Về tham dự Hội nghị đánh giá có sự góp mặt của hơn 70 đại biểu trong nước và quốc tế. Về phía Chương trình KOPIA, có ông Cha JaeBeom, Phó Giám đốc KOPIA khu vực Châu Á - CIS; ông Hyun Jong Nae, Giám đốc KOPIA Việt Nam; ông Park Kwang Geun, Chuyên gia, Nguyên Giám đốc KOPIA Việt Nam; ông Kim Kee Young, Chuyên gia Dâu tằm tơ - RDA. Hội nghị còn có sự góp mặt của các chuyên gia, đại biểu quốc tế bao gồm TS. Dileep Kumar, Giám đốc Hiệp hội dâu tằm quốc tế, Trường đoàn Ấn Độ; ông Watcharapong Kaewhom, Trưởng đoàn Thái Lan; ông Chansothy Yin, Đại diện đoàn Campuchia.
Về phía Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có bà Trần Thị Ngọc Lan, Cục Chăn nuôi; PGS.TS. Đào Thế Anh, P. Giám đốc Viện KHNN Việt Nam; TS. Bùi Quang Đãng, Trưởng ban KH và HTQT. Về phía đơn vị thực hiện dự án có TS. Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm NC Dâu tằm tơ Trung Ương (VIETSERI) cùng các cán bộ khác; TS. Hoàng Xuân Trường P. giám đốc TT Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (CASRAD) cùng các cán bộ tham gia.
Về phía chính quyền địa phương có ông Nguyễn Đức Điển, Phó giám đốc sở NN&PTNN tỉnh Yên Bái cùng cán bộ phòng nông nghiệp các huyện Trấn Yên và Văn Chấn. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự góp mặt của các hộ trồng dâu nuôi tằm và các HTX dâu tằm trong khu vực dự án.
Sau khi tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu, hội trường đã giành một phút mặc niệm tưởng nhớ TS. Kang Pildon, đã mất trong khi thực hiện Dự án, người đã có đóng góp rất lớn vào các kết quả mà dự án đã đạt được cho đến ngày hôm nay. Sau bài phát biểu khai mạc của PGS.TS. Đào Thế Anh (Phó Giám đốc Viện KHNN Việt Nam) là Báo cáo các hoạt động của dự án, các mô hình mẫu được xây dựng tại tỉnh Yên Bái của TS. Nguyễn Thị Min (Phó Giám đốc Trung tâm NC Dâu tằm tơ Trung Ương), báo cáo cho thấy các kết quả đạt được của dự án đã đem lại những thay đổi lớn lao cho đồng bào dân tộc tại các xã, huyện khó khăn của tỉnh Yên Bái, dự án đã giúp thành lập các HTX, hỗ trợ các vật tư cần thiết trong chăn nuôi tằm, hỗ trợ quản lý vận hành HTX, hỗ trợ phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm kén tằm nhằm đem lại thu nhập ổn định và hiệu quả hơn so các loại cây trồng truyển thống khác.
Ông Hyun Jong Nae (Giám đốc KOPIA Việt Nam) cho biết: "Các kết quả dự án đạt được trong 03 năm là rất đáng tuyên dương, ông rất vui khi thấy được cuộc sống của người nông dân đã tốt lên từng ngày cũng như khẳng định Chương trình KOPIA và Tổng cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (RDA) sẽ luôn hỗ trợ người nông dân đặc biệt là các khu vực còn gặp nhiều khó khăn."
Ông Nguyễn Đức Điển (Phó giám đốc sở NN&PTNN tỉnh Yên Bái) cho biết: "Tỉnh nhà luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế nông hộ đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án đã có những đóng góp rất tích cực vào chiến lược phát triển của Tỉnh, tạo ra sinh kế cũng như cải thiện thu nhập cho người nông dân."
Bà Trần Thị Ngọc Lan (Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) phát biểu: "Cục đánh giá cao các kết quả mà dự án đã đạt được sau 03 năm triển khai cũng như nỗ lực của các đơn vị tham gia, thực hiện dự án. Đây là một trong những dự án tiêu biểu về phát triển mô hình chăn nuôi tằm tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đáng được khích lệ và nhân rộng hơn nữa."
Đại diện các HTX và hộ nông dân chăn nuôi tằm trong khu vực dự án cũng bày tỏ niềm vui khi có được một kế sinh nhai mới, họ có thể tranh thủ những lúc nông nhàn để chăn nuôi tằm có thêm thu nhập. Ở một số nơi, thu nhập đến từ chăn nuôi tằm đóng vai trò là nguồn thu chính trong gia đình, một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi, mở rộng diện tích nuôi tằm đến 2ha hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu rất lớn.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội nghị các địa biểu còn được tham dự lễ cắt băng khánh thành nhà nuôi tằm lớn tại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, thăm quan cánh đồng dâu và mô hình nuôi tằm con tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, điều này càng cho thấy những hỗ trợ của dự án đến người dân là rất thiết thực, đem lại sự phát triển bền vững cho ngành dâu tằm tại tỉnh Yên Bái.
Vũ Thế Anh