Tham dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Cục, Vụ, Viện, Trường học, Hiệp hội chuyên ngành; đại diện các Sở, Ban ngành TP. Hà Nội; lãnh đạo các quận huyện và đại diện các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP tiêu biểu trên địa bàn TP. Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến hết năm 2022, thành phố Hà Nội có 2.167 sản phẩm được công nhận OCOP, chiếm 22% số sản phẩm của cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Đặc biệt có 153 Hợp tác xã (trong đó có 132 hợp tác xã nông nghiệp) tham gia OCOP, với 448 sản phẩm được công nhận.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhấn mạnh Thành phố cần sớm báo cáo Quốc hội sớm ban hành Luật đất đai sửa đổi; Luật Thủ đô để tháo gỡ khó khăn cơ chế đất đai cho Hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Ngoài ra, các Hợp tác xã cần nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cả trong sản xuất chế biến và thương mại để mang lại hiệu quả cao hơn.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết thêm, việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, được sự quan tâm của UBND thành phố, các cấp các ngành, các HTX nông nghiệp đã được tham gia các hội nghị, hội thảo, triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm nông nghiệp đến nhân dân Thủ đô và các tỉnh lân cận; đồng thời, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, nhà khoa học trong liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, đến nay, toàn thành phố có 43 mô hình HTX thực hiện thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Các mô hình HTX liên kết chuỗi hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Bước đầu, các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã dành thời gian tập trung thảo luận, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi và đề xuất những giải pháp tháo gỡ về các chủ đề: Những nội dung mới của Luật HTX năm 2023; Báo cáo đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả HTX nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP; Giải pháp chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP; Giải pháp phát triển hoạt động chuỗi, khả năng liên kết tạo chuỗi giá trị trong sản xuất sản phẩm từ chuỗi, vào trò HTX trong chuỗi; Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của HTX nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm...
Trong đó, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng bên cạnh rất nhiều lợi thế khi tham gia Chương trình OCOP, các Hợp tác xã cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế như về năng lực trình độ lãnh đạo quản lý của Hợp tác xã còn thấp, chủ yếu điều hành bằng kinh nghiệm, chưa qua đào tạo bài bản. Đặc biệt, với các Hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Ngoài ra là các vấn đề về vốn của các Hợp tác xã nông nghiệp cũng còn hạn chế. Đa số các Hợp tác xã nông nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 55 và nghị định số 116 của Chính phủ. Trên địa bàn Thành phố, các Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi… còn ít; sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô chưa qua chế biến…
Chính những khó khăn này đã tác động không nhỏ tới việc phát triển sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể chưa quan tâm đến việc đầu tư cho bao bì nhãn mác sản phẩm; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm còn hạn chế, sức cạnh tranh không cao; việc tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn...
Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận làm rõ một số nội dung định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi và phát triển sản phẩm OCOP được thể hiện trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quát KTTT trong giai đoạn mới; Chưing hình hành động số 20-CTr/TỪ ngày 02/02/2023 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 20 và một số văn bản có liên quan.
---
BÀI VIẾT VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI