Khách thăm Cà phê Lục Bát: Nhạc sĩ Hoàng Long muốn đồng hành cùng "Trái tim người lính"

Đầu xuân mới Ất Tỵ - 2025, Cà phê Lục Bát vừa đón một vị khách mời đặc biệt: Nhạc sĩ Hoàng Long, họ tên đầy đủ là Đặng Hoàng Long. Anh sinh năm Đinh Mùi – 1967, tại Nam Định. Có bằng Kỹ sư và đã gắn bó hơn 20 năm với ngành Giao thông Vận tải, nhưng bỗng “một ngày đẹp trời” anh chuyển nghề sang… sáng tác ca khúc!
dtdvh1a-1738808574.jpg
 

dt2dvh2bc-1738808632.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Dù đến với âm nhạc muộn, nhưng đến nay, Đặng Hoàng Long đã thực hiện được hàng trăm ca khúc. Hơn thế, hàng chục ca khúc của anh đã thắng giải các cuộc thi, trong đó có Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 2017, năm 2018, năm 2021 và năm 2024…, Giải Nhất cuộc thi sáng tác âm nhạc chào mừng 70 năm ngày Thành lập ngành Giao thông vận tải cho ca khúc "Người chiến sĩ giao thông"; Giải Nhì cuộc sáng tác về thầy cô và mái trường năm 2021, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cùng nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác của các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương.

Hiện Đặng Hoàng Long là Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam. Nhờ sự kết nối của Thạc sĩ Đặng Duy Khanh – Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Đặng TP. Hà Nội, Thường trực Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”; bên ly cà phê nóng đầu xuân, tác giả của những ca khúc được nhiều người yêu mến như "Thời áo trắng", "Trở lại trường xưa", "Ngày không anh", “Khúc nhạc đồng quê”, “Thương mẹ”, “Người chiến sĩ giao thông”… đã chia sẻ những cảm xúc của mình với “Trái tim người lính”. Đó là những tâm sự chân thành về sự đam mê sáng tạo và trách nhiệm với cuộc đời của một nghệ sĩ chân chính…

*

“Tôi vốn yêu âm nhạc từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên tình yêu đó rất âm thầm, như một ngọn lửa nằm sâu trong trái tim mình. Do những điều kiện khách quan của gia đình, môi trường học tập mà tôi không được tiếp cận, học hành sớm về âm nhạc. Từ năm học cấp 3 tôi đã ấp ủ dự định mình sẽ phải theo đuổi âm nhạc, nhưng bố mẹ tôi khuyên tôi nên thi vào một trường đại học để học một cái nghề, sẽ ổn hơn cho cuộc sống sau này. Thậm chí bố tôi còn hứa sẽ mua cho tôi một cây đàn ghi ta nếu tôi thi đỗ đại học.

Khi tôi đỗ vào trường đại học, với cây đàn bố mua tặng, tôi theo học âm nhạc tại nhà thầy Phan Nhân (nhạc sĩ Phan Nhân). Học ghi ta ở thầy, sau đó tôi còn đi học thêm buổi tối và các ngày nghỉ ở các thầy giáo nhạc viện khác. Tôi học đàn violin, rồi học lớp ký xướng âm, kết bạn bè với rất nhiều nghệ sĩ lĩnh vực âm nhạc.

Công việc kỹ sư ngành giao thông của tôi khác với công việc sáng tác âm nhạc nhiều lắm. Dù vẫn say sưa với công việc đó, nhưng dường như tôi vẫn chờ đợi một thời điểm đủ chín nào đó, mình sẽ quay trở lại với âm nhạc. Tôi cảm thấy tôi là chính mình khi ở trong âm nhạc.

Từ lâu tôi âm thầm sáng tác. Đến một thời điểm tôi mạnh dạn chia sẻ các sáng tác của mình với một số bạn bè, thầy giáo. Được động viên, khích lệ, tôi bắt đầu công bố tác phẩm của mình đến với khán giả bằng nhiều cách. Tôi gửi bài cho các Ca sĩ mình quen biết để họ hát. Tôi gửi tác phẩm đi dự các cuộc thi... Và tôi nhận ra, những sáng tác của mình có thể có đời sống trong khán giả. Những giải thưởng dù nhỏ trong vài ba cuộc thi sáng tác, hay những ca khúc được phát sóng trên các kênh phát thanh, truyền hình để lại dấu ấn trong công chúng khiến tôi có thêm niềm tin vào con đường mình sẽ đi.

Cảm động biết bao, khi tôi được các văn nghệ sĩ đàn anh nhận xét về tác phẩm của mình. Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng cho biết: “Chất liệu âm nhạc của anh Long viết rất có tình, và về bố cục, kể cả ghép lời, những âm mở âm đóng, ghép ngôn từ rất chặt chẽ, và dễ hát cho người ca sĩ, đấy là điều mà tôi rất thích trong âm nhạc của anh Hoàng Long”. Còn Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh khẳng định: “Điều đầu tiên quan trọng nhất, đấy là xúc cảm, thiếu những cái đó thì không thành được, có thể anh rất giỏi, học rất nhiều, và có thể có nhiều kỹ thuật để bồi đắp, nhưng cái cảm xúc từ trái tim đến trái tim rất là khó. Anh Long có điều ấy và tôi đọc được những điều đó qua những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Long. Tôi rất thích những bài viết về quê hương của anh ấy”

Thú thật là, lúc đầu, gia đình, người thân của tôi phản ứng ghê lắm. Ai mà có thể yên tâm cho được chứ, khi tôi đang có một công việc ổn định thì bất thần tôi bỏ, để theo đuổi đam mê âm nhạc. Nhưng tôi vẫn quyết tâm bước đi, vì tôi có một niềm tin vào lựa chọn của mình. Tôi không thích kiểu vẫn làm công việc cũ, rồi xem âm nhạc như một cuộc chơi tay ngang.

Nhưng tôi nhận ra, làm âm nhạc sẽ giúp tôi có thể đóng góp cho cuộc đời nhiều hơn, nhờ sức lan tỏa của nó. Tôi nên làm công việc gì mà tôi cảm thấy say mê hơn. Âm nhạc từ lâu đã ở trong trái tim tôi rồi. Và tôi chọn âm nhạc. Dù thời điểm để rời bỏ cái này, chọn lấy cái kia tôi không còn trẻ nữa. Nhưng tôi nghĩ, trẻ hay không là chuyện của trái tim chứ không phải tuổi tác. Chúng ta không nên tự giới hạn mình. Bất kể lúc nào cũng có thể bắt đầu.

Tôi muốn toàn tâm toàn ý cho sáng tác. Tôi nghĩ nếu mình tận hiến cho một công việc, chắc chắn mình sẽ có thành quả. Làm âm nhạc vẫn có thể sống được bằng nghề, nếu anh tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khán giả, chẳng qua là anh có đạt được đến điều đó hay không mà thôi.

Tôi hiểu thực tế đó. Ở nước ta, đang có một sự chênh lệch lớn giữa người sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn. Người sáng tạo ra tác phẩm là cái gốc. Họ như con ong làm mật cho đời. Mật ngọt của họ chính là chất liệu để cho người nghệ sĩ biểu diễn lựa chọn, thuyết phục công chúng và xây dựng tên tuổi. Tuy nhiên, những gì người sáng tác nhận được rất khiêm tốn, chưa tương xứng với đóng góp của họ cho nghệ thuật.

Tôi cũng nhận ra rằng tiền tác quyền không đáng là bao, không đủ để tái tạo sức sáng tạo. Trong khi đó, thu nhập của nghệ sĩ biểu diễn lớn hơn nhiều lần. Một đêm diễn của ca sĩ nổi tiếng có thể được trả cát-xê hàng trăm triệu. Tôi mong muốn người sáng tạo được đãi ngộ tốt hơn. Người làm nghề cần phải sống được bằng nghề thì mới lâu dài được. Cá nhân tôi, dù hiểu được điều đó vẫn muốn dấn thân vào con đường sáng tác, vì tôi biết ở đó, có những giá trị tinh thần mà ngay cả tiền bạc cũng không thể mua được. Lòng đam mê của người sáng tác còn cao hơn cả tiền bạc là vì vậy.

Thêm nữa, chúng ta không thể phủ nhận sức lan tỏa mạnh mẽ của hình thức nghe nhạc trực tuyến. Công nghệ số đã thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của số đông. Là một người sáng tác, tôi không thể đứng ngoài xu hướng tất yếu đó. Theo tôi, thay vì thụ động, người sáng tác cần phải chủ động hơn trong việc đưa tác phẩm đến với người nghe. Tôi sẽ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, sử dụng các kỹ năng nghe nhìn mới này để đưa các tác phẩm của mình đến với khán giả một cách hiệu quả nhất”.

*

Có thể bạn chưa biết: Ca sĩ Đặng Anh Tuấn - Người đã vượt qua nhiều thí sinh xuất sắc đến từ các nước trong khu vực, để giành giải vàng tại Festival nghệ thuật châu Á Thái Bình Dương 2022, được tổ chức tại thành phố Penang – Malaysia, chính là con trai của Nhạc sĩ Đặng Hoàng Long. Những năm trung học phổ thông, Đặng Anh Tuấn từng là thành viên của đội nhảy Michael Jackson Việt Nam (MJFCVN - Michael Jackson Fan Club Việt Nam), tham gia các hoạt động văn nghệ toàn trường, đạt giải nhì cuộc thi nhảy MJ tại Việt Nam. Thi đỗ và theo học Học viện Ngân hàng, nhưng Đặng Anh Tuấn quyết định bỏ dở để thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, theo đuổi niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Với việc ra mắt Music Video đầu tay mang tên "Người mẹ sông Hồng" của tác giả Trần Ngọc, tháng 1/2024; cùng đêm nhạc không thể quên với The Three Musketeers - bộ ba nhạc sĩ và giọng ca tài năng đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: Pianist và Ca sĩ Anh Tuấn, Baritone Long Nhật, và Tenor Tấn Đạt, tháng 12/2024… đã khẳng định được tài năng trẻ của mình.

Tết Ất Tỵ - 2025 vừa qua, hai bố con nghệ sĩ Đặng Hoàng Long và Đặng Anh Tuấn cùng về sum họp tại quê nhà: Xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Họ vừa ra mắt một ca khúc mới viết về người lính, mang tựa đề “Người chiến sĩ Công an”. Trong thời gian tới, họ sẽ dành nhiều thời gian để đồng hành cùng "Trái tim người lính" trong lĩnh vực âm nhạc. Bên cạnh đó, họ tiếp tục tìm hiểu về “Chương trình Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, lên kế hoạch cùng một số đơn vị cơ sở, với sự đồng tình ủng hộ của các cấp, tổ chức thực hiện và trao tặng 1 tủ sách mang tên người nữ Anh hùng liệt sĩ họ Đặng tại Nam Định.

Hà Nội, 6/2/2025

TTNL

______