Lượng dự trữ hạt cà phê của Việt Nam đang xuống thấp, một tín hiệu có thể đẩy giá cà phê toàn cầu lên cao hơn nữa trong thời gian tới.
Dự trữ sẽ giảm một nửa vào cuối tháng 9 so với một năm trước đó, theo ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát với các nhà giao dịch.
Sản lượng từ Việt Nam – nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới và nhà sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, dự kiến vẫn giảm trong giai đoạn 2022-2023.
Dự trữ ngày càng cạn kiệt và triển vọng thu hoạch kém xảy ra vào thời điểm tiêu thụ cà phê toàn cầu đang phục hồi. Giá robusta chuẩn đã tăng 17% so với mức thấp nhất trong 10 tháng hồi giữa tháng 7, do lo ngại về nguồn cung tại Brazil cũng như châu Phi.
Nhu cầu đối với robusta, loại cà phê được sử dụng bởi các nhà sản xuất cà phê hoà toan như Nestle SA hay pha trộn trong cà phê espresso, đang trở lại. Loại cà phê rẻ hơn arabica này đang chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ khi người dùng cố gắng tìm kiếm các lựa chọn thay thế nhằm giảm thiểu tác động của lạm phát gia tăng.
Theo số liệu từ hải quan, lượng dự trữ tại Việt Nam đã giảm khi xuất khẩu tăng 17% lên 1,15 triệu tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1-7 so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xuất khẩu gia tăng nhờ nguồn cung container và tàu chở hàng được cải thiện. Tuy nhiên, việc này khó có thể duy trì do các kho dự trữ ngày càng hạn hẹp.
"Chúng tôi lo lắng tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài đến đầu tháng 11", ông Phan Hùng Anh – CEO của Công ty Cổ phần Thương mại Cà phê Quang Minh tại Bình Dương nói với SCMP. Những người trồng cà phê ở địa phương hiện chỉ dự trữ khoảng 2% sản lượng hàng năm, so với khoảng 13% một năm trước đó.
Thị trường cà phê toàn cầu đang đối mặt với một trong những đợt thâm hụt lớn nhất trong những năm gần đây sau khi hạn hán và băng giá làm giảm sản lượng của Brazil. Colombia đang vật lộn để phục hồi sau những trận mưa gây hại mùa màng trong khi Honduras, Guatemala và Nicaragua đang cạn kiệt nguồn cung từ vụ thu hoạch 2021-2022. Vụ mùa tiếp theo của Costa Rica đang có dấu hiệu căng thẳng và hạn hán đã làm giảm sản lượng robusta ở Uganda.
Lượng tồn kho sụt giảm tại Việt Nam đã đẩy giá cà phê robusta nội địa tại tỉnh Dak Lak, nơi chiếm khoảng 1/3 sản lượng thu hoạch của cả nước, lên mức cao kỷ lục 49.100 đồng (2,1 USD)/kg vào tuần trước.
Các kho dự trữ hiện chỉ còn khoảng 200.000 tấn khi bắt đầu mùa vụ mới vào đầu tháng 10, so với ước tính khoảng 400.000 tấn một năm trước. Sản lượng có thể giảm 6% xuống 1,72 triệu tấn trong năm 2022-2023, theo cuộc khảo sát. Robusta chiếm khoảng 90% sản lượng cà phê của Việt Nam.
Sự sụt giảm của diện tích trồng cây ăn quả "có lại" và giá phân bón tăng có thể ảnh hưởng đến sản xuất cà phê năm 2022-2023, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Tập đoàn Intimex kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao việt Nam cho biết.
Citigroup đã cắt giảm dự báo sản xuất cà phê ở Việt Nam trong năm nay và năm tiếp theo khi các cuộc khảo sát cho thấy việc phát triển diện tích trồng cà phê bị ảnh hưởng do thiếu phân bón. "Điều này gây ảnh hưởng đáng kể cho triển vọng gieo trồng trong vụ tới", báo cáo của Citigroup cho biết.