tỉnh Lý Tơ. Họ không từ một thủ đoạn nào để hạ gục lẫn nhau. Có thể nói đây là một trong những tiểu thuyết đầu tiên mô tả cảnh Bí thư, Chủ tịch tỉnh đương nhiệm bị cơ quan chức năng đọc lệnh bắt cùng một ngày ngay tại nhiệm sở và khám xét nơi làm việc, nơi ở để điều tra về tội “nhận hối lộ” với những nét chấm phá mang tính thời sự “hot” hiện nay.
Phòng chống tham nhũng đang là chủ đề nóng liên quan đến “quyền lực, tiền bạc và tình ái”. Tham nhũng được xác định là “giặc nội xâm”, là một trong những nguy cơ đe đọa sự tồn vong của chế độ. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” thông qua “đại gia thân hữu” “đưa và nhận hối lộ” được tác giả khái quát: “Phương thức của Tiền Nổ là dựa vào các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ quyền hạn cấp trên để ép cấp dưới. Đây là hành vi nguy hiểm, một dạng tội phạm mới, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở, làm xấu hình ảnh của Đảng và chính quyền nhân dân. Hành động này của Tiền Nổ được cơ quan chức năng ví von như đã tấn công bằng “đạn bọc đường”. Người bị tấn công không nhận ra để lượng đường trong máu cao, gây ra suy giảm miễn dịch, mất sức đề kháng, là căn bệnh rất nguy hiểm giết người thầm lặng mà người bị tấn tấn công không nhận ra vì càng “háo ngọt” thì càng thích đạn “bọc đường” …”(Tr 22).
Điểm nhấn nữa khi đọc tiểu thuyết CÂY THAY LÁ là nhân vật Tiền Nổ xuất thân là nông dân, chỉ học hết cấp 2, làm nghề chăn vịt rồi làm thợ hồ. Vậy mà bằng thủ đoạn gian manh hắn đã làm quen, cấu kết với quan chức đứng đầu tỉnh là Trần Bố, từ đó lân la làm quen được ông Tủ là cấp trên của Trần Bố nhận tiếp làm “con nuôi”. Dựa vào quyền thế của những vị “bố nuôi”này, hắn thắng thầu nhiều công trình, dự án béo bở từ Bắc vào Nam với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước sớm trở thành “đại gia”. Hắn không phải bỏ tiền túi mà dùng chiêu thức “lấy mỡ nó rán nó” mà dân gian đúc kết “Thả con sắn sắt bắt con cá rô” để hối lộ. “Mỡ” chính là số tiền Nhà nước đầu tư cho dự án dùng để “rán” những cán bộ không kiềm chế được lòng tham. Muốn có tiền chia chác nhau chỉ bằng cách là nâng tổng số vốn đầu tư dự án lên thật cao rồi rút ruột công trình. Dự án do những người đứng đầu thời điểm đó phê duyệt, quyết định. Cán bộ cấp dưới tham gia dự án cấu kết với Tập đoàn Pháo Nổ tạo thành “nhóm lợi ích”. Một nhóm lợi ích có quyền lực ở một địa phương cấu kết nhịp nhàng như vậy việc gì mà không làm được. Ai mà dòm ngó, lên tiếng tố giác, chúng tìm cách mua chuộc, nếu không nghe theo, thì tìm cách cài đặt cho dính vào lao lý, ai cũng phải lo ngại, kiềng mặt tránh ra... Nhưng rồi “cái kim trong bọc có ngày lòi ra”. Những cán bộ lãnh đạo là bí thư, chủ tịch những tỉnh này dù đã nghỉ hưu hay đương nhiệm bị dính đến tiêu cực, tham nhũng đều phải rơi vào vòng lao lý (Tr 117 -118).
Qua Tiểu thuyết “Cây Thay lá”, tác giả rung hồi chuông cảnh tỉnh: “Những ai nhúng tay vào các nhóm lợi ích này đừng tưởng rằng đã thoát. Hãy nhìn những cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh có Sông Trà cũng như cựu Bí thư tỉnh Thuỳ Lê, Chủ tịch tỉnh Lý Tơ phải tra tay vào còng số 8 để mà sợ, mà dừng bước. Về hưu đừng tưởng đã “hạ cánh” an toàn. Còn những ai đang đương chức có quyền quyết định dự án đầu tư hãy xem vụ nhận hối lộ của Tập đoàn Tiền Nổ là bài học lớn cho quan lộ. Chọn con đường thanh liêm hay chọn con đường vào trại giam như Thuỳ Lê, Lý Tơ… ?” (Tr 119).
Không những vậy, tiểu thuyết “Cây Thay lá” đã khắc họa về sự tha hóa, biến chất của những vị “bố nuôi” khi đương chức, đương quyền là chỗ dựa của Tiền Nổ kiếm chác các dự án khủng để cùng trục lợi khi tác giả tả thưc: “Đại gia Tiền Nổ có lần uống rươu say bật mí với một số đàn em là những thuộc hạ thân tín về đặc tính của hai ông “bố nuôi”. Vị “bố nuôi” đầu tiên là Trần Bố sống lãng tử, có nhóm máu D cực mạnh, cuộc vui nào cũng có mỹ nữ cho ông ta chơi tới bến. Còn vị “bố nuôi” là “ông Tủ” sếp trên của Trần Bố thì tỏ ra nho nhả, kín đáo, tế nhị hơn. Nhưng “lòng vả cũng như lòng sung”, họ cũng là con người, suy cho cùng đều tham lam, ham muốn như nhau. Lâu nay “ăn chay” rao giảng đạo đức “liêm, chính”, phải giữ mình để làm gương, nay con nuôi Pháo Nổ giàu có tuyển chọn gái hạng sang kín đáo phục vụ từ A đến Z để biết thêm “mùi đời” thời buổi kinh tế thị trường, không còn trên lý thuyết mà thực hành luôn. Chương hối lộ tình dục, các “bố nuôi” dù học cao biết rộng nhưng chỉ đáng “xách dép” cho đại gia Pháo Nổ, được hắn dẫn dắt “vào đời” mà vẫn tưởng thằng con nuôi tận hiếu, tận nghĩa với mình. Phận làm “con nuôi” để được việc lớn phải quan tâm đáp ứng được lòng tham về “tiền và tình” cho các ông bố mất nết” (Tr 82-83).
Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ gắn với thời sự đương đại, cách viết thoáng đạt, hấp dẫn bạn đọc. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả yêu thích đọc sách cuốn tiểu thuyết " Cây thay lá" - một cái tít hay, giản dị nhưng hàm chứa đúng như những gì đã miêu tả trong cuốn sách...
T.M.T