Khai thác bãi giữa sông Hồng - Hướng đến phát triển bền vững

Ngày 24/3/2022, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch Phân khu đô thị Sông Hồng với tỷ lệ 1/5.000, trải dài từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Quyết định này khẳng định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển không gian và khai thác hiệu quả các khu vực ven sông. Đặc biệt, vùng bãi giữa sông Hồng, nằm trong địa bàn các quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Ba Đình, sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong trục cảnh quan này.

Trong bối cảnh Hà Nội hiện nay thiếu hụt các khu vực vui chơi giải trí rộng rãi, thân thiện với thiên nhiên, đặc biệt là tại các khu vực nội đô như Ba Đình và Hoàn Kiếm, nhu cầu của người dân về các hoạt động ngoài trời, trải nghiệm thiên nhiên và tham quan sản phẩm nông nghiệp sạch ngày càng gia tăng. Với vị trí thuận lợi gần trung tâm, không gian mở và hệ sinh thái đa dạng, cùng với vẻ đẹp hoang sơ của mặt nước và cầu Long Biên lịch sử, vùng bãi giữa sông Hồng hội tụ đủ điều kiện để phát triển thành một không gian công cộng lý tưởng. Đây sẽ là nơi lý tưởng cho các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu phong phú của người dân Thủ đô nói chung và quận Long Biên nói riêng.

anh-chup-man-hinh-2024-11-11-luc-110246-1731297780.png

Bãi giữa sông Hồng kết nối thiên nhiên và con người

Khái quát chung về quận Long Biên, thành phố Hà Nội

Quận Long Biên được thành lập theo Nghị định số 132/2003/NĐ – CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ, trên cơ sở tách một phần đất tự nhiên và dân số của huyện Gia Lâm. Là quận duy nhất nằm ở Bắc Sông Hồng, có vị trí đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống quốc lộ 1, quốc lộ 5, đường sắt, sân bay Gia Lâm, hệ thống bến xe, ga xe lửa Gia Lâm, cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Chương Dương, Long Biên bắc qua Sông Hồng, cầu Đuống, Phù Đổng, Đông Trù bắc qua Sông Đuống tạo điều kiện thuận lợi để nối liền trục tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Quận Long Biên có tổng diện tích tự nhiên 6.094ha, gồm 14 đơn vị hành chính phường: Cự Khối, Thạch Bàn, Long Biên, Bồ Đề, Ngọc Thụy, Ngọc Lâm, Gia Thụy, Thượng Thanh, Việt Hưng, Phúc Đồng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên, Đức Giang. Tại thời điểm thành lập năm 2004, dân số toàn Quận là 170.706 người, đến năm 2023 tăng lên 351.589 người.

Thực trạng khai thác không gian công cộng trên địa bàn Quận

Trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch phân khu đô thị N10, quận Long Biên đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung; khớp nối hạ tầng khu vực với các quận, huyện bạn trong đó tập trung về đầu tư vào các công viên, vườn hoa, các di tích lịch sử được công nhận, xếp hạng tính đến nay trên địa bàn quận đã có 58 công viên, vườn hoa tỷ lệ cây xanh, hồ nước đạt 8,5m2/người (chỉ tiêu theo quy hoạch là 13m2/người).

Về hệ thống di tích

Quận hiện có 90 di tích trong đó có: 40 chùa, 50 đình, đền, miếu, nghè… số di tích đã xếp hạng là 58 chiếm tỷ lệ 67%, trong đó có 34 di tích xếp hạng cấp quốc gia (đình 19, chùa 15) và 24 di tích xếp hạng cấp thành phố (đình 13, chùa 11) còn lại 32 di tích chưa xếp hạng. Trong số các di tích phải kể đến một số di tích thu hút được nhiều du khách thập phương biết đến như: Đền Ghềnh, chùa Bồ Đề, đền Chầu, chùa Lâm Du ( phường Bồ Đề), đình chùa Bắc Biên, đền Mẫu Thoải, đền Rừng, đền Núi (Ngọc Thuỵ), đình Tình Quang (Giang Biên), đình chùa Hội Xá (Phúc Lợi), đình chùa Thổ Khối, Xuân Đỗ Thượng, Xuân Đỗ Hạ (Cự Khối), đền Trấn Vũ (Thạch Bàn), đình chùa Lệ Mật, Trường Lâm, Đền Kim Quan (Việt Hưng)… gắn với phát triển du lịch Sông Hồng, Sông Đuống liên kết với làng nghề Bát Tràng, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Chử Đồng Tử (Gia Lâm) và Cổ Loa (Đông Anh), đền Sóc (Sóc Sơn) và cả đến trung tâm Luy Lâu (Bắc Ninh).

Đa phần các di tích nằm ven Sông Hồng và Sông Đuống là điều kiện tốt cho du khách tham quan bằng đường thuỷ. Công tác quản lý, tu bổ tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn nhằm phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh được tiến hành thường xuyên. Quận Long Biên đến nay đã thực hiện đầu tư 51 di tích được tu bổ, tôn tạo, trong đó có 40 di tích được đầu tư bằng nguồn ngân sách quận, 7 di tích nguồn xã hội hoá.

Về hệ thống Công viên, vườn hoa, không gian mở

Quận Long Biên có Khu Sân golf Long Biên với quy mô 120 ha, hàng năm có tới 120 nghìn lượt khách/năm. Ngoài ra, Quận còn có hệ thống công viên, vườn hoa phân bố đồng đều tại các khu vực liên kết thành mạng lưới các trục cảnh quan, tạo ra các không gian mở thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân vui chơi, giải trí, nổi bật có thể kể đến như Công viên Long Biên, Công Viên Ngọc Thụy, các điểm du lịch sinh thái bên Sông Hồng, Sông Đuống (Khu vườn nhãn – Long Biên; Khu giáo dục ERAHOUSE, phường Giang Biên).

Về hệ thống các công trình công cộng thương mại – dịch vụ

Trên địa bàn hiện có 04 Trung tâm thương mại, 13 siêu thị. Trong đó, TTTM Aeon Long Biên, Savico mall Long Biên, Vincom Long Biên đóng vai trò là điểm đến mua sắm, vui chơi giải trí thu hút hàng ngàn lượt khách/ngày.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội và các chính sách ưu tiên đầu tư về hạ tầng du lịch trên địa bàn quận cũng hình thành các tuyến phố ẩm thực như phố Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, khu làng nghề Lệ Mật với hàng nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Với một địa thế vô cùng thuận lợi, nhìn ra phía trước là Sông Hồng với không gian mở, khoáng đạt, lộng gió về mùa hè, chợ Ẩm thực Ngọc Lâm là một trong những địa chỉ ẩm thực nổi tiếng không những của quận Long Biên mà là của Thành phố, thu hút được rất nhiều du khách trong nước và Quốc tế đến thưởng thức trong những năm gần đây.

do-thi-doc-song-hong-1731297930.jpg

Bãi giữa sông Hồng nhìn từ trên cao

Thực trạng khu vực Bãi Giữa, Bãi Nổi Sông Hồng

Trên địa bàn quận Long Biên hiện có 1.567,25 ha đất vùng bãi bao gồm 180ha đất Bãi Giữa, phần lớn là đất sản xuất nông nghiệp. Các loại hình canh tác nông nghiệp chủ yếu là trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, một phần diện tích trồng rau và cây hàng năm.
Giai đoạn 2021-2025, Quận quyết liệt triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU ngày 02/3/2022 của Thành uỷ và Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/QU của Quận ủy về quản lý đất đai; đặc biệt chú trọng tới khu vực Bãi Giữa, bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống. Tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện xử lý, khắc phục vi phạm về đất đai.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập như:

- Chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của khu vực; còn nhiều diện tích đất hoang hóa chưa đưa vào khai thác, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả; bất cập trong công tác quản lý đất đai (nhiều diện tích UBND phường không ký được hợp đồng, không thu được hoa lợi công sản cho ngân sách);

- Phát sinh những vi phạm về đê điều và xây dựng (sử dụng đất sai mục đích, đổ trộm phế thải san lấp mặt bằng, xây dựng công trình không đúng quy định);

- Các hộ thuê thầu hiện tổ chức sản xuất theo hướng tự phát, chưa có định hướng sản xuất, dịch vụ hợp lý, thiếu sự liên kết, không tạo điểm nhấn để thu hút;

- Thời hạn ký hợp đồng ngắn (chủ yếu là hàng năm) nên các hộ thuê chưa yên tâm đầu tư sản xuất đồng bộ dẫn đến manh mún, hiệu quả thấp;

Với cảnh quan tự nhiên hoang sơ, đặc điểm thủy văn, địa chất và hệ sinh thái đa dạng, nơi đây đã bắt đầu được người dân và khách du lịch quan tâm và yêu thích bởi được gần gũi với thiên nhiên, cây xanh, mặt nước, nhiều khu vực đất bãi trở thành điểm vui chơi tự phát với một số hoạt động trên bãi sông như các câu lạc bộ bơi sông, bãi tắm tiên, các loại hình dịch vụ cafe.

Phát triển khu vực Bãi giữa Sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng

Hình thái tự nhiên của quận Long Biên như được bao bọc bởi hai dòng sông lớn nhất chảy qua Thủ đô Hà Nội: Sông Hồng, sông Đuống. Vùng Bãi Giữa đã và đang là khu vực vừa khó kiểm soát phát triển nhằm đảm bảo không gian thoát lũ theo các quy định nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Chính phủ; vừa đặt ra bài toán trong việc đánh thức tiềm năng không gian cảnh quan rộng lớn hướng đến phát triển bền vững quận Long Biên. Từ những thách thức trên cần có cách tiếp cận hết sức thận trọng trong đó cần tập trung vào các nội dung theo tầng bậc từ công tác lập quy hoạch, thể chế, chính sách, huy động nguồn vốn đến quản lý sử dụng, duy tu – duy trì như:

Công tác quy hoạch và kiểm soát không gian, kiến trúc, cảnh quan

Về mặt quy hoạch tổng thể, để công viên đa chức năng thuộc khu vực Bãi giữa Sông Hồng là điểm nhấn của trục cảnh quan sông Hồng, chúng ta phải quan tâm:

Phạm vi nghiên cứu: Chúng ta phải tiến hành nghiên cứu quy hoạch tổng thể vùng sông Hồng, trong đó xác định Cầu Long Biên là một thông số quan trọng và tất yếu, có vị trí xứng đáng trong bất kỳ phương án quy hoạch nào;

- Tổ chức các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch, trong đó, trọng yếu là tổ chức các tuyến giao thông xanh (phục vụ đi bộ, xe đạp và xe thô sơ) và các giải pháp kết nối giao thông đường thủy, đường bộ đảm bảo liên kết thuận tiện với mạng lưới giao thông công cộng khu vực ven 2 bãi sông hình thành các điểm, tuyến kết nối và tiếp cận đa phương thức;

- Xác định 3 nguyên tắc thiết kế chủ đạo: (1) Hạn chế tối đa bê tông hóa; (2) Quy hoạch cảnh quan thích ứng thủy văn của sông Hồng, Quy hoạch cảnh quan khu vực phục vụ cho cộng đồng trong đó cần khai thác tối ưu cảnh quan môi trường tự nhiên trong các thời điểm, kịch bản khác nhau nhưng vẫn đạt được nhu cầu tiện ích sử dụng cao; (3) Kiến trúc thích ứng, lắp ghép, linh hoạt, thân thiện môi trường, cảnh quan khu vực sử dụng các vật liệu tự nhiên, truyền thống như tre, gỗ…

- Phát triển những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc Sông Hồng, đồng thời với kiểm soát chặt sự chuyển đổi các khu vực hiện hữu.

Thiết lập các cơ chế, thể chế chính sách phục vụ quản lý sau Quy hoạch

Đây là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả sử dụng và tính bền vững của Dự án. Việc ban hành các chính sách kịp thời, phù hợp, mang tính thống nhất sẽ giúp quá trình triển khai, thực hiện Dự án diễn ra thuận lợi, đúng nguyên tắc. Trong đó quan trọng nhất là các quy định pháp lý về những hạng mục được làm/ không được làm trong khu vực, các chính sách về nguồn vốn, về lựa chọn nhà đầu tư, giải pháp khai thác và vận hành.

Quy trình thực hiện cần được phân theo giai đoạn cụ thể, ưu tiên thứ tự đầu tư phù hợp

Khu vực Bãi Nổi, Bãi Giữa Sông Hồng là khu vực cần giải quyết nhiều vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng. Vì thế, cần được xử lý theo giai đoạn và theo thứ tự ưu tiên, trước hết là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung (vật liệu đảm bảo bền vững trong môi trường nước), tiếp đó là hệ thống giao thông tiếp cận đường bộ, đường thủy kết nối đa phương thức gắn với các giải pháp đảm bảo an toàn thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn.

Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư

Trong điều kiện nguồn lực của Thành phố còn hạn chế, trong khi việc xây dựng dự án cần thời gian dài, quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, việc xác định nguồn vốn, tập trung thu hút đầu tư cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp, có tính linh hoạt cao để có thể huy động tối đa mọi nguồn lực cho quá trình triển khai thực hiện.

Thực hiện quy chế quản lý, vận hành, duy tu- duy trì

Đề án xây dựng Công viên Văn hóa Cảnh quan khu vực Bãi Giữa sông Hồng với quy mô lớn, quá trình thực hiện lâu dài, cần chứng minh được hiệu quả thông qua sự phát triển bền vững. Trong đó, công tác quản lý, phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành là rất quan trọng. Cần xử lý nghiêm các vi phạm ngay từ quá trình đầu tư, vận hành, khai thác. Đề án cũng cần đưa ra các hướng dẫn, quy định cụ thể về nguyên tắc vận hành, duy tu – duy trì các không gian công cộng theo giai đoạn phù hợp.

Đề án xây dựng Công viên Văn hóa Cảnh quan Bãi Giữa Sông Hồng sẽ giúp thay đổi diện mạo cảnh quan khu vực, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, bất cập, đánh thức tiềm năng không gian công cộng rộng lớn. Ngoài ra, việc kiểm soát tốt hành lang thoát lũ, tạo dựng cảnh quan thân thiện với môi trường, đáp ứng sinh hoạt cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt, sẽ là nền tảng phát triển bền vững cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.