Hoàn thành vượt kế hoạch
Thành phố Hà Nội hiện có 18/18 (100%) huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 03 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Còn lại 02 huyện Đông Anh, Thanh Oai phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào quý I/2025. Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 191 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu của Chương trình số 04 đến hết năm 2025).
Thành phố đang tiếp tục thẩm định thêm 44 xã đề nghị đạt chuẩn NTM nâng cao và 29 xã đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu để quyết định công nhận. Như vậy, thành phố Hà Nội có 235/382 xã (chiếm 61,5% ) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 113 xã (chiếm 29,6%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình xây dựng nông thôn mới được bình chọn nằm trong "10 sự kiện tiêu biểu của Thủ Đô Hà Nội" năm 2024.
Không những vậy, thành phố Hà Nội đi đầu cả nước về việc triển khai hiệu quả Chương trình OCOP. Lũy kế từ 2019 đến nay, Thành phố đã đánh giá được 3.317 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao đạt 113% so với mục tiêu đến năm 2025 (2.000 sản phẩm), đạt vượt mục tiêu Chương trình đề ra trước một năm. Riêng năm 2024, toàn Thành phố đã đánh giá phân hạng 606 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 98 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 498 sản phẩm 3 sao (vượt 151% so với kế hoạch năm 2024 là 400 sản phẩm).
Hà Nội, mảnh đất trăm nghề, thuộc tốp đầu cả nước về số làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống. Ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống ở Hà Nội có lịch sử hình thành lâu đời và giữ vai trò quan trọng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa khu vực nông thôn. Công tác phát triển ngành nghề nông thôn thời gian qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, các làng nghề góp phần tạo điều kiện để các địa phương, cộng đồng nông thôn tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa vùng, miền, dân tộc gắn với phát triển du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn.
UBND Thành phố công nhận được 337 làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc 26 quận, huyện, thị gồm (07 nghề truyền thống, 269 làng nghề, 61 làng nghề truyền thống) thuộc 6/7 nhóm nghề trên cả nước, bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 75 làng nghề, nghề; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 24 làng nghề, nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 202 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 14 làng nghề; xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 06 làng nghề, nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Năm 2024 là năm thứ 2, Hà Nội tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề, đã mang lại nhiều kết quả cho các làng nghề nói chung và các nghệ nhân, thợ giỏi nói riêng. Tham gia Hội thi có 287 tác phẩm, bộ tác phẩm của 133 tổ chức, cá nhân. Trong đó có 26 nghệ nhân và nghệ nhân ưu tú và 107 thợ giỏi tham gia dự thi đến từ 23 quận, huyện, thị xã được chia thành 5 nhóm. Ban tổ chức, hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 61 giải thưởng gồm 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba, 30 giải khuyến khích, đặc biệt tại Hội thi sản phẩm làng nghề của cả nước, thành phố Hà Nội có số tác phẩm đoạt giải chiếm 50% số giải của Ban Tổ chức .
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa trao Bằng khen của Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua.
Các làng nghề ngày càng khẳng định được vị thế khi đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Hà Nội đã có trên 1.000 sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề đã được bày bán trong đại siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố. Các sản phẩm làng nghề Hà Nội đã được xuất khẩu đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Ban, đặc biệt là các nước trong EU như Italia, Đức, Thụy Điển..., gồm các sản phẩm như: may mặc; gốm sứ; dệt lụa, thêu ren, mây tre đan, Sơn mài, khảm trai và đồ gỗ mỹ nghệ...
Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT và Thành phố triển khai phối hợp, trình Hội đồng Thủ công Thế giới công nhận 2 làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề Tơ lụa Vạn Phúc của thành phố Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới. Đây là 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng Thủ công thế giới phê duyệt trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Thành phố cũng quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng và tham gia Hội chợ, triển lãm, diễn đàn tại các tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội".
Tiếp nối thành công của tham gia Hội chợ quốc tế và chương trình phối hợp các hoạt động của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội với Hội đồng thủ công Thế giới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND Thành phố tham gia hội chợ thủ công mỹ nghệ Formex Thụy Điển, Hội chợ Triển lãm quốc tế thực phẩm và đồ uống tại Australia (FoodService Australia) và Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế (AF-L'ARTIGIANO) Milan, Italia năm 2024. Đặc biệt tiếp nối thành công tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế (AF L'ARTIGIANO 2023) Milan, Italia do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chủ trì tham gia đã đạt kết quả rất nổi bật. Bà Malaika Barbara Ebbli - Nhà sáng lập và thiết kế thương hiệu Malaika - Công ty Vi.Be Consulting snc - Italia đã làm việc với Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội để hỗ trợ triển khai bộ sưu tập thiết kế, hoàn thiện sản xuất trên chất liệu tơ đũi, lụa tơ tằm sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của Công ty Cổ phẩn HANHSILK tại thành phố Hà Nội. Bộ sưu tập đã được hoàn thành và đã trình diễn tại khai mạc Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 3 năm 2024 nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội. Đồng thời bộ sưu tập sẽ được triển lãm tại khai mạc Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế (AF-L'ARTIGIANO) Milan, Italia năm 2024 vào ngày 30/11/2024 và khai trương trưng bày bán sản phẩm của Công ty Cổ phẩn HANHSILK tại showroom của Công ty tư vấn sáng tạo thiết kế Malaika tại Italia vào ngày 09/12/2024.
Năm 2024 chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 70 năm thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện nhiệm vụ được giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND thành phồ tổ chức Festival sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ Nhất với một số hoạt động chính như: Hội thi Sinh Vật Cảnh Hà Nội mở rộng năm 2024; Trưng bày tinh hoa Sinh Vật Cảnh Việt Nam với hơn 1000 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tiêu biểu của các tỉnh/thành phố trong cả nước, trong đó có 70 tác phẩm đặc sắc nhất được trưng bày ở khu trung tâm, tượng trưng cho 70 năm Giải phóng Thủ đô. Có thể nói đây là một Festival có quy mô lớn được đông đảo các nhà vườn, doanh nghiệp của cả nước quan tâm thể hiện tấm lòng của người dân cả nước hướng về Thủ đô trong những ngày lễ lớn.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hà Tiến Nghi, Chi cục khuyến khích và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo chuỗi liên kết, đồng thời đề xuất Thành phố có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với sự tích cực vào cuộc của các cấp các ngành, doanh nghiệp hợp tác xã, đến nay trên địa bàn Thành phố có 172 chuỗi đang hoạt động tốt (Trong đó 59 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 113 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt). Có nhiều chuỗi liên kết điển hình trên địa bàn thành phố như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu Cháy của Hợp tác xã Đoàn Kết; Chuỗi gạo hữu cơ và bưởi Diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; Chuỗi Thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; Chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; Chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH thực phẩm sạch Oganic Ggreen; Chuỗi rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân; Chuỗi rau sạch của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn; Chuỗi rau an toàn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Gia Lâm, Chuỗi liên kết thịt lợn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long... Năm 2024 đã Hỗ trợ thành lập mới 09 HTX thành lập mới, Hỗ trợ củng cố được 38 HTX. Hỗ trợ đưa 17 lao động trẻ về làm việc tại 17 HTX nông nghiệp. Hỗ trợ thuê địa điểm và vận hành điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho 07 HTX nông nghiệp.
Sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh của Thủ đô
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương đi đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Hiện thực hóa mục tiêu này đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn ngành nông nghiệp Thủ đô, trong đó có công tác xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, chương trình phát triển nông nghiệp theo liên kết chuỗi và ngành nghề nông thôn, trở thành thương hiệu mạnh, khẳng định được uy tín trên thị trường và đáp ứng nhu cầu nông sản, thực phẩm an toàn của người dân Thủ đô.
Năm 2024 cho thấy những nỗ lực đáng được ghi nhận của Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội nhằm khẳng định vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động nông thôn mới - OCOP - liên kết chuỗi và làng nghề, ngành nghề nông thôn trong giai đoạn mới.
Năm 2025, là một năm đặc biệt quan trọng, không chỉ là thời điểm mới trong dòng chảy lịch sử mà còn là một năm bản lề để tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tin trưởng rằng với sự cố gắng nỗ lực của đơn vị, sự quan tâm chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, sự quan tâm phối hợp của các ngành, UBND, Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thì vẫn tiếp tục hoàn thành sứ mệnh xây dựng nông thôn mới, phát triển nông thôn, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hội nhập quốc tế và xứng đáng với vị trí là Thủ đô của cả nước.
Chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP vừa để tôn vinh vừa để nâng tầm, nâng giá. Hà Nội sẽ khôi phục lại các giống cây đặc sản như quýt Tích Giang, hồng Yên Thôn, bưởi đường Quế Dương, rau muống tiến vua Sen Chiểu, húng Láng... trở thành sản phẩm OCOP. Những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của những vùng đất ấy nếu được “gắn sao” OCOP sẽ giúp cho sản phẩm vừa tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá nét văn hóa vùng miền. Thành phố cũng sẽ phát triển các sản phẩm OCOP du lịch tại những nơi có lợi thế như Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn... gắn văn hóa và các sản vật địa phương để hình thành chuỗi du lịch... Mỗi năm Hà Nội đón gần 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 5 triệu khách quốc tế. Nếu mỗi du khách đến Hà Nội du lịch mua một món quà thì sẽ kích cầu rất lớn cho sản phẩm OCOP bởi đa số các sản phẩm này mang nét đặc trưng, tinh hoa văn hóa vùng miền và tâm tư tình cảm của người Hà Nội gửi vào mỗi sản phẩm OCOP. Chưa kể, thành phố cũng có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống và làm việc, nhu cầu sử dụng các sản phẩm OCOP là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại, để Hà Nội khai thác được lợi thế này thì sản phẩm làng nghề và các sản phẩm nông sản chế biến của Hà Nội phải có chất lượng. Tuy vậy, cái yếu của sản phẩm OCOP Hà Nội đó là thiết kế sáng tạo. Người tiêu dùng ngày nay không còn tâm lý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” như xưa mà yêu cầu sản phẩm phải “đẹp từ trong ra ngoài”, từ chất lượng đến mẫu mã. Sản phẩm OCOP của Hà Nội cần phải đầu tư nhiều hơn cho khâu thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng vùng miền, từng quốc gia mà sản phẩm hướng tới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề qua hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm giúp các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng hơn. Về lâu dài, Thành phố cần đưa việc tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa của các làng nghề, các nông sản đặc sản địa phương vào các trường học để giáo dục cho thế hệ trẻ về tình yêu và niềm tự hào quê hương, từ đó tạo động lực để thế hệ tương lai có ý thức từ nhỏ trong việc bảo tồn và phát triển vốn quý đó.
Nhìn lại chặng đường năm qua, Văn phòng điều phối nông thôn mới và Chi cục Phát triển nông thôn, mặc dù được Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, các cấp, ngành giao nhiều chức năng, nhiệm vụ và các chương trình mục tiêu Quốc gia nỗ lực, các nhiệm vụ cơ bản được hoàn thành với kết quả cao nhất. Các kế hoạch, nhiệm vụ được giao đã hoàn thành được lãnh đạo Sở và các cấp, ngành ghi nhận đánh giá cao, nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng như Chi bộ đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cá nhân đồng chí Chi cục trưởng được Thủ tướng tặng Bằng khen.