Hướng tới chuyển đổi hệ thống thực phẩm "Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững" góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng toàn cầu

01/06/2022 00:11

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam – PHANO, Việt Nam không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng toàn cầu, mà Việt Nam đang hướng tới chuyển đổi, xây dựng hệ thống, trở thành một trong những nhà sản xuất lương thực, thực phẩm Minh bạch - Có trách nhiệm- Bền vững đến năm 2023.

Sau hai năm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19, thế giới lại tiếp tục phải đương đầu với những bất ổn về an ninh năng lượng, khủng hoảng lương thực toàn cầu khi giá dầu thô tăng cao và nguy cơ nạn đói ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn thế giới.

Đến nay có hơn 400 triệu người trên thế giới đang đối mặt với nạn đói, hơn 800 triệu người đi ngủ mỗi đêm với cái bụng đói... Nạn đói hiện đang đe dọa 43 quốc gia. Xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, giá lương thực tăng cao chưa từng thấy..., đó là các yếu tố dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.

an12-1654016441.jpg
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang là mối bận tâm của không ít các quốc gia hiện nay. Thống kê mới nhất của WFP, số người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực ở mức nghiêm trọng trên toàn cầu lên đến 276 triệu người, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Đến cuối năm 2022, con số này dự báo sẽ tăng lên 323 triệu người.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, có rất nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ đến an ninh lương thực: "Covid tác động rất mạnh mẽ vào những nước phải nhập khẩu lương thực thực phẩm. Bên cạnh đó, các xung đột về chiến tranh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề an ninh lương thực khi mà Ukraine và Nga đều đóng vai trò chính trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cơ bản, là những vựa lương thực lớn của thế giới. Ukraine cung cấp 12% lượng lúa mì xuất khẩu trong khi Nga là nguồn cung cấp phân bón, hóa học của nhiều nước trên thế giới.

Trước những nỗi lo như vậy, một số nước quay về "bảo hộ" an ninh lương thực bằng cách giảm xuất khẩu để đảm bảo thị trường trong nước.

Các yếu tố kể trên đã khiến cho giá lương thực, thực phẩm trên thế giới tăng chóng mặt và khan hiếm hơn.

Tại Việt Nam, mặc dù tự sản xuất lúa gạo nhưng nước ta cũng chịu tác động không nhỏ bởi giá phân bón tăng cao gần gấp 2 lần, thuốc trừ sâu cũng tăng mạnh ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp".

Ngoài ra, việc chuỗi cung ứng không ổn định, thời tiết bất thường cũng đẩy giá lương thực lên cao nhất trong một thập kỷ. Khả năng chi trả của người tiêu dùng là một vấn đề lớn vì đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người mất việc làm và hiện vẫn đang chật vật để phục hồi sau dịch trong bối cảnh lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ nần chồng chất.

Nếu các biện pháp hữu hiệu không kịp thời được đưa ra, giá lương thực tiếp tục leo thang, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể sẽ chính thức xảy ra vào năm 2023.

nan-doi-16261694300081469347352-1654016660.jpg
Nạn đói đang gia tăng sau đại dịch COVID - 19 và xung đột địa chính trị gần đây

Trước tình hình thế giới đang đứng trước “bờ vực” của một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, những ngày gần đây, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đã nhóm họp, tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề này. Đây được cho là động thái nhằm giúp thế giới giảm bớt nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào cuộc đối thoại do Liên hợp quốc khởi xướng về thúc đẩy tính bền vững của hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu và tại mỗi quốc gia.

"Sau các cuộc đối thoại đó, chúng ta cũng đang chuẩn bị dự thảo để ban hành kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm Minh bạch- Có trách nhiệm- Bền vững đến năm 2023. Việt Nam sẽ khẳng định vị thế là một trong những nhà sản xuất thực phẩm Có trách nhiệm không những với toàn dân Việt Nam mà với cả an ninh lương thực thế giới, Minh bạch khi đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc rõ ràng, xây dựng thương hiệu lương thực thực phẩm Việt Nam và Bền vững khi sản xuất nhưng giảm các tác động tiêu cực đến môi trường và bảo vệ môi trường", PGS.TS Đào Thế Anh cho biết thêm.

Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhiều chuyên gia cho rằng, đây vừa là khó khăn đối với Việt Nam dưới góc độ là một nước xuất khẩu lương thực, tuy nhiên, nó cũng mở ra nhiều cơ hội về các thị trường tiềm năng.

PGS.TS Đào Thế Anh đánh giá, hiện nay, Việt Nam đang khẳng định chiến lược nông sản, nhưng để làm được như vậy, trước tiên, vấn đề thu nhập của người sản xuất phải được đảm bảo và được hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng cần được quan tâm để có thể sản xuất được lâu dài vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước và cũng xuất khẩu được lâu dài. Tức là phải làm như thế nào để tiêu tốn ít nguồn lợi tự nhiên hơn.

"Trong bối cảnh nhiều nước "thu mình lại", hạn chế xuất khẩu, giá cả lương thực thực phẩm tăng lên, tôi tin tưởng rằng, Việt Nam với đội ngũ nghiên cứu, các cơ sở hỗ trợ cho nông nghiệp tương đối tốt, vẫn sẽ đảm bảo xuất khẩu các mặt hàng nông sản, tuy nhiên, cần đa dạng các mặt hàng khác nhau và hướng tới các sản phẩm rau quả có giá trị cao hơn là lúa gạo", PGS.TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.

tt12-1654016919.jpg
Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung của LHQ, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần hướng tới nhiều thị trường mới, đặc biệt là các thị trường cao cấp để giảm thiểu rủi ro cũng như sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

"Muốn thâm nhập vào các thị trường cao cấp, sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo được các yếu tố về an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về kỹ thuật như bao bì, truy xuất nguồn gốc phải rõ ràng, minh bạch.

Như vậy, đối với hệ thống sản xuất của Việt Nam, muốn tăng trưởng được xuất khẩu trong thời gian tới thì việc thúc đẩy tính an toàn, minh bạch, đa dạng hóa sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng", PGS.TS Đào Thế Anh chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Đào Thế Anh, việc Việt Nam tham gia vào thị trường lương thực, thực phẩm thế giới cũng là một trong những "động lực" để "nâng cấp" hoạt động sản xuất trong nước trở nên phát triển bền vững hơn.

Ngày 23/5, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về "Tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu" mà không cần bỏ phiếu. Bên cạnh việc thành lập Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ và các bên liên quan cần duy trì chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm; nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ cho các hoạt động thương mại thông suốt, hạn chế tích trữ lương thực và hàng hóa.

Đối với Việt Nam, là một trong những quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Trong tất cả các diễn đàn của LHQ, chúng ta đều khẳng định sẽ tham gia tích cực vào các nỗ lực toàn cầu về an ninh lương thực.Thông qua các mô hình nông nghiệp sáng tạo và bền vững, Việt Nam mong muốn trở thành một "trung tâm sáng tạo về lương thực" trong khu vực. Với mục tiêu đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp có ý nghĩa vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.

 

Quyết Tuấn