Ít tháng nay, gói thầu thi công xây dựng trục 3 (trục bổ sung) công trình đường giao thông từ thị trấn Kiến Đức đi liên xã Kiến Thành - Nhân Cơ - Nhân Đạo gần như không thi công được gì. Những khu đất ở tổ dân phố 5, thị trấn Kiến Đức được đào múc dang dở. Hễ mưa xuống, các hố này ngập trong nước. Nhiều đoạn, hố sâu chiếm toàn bộ mặt đường cũ, không có lối đi.
Căn nhà của gia đình anh Trần Văn Nguyệt, ở thị trấn Kiến Đức nằm trên trục đường đang thi công này. Cách đây ít tháng, đơn vị thi công đến múc 1 hố sâu trước nhà rồi không làm gì nữa. Mưa lớn, hố sâu này thành ao. Không thể đi ra đường phía trước nhà, anh Nguyệt đành chuyển lối đi ra phía sau để tránh ngập.
Nhìn từ trên cao xuống, đoạn đường này nhan nhản những ao nước sâu. Tại một số đoạn, hố sâu lớn xuất hiện giữa đường, người dân không còn lối đi. Họ đành phải mượn sân, vườn của những nhà ven đường để đi lại.
Anh Phạm Văn Hữu, ở thị trấn Kiến Đức chia sẻ: "Nước ngập đi qua hố sâu nguy hiểm lắm. Đi qua đường đất thì trơn trượt, ngã lên ngã xuống. Giờ vợ con tôi cũng ngại ra đường. Có việc gì cần thiết thì tôi phải chạy đi thôi".
Sau khi người dân phản ánh, các đơn vị thi công đã cho đổ đá dăm 1 lối đi bên đường. Lối đi này khi trời nắng thì có thể đi được. Nhưng khi mưa xuống, nước vẫn ngập và người dân đi lại còn khó khăn hơn.
Theo ông Phạm Văn Sen, ở thị trấn Kiến Đức, gia đình ông đã hiến đất làm đường, không yêu cầu chi phí đền bù gì cả. Hiện đơn vị thi công đã đào múc phần đất gia đình đã hiến, tạo thành hố sâu. Tuy nhiên, sau khi múc xong, họ không thi công nữa.
“Trước đây, họ xin kéo giãn thời gian thực hiện và sẽ xong dự án vào cuối năm nay. Nhưng với tiến độ này, tôi nghĩ rất khó để hoàn thành. Chúng tôi rất mong các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công để người dân chúng tôi đỡ vất vả”, ông Sen cho hay.
Công trình đường giao thông từ thị trấn Kiến Đức đi liên xã Kiến Thành - Nhân Cơ - Nhân Đạo có chiều dài 1,8 km, mặt đường rộng 14m, do Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, tuyến đường hoàn thành vào tháng 6/2022. Nhưng thực tế, công trình hiện vẫn chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp, hiện có 24/83 trường hợp bị thu hồi đất chưa nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Người dân không đồng ý với giá bồi thường về đất, vật kiến trúc trên đất và chưa có đất bố trí tái định cư. Do vướng tiến độ thi công, chủ đầu tư đã xin gia hạn tiến độ đến 31/12/2022.
Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư cũng thừa nhận, công trình rất khó hoàn thành đúng thời hạn trên. Bởi hiện tại, giữa chính quyền và người dân chưa tìm được tiếng nói chung trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Khung giá bồi thường của Nhà nước theo quy định nhưng nhiều trường hợp đòi bồi thường theo giá thị trường.
“Chúng tôi đã đề xuất UBND huyện Đắk R’lấp để tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bị thu hồi đất nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Nếu việc này không có sự chung tay của chính quyền địa phương, dự án có thể đứng trước nguy cơ không thể triển khai được nữa. Và đương nhiên, huyện sẽ không hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công mà người dân cũng sẽ chịu thiệt thòi”, đại diện Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk R’lấp chia sẻ.