Trong 10 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt 2,076 tỷ USD, tăng trên 500% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê từ đầu năm 2023 tới hết tháng 10, Trung Quốc đã chi hơn 2 tỉ USD nhập 452.000 tấn sầu riêng của Việt Nam theo đường chính ngạch, tăng 3.190% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của trái sầu riêng Việt Nam chiếm đến 1/3 tại thị trường Trung Quốc và 2/3 còn lại thuộc về Thái Lan. Do hiện nay sầu riêng nhiều địa phương đã kết thúc hoặc vào cuối vụ nên Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, giá trị xuất khẩu sầu riêng năm 2023 có thể đạt 2,3 tỷ USD.
Tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, diện tích sầu riêng tiếp tục tăng mạnh với hơn 20 ngàn ha, tăng hơn 3.200 ha với năm 2022. Trong đó, diện tích kinh doanh gần 11 ngàn ha, sản lượng đạt gần 124 ngàn tấn. Đến nay, Lâm Đồng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 33 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng cho sầu riêng trên diện tích hơn 2 ngàn ha với 683 hộ sản xuất, đạt sản lượng hơn 75 ngàn /năm.Tuy nhiên, ngành chức năng Lâm Đồng khuyến cáo, các địa phương không nên tự ý mở rộng diện tích sầu riêng, nhất là các địa bàn có điều kiện canh tác không phù hợp mà nên tập trung chăm sóc diện tích sầu riêng sẵn có để nâng cao chất lượng, giá trị sầu riêng Lâm Đồng.
Theo báo cáo từ Sở Công thương Lâm Đồng, về tình hình xuất khẩu từ đầu năm 2023 tới ngày 8/12, sầu riêng địa phương xuất khẩu chính ngạch đi các nước, chủ yếu là thị trường Trung Quốc đạt 101 triệu USD, chỉ đứng sau mặt hàng cà phê (đạt trên 173 triệu USD); rau, củ, quả đạt trên 86 triệu USD; tơ thô đạt 70,34 triệu USD.
Tới hết tháng 7/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 35 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó, gồm 33 mã số vùng trồng sầu riêng, diện tích 2.135,2 ha với 683 hộ sản xuất, đạt sản lượng 75.001,3 tấn/năm và 2 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 111 ha.