Lâm Đồng: Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã mang lại những kết quả đáng chú ý. Đây không chỉ đánh dấu bước phát triển mới mà còn tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc thông thương giao lưu, trao đổi hàng hóa, sản xuất nông, lâm sản thuận tiện hơn, từ đó giúp người dân tìm kiếm thị trường, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

t3a-a-dr-ct-mtgq-dtts-20231119191936-1723602796.jpg

Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng để thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS. Ảnh Báo Lâm Đồng

Với tổng chiều dài gần 9.300 km đường bộ, Lâm Đồng hiện có một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và đường nông thôn. Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các địa phương.

Trong giai đoạn từ 2019 đến 2024, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Lâm Đồng đã nhận được sự quan tâm và lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, và sự hướng dẫn tích cực từ các cơ quan chức năng, với sự hợp tác chủ động của các địa phương và sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng dân cư trong trong việc đóng góp kinh phí, hiến đất,… để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thiết yếu trên địa bàn các xã, thị trấn, các tuyến đường vào khu sản xuất. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, sản xuất nông nghiệp của Nhân dân, phát huy hiệu quả, tạo cơ sở, nền tảng cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Đặc biệt, kết quả giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã triển khai nâng cấp, sửa chữa khoảng 577,72 km đường và 12 cầu dài 517 m với tổng số vốn đầu tư là 3.237 tỷ đồng. Công tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đã đem lại những thay đổi đáng kể cho nông thôn miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại và giao lưu hàng hóa, giúp sản xuất nông - lâm nghiệp tiến triển và tạo điều kiện tốt hơn cho người dân trong việc tiêu thụ và tìm kiếm thị trường.

Qua đó, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, tạo bước phát triển tiến bộ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều vùng được nâng lên. Nhờ có hệ thống giao thông được cải thiện, người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục. Đồng thời, hạ tầng giao thông cũng góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu trợ khi có thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu, việc đầu tư hạ tầng giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Lâm Đồng trong giai đoạn 2019 - 2024 cũng đối mặt với một số thách thức. Một số vấn đề như việc chậm triển khai các dự án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hạn chế về nguồn vốn và nguồn đối ứng từ cộng đồng, cũng như vấn đề về giải phóng mặt bằng khiến cho quá trình triển khai một số công trình gặp khó khăn.

Ngoài ra, hệ thống đường giao thông nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa phát triển đồng đều và bền vững, với quy mô nhỏ và một số cầu dân sinh không đảm bảo khả năng chịu tải, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và sản phẩm nông nghiệp. Điều này đặt ra nhiều thách thức cần được giải quyết để nâng cao hiệu quả của việc đầu tư vào hạ tầng giao thông và đảm bảo sự phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lâm Đồng trong tương lai.