Công trình nâng cấp sửa chữa cầu tràn Trốc Vạc xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) được đầu tư 35 tỷ đồng giúp bà con nơi đây đi lại thuận tiện hơn. |
Thiên tai quá khắc nghiệt
Những năm qua, Hà Tĩnh thường xuyên phải hứng chịu sự tác động bất thường của thời tiết, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Chỉ tính riêng trận lũ lịch sử vào cuối năm 2020, Hà Tĩnh có 118 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt với 52.604 hộ/167.303 người bị ảnh hưởng. Có 6 người chết, 41.128 nhà bị ngập từ 0,5 - 3m, 3.765 ngô nhà ở bị hư hỏng; hàng ngàn ha lúa, rau màu bị thiệt hại, 9.979 con gia súc, 790.463 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Cũng trong trận lũ lịch sử đó, hàng trăm km đê, kè, kênh mương, đường giao thông, cầu cống bị sạt lở; trên một ngàn trụ sở, điểm trường, cơ sở khám, chữa bệnh, công trình văn hóa bị hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại hơn 5.327 tỷ đồng.
Năm 2021, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và cơn bão số 8 đã khiến 15.651 ha diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, đặc biệt là số diện tích lúa Hè Thu vừa mới gieo cấy gần như mất trắng và phải trồng lại. Mưa lớn cũng làm gần 200 nhà dân bị ngập khoảng hơn 1m, một số cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi bị sạt lở và hư hỏng nặng, tổng thiệt hại ước tính hơn 140 tỷ đồng.
Đê Tân Long (Hương Sơn) được đầu tư 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương. |
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 21/5/2020, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch 244-KH/TU về việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 10/8/2020 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 303/KH-UBND, về việc tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Tập trung mọi nguồn lực
Từ nguồn ngân sách 390 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ, trong đó năm 2019 (90 tỷ đồng), năm 2020 (270 tỷ đồng) và năm 2021 (30 tỷ đồng) để khôi phục hạ tầng bị thiệt hại sau mưa lũ, Hà Tĩnh đã phân bổ kịp thời cho các địa phương, để khôi phục, nâng cấp 89 công trình thiết yếu trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó có những công trình cần kinh phí lớn như: Nâng cấp sửa chữa cầu tràn Trốc Vạc xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (35 tỷ đồng); Đường nối QL1A đi khu du lịch biển Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (30 tỷ đồng đồng); Kè bờ tả sông La, đoạn qua xã Trường Sơn và Liên Minh huyện Đức Thọ (18 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến 2022, tỉnh Hà Tĩnh đã trích 27,5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai hỗ trợ các địa phương sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai, trong đó năm 2020 là 19,4 tỷ đồng; năm 2021 là 5,1 tỷ đồng và năm 2022 là 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương và địa phương để sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai như: Nâng cấp các tuyến đê Hữu Phủ (130 tỷ đồng), đê Tân Long (40 tỷ đồng), đê Hữu Nghèn (22 tỷ đồng) và nâng cấp các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp.
Kè bờ tả sông La, đoạn qua xã Trường Sơn và Liên Minh (huyện Đức Thọ) đang gấp rút hoàn thành. |
Đối với ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện, xã), từ năm 2019 đến năm 2021, UBND các cấp đã phân bổ trên 148,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, trong đó, ngân sách tỉnh (76,6 tỷ đồng), ngân sách huyện (55,1 tỷ đồng), ngân sách xã (17,2 tỷ đồng).
Đối với nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/11/2020 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, đến nay Hà Tĩnh đã huy động được gần 570 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa (nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân) để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng, tránh lụt bão và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.
Trong 3 năm qua có 49 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 98 tỷ đồng, trong đó, Ban Chỉ đạo tỉnh huy động hỗ trợ xây dựng 32 nhà với kinh phí thực hiện 64 tỷ đồng (2 tỷ đồng/nhà); Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã huy động hỗ trợ đầu tư xây dựng 17 nhà với kinh phí trên 34 tỷ đồng.
Có 3.469 nhà của gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai được hỗ trợ kinh phí từ các nguồn khác để xây dựng nhà ở kiên cố với số tiền 470.878 triệu đồng. Trong đó, Ban Chỉ đạo tỉnh hỗ trợ xây dựng 2.053 nhà với 143.340 triệu đồng (mức hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà); Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ban chỉ đạo cấp huyện huy động kinh phí hỗ trợ xây dựng 1.416 nhà, kinh phí thực hiện 77,7 tỷ đồng (mức hỗ trợ bình quân 55 triệu đồng/nhà).
Nhà văn hoá cộng đồng thôn Tiền Phong, xã Quang Vình (Đức Thọ) là 1 trong 49 công trình được Hà Tĩnh huy động từ nguồn xã hội hoá. |
Cộng đồng xã hội, gia đình, người thân của các đối tượng được hỗ trợ, huy động thêm kinh phí để xây dựng nhà ở kiên cố, đảm bảo phòng tránh bảo lũ khoảng 249,8 tỷ đồng (bình quân mỗi đối tượng tự huy động kinh phí khoảng 72 triệu đồng/nhà).
Năm 2020, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ hơn 80,1 tỷ đồng để khắc phục thiên tai; Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh đã điều chuyển cho các địa phương để khắc phục kịp thời dân sinh, sản xuất - nông nghiệp sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân.