Lâm Đồng: Không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ tại các địa phương

Sự phát triển nguồn nhân lực, nguồn tri thức trẻ của Lâm Đồng đã cho thấy sự quan tâm đúng mức và những chính sách phù hợp, góp phần đưa Lâm Đồng cùng đất nước phát triển bền vững.

Sự phát triển nguồn nhân lực, nguồn tri thức trẻ của Lâm Đồng đã cho thấy sự quan tâm đúng mức và những chính sách phù hợp, góp phần đưa Lâm Đồng cùng đất nước phát triển bền vững.

Thống kê đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 288.144 thanh niên. Những năm qua, chính quyền địa phương cùng với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã không ngừng nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh niên được học tập, nâng cao trình độ, từng bước xây dựng một đội ngũ kế cận chất lượng cao, sẵn sàng hội nhập và phát triển.

Ngày 12/4, tại hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đã nêu lên mục tiêu đánh giá thực trạng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh từ các ngành kinh tế xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Qua đó thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đội ngũ trí thức, về khoa học công nghệ, về giáo dục đào tạo, về xây dựng nguồn nhân lực qua các Nghị quyết, qua các chủ trương, chính sách đã ban hành.

anh2-1726553872.jpgCon người là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Chính sách đầu tư về giáo dục

Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục. Cụ thể, hệ thống trường lớp mầm non đến đại học được đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy. Bên cạnh các hoạt động chính quy, toàn tỉnh còn đẩy mạnh các hình thức đào tạo như: Giáo dục nghề; Đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện cho thanh niên ở nhiều địa phương, nhiều hoàn cảnh khác nhau có thêm lựa chọn phù hợp năng lực. 

Không chỉ kiến thức chuyên môn, việc phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên trẻ cũng được quan tâm và phát triển như: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm; Kỹ năng sáng tạo giải quyết vấn đề…Các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tại các địa phương trên địa bàn huyện được tổ chức thường xuyên giúp thanh niên có môi trường nâng cao kỹ năng bản thân. 

Cùng với hoạt động học tập, các dự án, cuộc thi khoa học các cấp hàng năm tại các địa phương được duy trì và mở rộng quy mô. Các sở, ban, ngành liên quan chủ động phối hợp Tỉnh Đoàn duy trì tổ chức phong trào thi đua học tập, hỗ trợ thanh niên nâng cao trình độ, học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, thông qua các hội thi như: Hội thi Tin học trẻ; Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng; Olympic tiếng Anh; và các chương trình sinh hoạt chính trị định kỳ dành cho các đoàn viên, thanh niên tại địa phương trên địa bàn tỉnh. 

458286931-895448455941402-4856100817301101876-n-1726554031.jpgBuổi sinh hoạt chính trị của huyện Đoàn Di Linh.

Những tấm gương tri thức trẻ

Đoàn Đức Anh, Thôn 1, xã Hoà Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã thành công với mô hình nuôi cấy lan rừng, đem lại thu nhập  cao mỗi năm. Với sự cần cù, chịu khó học hỏi, tận dụng khí hậu phù hợp của địa phương cũng như áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất anh đã xây dựng được phòng mô với diện tích 1.200 m2 và hai vườn ươm với diện tích 6.000 m2. Nhiều loại lan rừng bản địa đang được nuôi cấy như Kiều vuông Lộc Bắc, Kiều mỡ gà Lâm Đồng, Kiều tím Yên Tử, Kiều dẹt, Dendro Xuân... 

456303693-885764516909796-1446165409260157314-n-1726554226.jpgAnh Đoàn Đức Anh sản xuất ra hàng loạt những cây lan rừng bằng ưu thế cấy mô.

Anh Đoàn Đức Anh cho biết: “Lan rừng được nuôi cấy mô tùy theo từng giai đoạn mà có giá khác nhau. Cây mô có giá 5 ngàn đồng, cây sau khi được tách ra, trồng giai đoạn lớn có giá từ 100 - 250 ngàn đồng/chậu, rẻ hơn nhiều so với mua lan tự nhiên. Nhờ mức giá phải chăng nên các giống lan nuôi cấy mô của anh Đức Anh được nhiều khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm, vườn lan của gia đình thu về khoảng gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, cho lãi ròng trên 1 tỷ đồng”. Ấp ủ trong thời gian tới, vườn lan sẽ xây dựng được tổ hợp tác trồng lan rừng bằng nuôi cấy mô, xây dựng được thương hiệu cũng như bảo tồn được giống lan quý hiếm. Là thanh niên tri thức trẻ tiêu biểu, anh Đức Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều bạn trẻ muốn lập nghiệp bằng mô hình này. Đến nay, mô hình trồng lan nuôi cấy mô của gia đình anh cũng tạo được công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.

2824-z2151655664243-4c0918107cb66c56b783570e834e0cb2-1726554405.jpgVườn lan YSA Orchid Farm của anh Phan Thanh Sang. 

Phan Thanh Sang (TP Đà Lạt, chủ của YSA Orchid Farm) là một thanh niên tiêu biểu điển hình không chỉ của tỉnh Lâm Đồng mà của cả nước. Từ số vốn 200 triệu đồng của bố mẹ để khởi nghiệp năm 2007, Thanh Sang làm phòng thí nghiệm để nghiên cứu, nhân giống hoa lan. Đến nay, anh đã xây dựng được thương hiệu hoa lan cho riêng mình và sở hữu 3 trang trại trồng lan công nghệ cao tại Đà Lạt, Đơn Dương và tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích lên đến 10ha, doanh thu 60 tỉ đồng/ năm. 

Để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các ngành Giáo dục tỉnh tạo ra môi trường thuận lợi cho các bạn trẻ với nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo, tư vấn. Từ đó, các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên hơn nhằm ươm mầm những ý tưởng sáng tạo phát triển. 

Với những nền tảng đã có, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang hướng tới mục tiêu xây dựng một tình Lâm Đồng giàu mạnh, văn minh, hiện đại, trong đó thế hệ thanh niên trí thức trẻ đóng vai trò quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, toàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống giáo dục, đào tạo, tạo ra môi trường sống, sinh hoạt, làm việc ngành càng cải thiện hơn cho thanh niên.