Làng nghề hoa giấy Phù Đổng: Từ truyền thống đến hiện đại

Hơn hai thập kỷ trước, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, chỉ có vài hộ gia đình bắt đầu bước chân vào nghề trồng hoa giấy. Thời đó, người dân chủ yếu trồng các giống hoa giấy nội địa với kiểu dáng đơn giản, mang đậm nét truyền thống. Thế nhưng, nhờ vào sự khéo léo của đôi tay và khối óc sáng tạo của con người, cùng với điều kiện đất bãi sông trù phú, cây hoa giấy dần dần ăn sâu, bén rễ tại Phù Đổng, trở thành một nghề chính của địa phương này.

 

hoa-giay-1718351321.jpg
Hoa giấy đem lại thu nhập ổn định cho người dân Phù Đổng

Hiện nay, xã Phù Đổng có tới 500 hộ gia đình trồng hoa giấy, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Ban đầu, người dân chỉ trồng hoa giấy với hai màu truyền thống và kiểu dáng đơn giản. Nhưng với sự nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường, họ đã ghép nhiều giống hoa giấy nổi tiếng trên thế giới vào một gốc, cắt tỉa thành nhiều kiểu dáng bonsai khác nhau. Nhờ vậy, mỗi cây hoa giấy có thể nở ra từ 5 đến 7 loại màu sắc khác nhau và có nhiều thế đẹp mắt như dáng đổ, dáng trực, dáng hoành, dáng huyền, phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, nghinh phong…

Các nhà vườn ở Phù Đổng còn sở hữu những bí quyết chăm sóc giúp hoa nở gần như quanh năm, lâu tàn và ít rụng cánh khi vận chuyển đi xa. Mỗi sản phẩm như thế được bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng, không chỉ tiêu thụ ở Thủ đô mà còn lan tỏa đến khắp các tỉnh thành trong nước, thậm chí xuất khẩu sang các nước như Lào, Malaysia.

Tháng 11 năm 2020, xã Phù Đổng đã được công nhận làng nghề cây cảnh hoa giấy, một trong những làng nghề có diện tích trồng hoa giấy lớn nhất ở miền Bắc. Để tiếp tục phát triển, Phù Đổng đang triển khai đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, 293ha đất nông nghiệp đã được chuyển đổi, trong đó có 139ha trồng hoa cây cảnh, chủ yếu là hoa giấy. Giá trị thu nhập đạt trung bình hơn 900 triệu đồng/ha/năm, bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, một trong những hộ dân điển hình tại thôn Phù Đổng 1, sở hữu khu vườn rộng 6 mẫu với hơn 5.000-6.000 cây hoa giấy ở nhiều giai đoạn phát triển. Nhờ lối trồng gối, ông Hạnh luôn có sẵn cây để bán luân phiên, mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, phần lớn là lợi nhuận.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng và bán hoa giấy, Phù Đổng còn phát triển ngành nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng năm 2023 với chủ đề “Sắc hoa trên miền di sản” đã thu hút hàng ngàn lượt du khách đến thăm quan, chụp ảnh và mua sắm. Khu sinh thái Phù Đổng Green Park đạt chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm hoa giấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao, là những điểm nhấn thu hút du khách.

Phù Đổng hiện đang nỗ lực trở thành một điểm đến hấp dẫn trong các tour du lịch của huyện Gia Lâm, bên cạnh làng nghề gốm Bát Tràng, dát vàng Kiêu Kỵ, khu di tích đền thờ nguyên phi Ỷ Lan ở Dương Xá. Nhờ phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, Phù Đổng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với bình quân thu nhập đạt 73,9 triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được, đồng thời định hướng xây dựng thành phường với những tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại.

Phù Đổng, từ một vùng đất chỉ với vài hộ gia đình trồng hoa giấy, đã vươn lên trở thành một làng nghề nổi tiếng, không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan mà còn mang lại đời sống kinh tế ổn định và phát triển bền vững cho người dân nơi đây.