Thấm nhuần lời dạy của Người, hơn 60 năm qua, chính quyền và nhân dân Bát Tràng đã phấn đấu xây dựng địa phương phát triển, trở thành làng nghề tiêu biểu của Thủ đô.
Đến với Bát Tràng hôm nay, chúng tôi thấy các cửa hàng san sát với nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ liên quan đến gốm sứ; từ những gian hàng bát đĩa cao cấp, đồ trang trí mỹ nghệ đẹp mắt cho đến đồ thờ cúng, tiểu cảnh non bộ, những món đồ lưu niệm, cốc chén và các món bát đĩa bình dân. Theo Ban đại diện làng nghề gốm Bát Tràng, nhớ lời dặn của Bác Hồ, các gia đình ở Bát Tràng có vị trí mặt đường đều lùi vào 1m để đường đi rộng hơn cho xe chở nguyên liệu về làng và chở hàng hóa đi. Sau ngày Bác mất, người dân Bát Tràng đã đặt tên hai tuyến đường chính của làng là đường 20-2 (ngày Bác về thăm Bát Tràng) và đường 19-5 (ngày sinh của Bác). Bát Tràng cũng đã lập nhà tưởng niệm tại nơi Bác đứng nói chuyện với dân làng để ghi nhớ công ơn của Bác.
Đa dạng các sản phẩm gốm sứ được bày bán tại chợ gốm Bát Tràng. |
Ông Phạm Huy Khôi, Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng cho biết: “Thực hiện lời căn dặn của Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống để phát triển kinh tế bền vững. Đặc biệt, việc triển khai nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò gas vào sản xuất, nung gốm sứ đánh dấu bước đột phá trong quy mô, tổ chức, hiệu quả sản xuất gốm sứ của Bát Tràng, giúp địa phương khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm gốm sứ. Bên cạnh phát triển sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ các đời: Lý, Trần, Mạc... Sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng hiện có mặt tại nhiều thị trường lớn, như: Pháp, Nhật Bản, Italy, Hàn Quốc, Nga... Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt hơn 60 triệu đồng/năm.
Hiện, Bát Tràng đang thực hiện đề án điểm về phát triển làng nghề gắn với du lịch. Hằng năm, địa phương đón hơn 2.000 đoàn với hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua bán hàng hóa. Năm 2019, Bát Tràng được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch của Thủ đô. Việc quy hoạch, đầu tư được thực hiện theo hướng đồng bộ giúp Bát Tràng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề. Đặc biệt, địa phương hướng tới phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ: Sử dụng ứng dụng thuyết minh tự động bằng nhiều thứ tiếng; truy cập hệ thống wifi miễn phí... Địa phương cũng khuyến khích một số hộ dân chuyển sang kinh doanh các dịch vụ lưu trú, ẩm thực nhằm đa dạng hóa các hoạt động tham quan, trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới Bát Tràng.
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Bát Tràng (20-2-1959 / 20-2-2019), Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận, trong suốt những năm qua, người dân Bát Tràng thấm nhuần lời dạy của Bác đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo ra nhiều sản phẩm gốm sứ chất lượng cao, mẫu mã đẹp, được thị trường trong nước và quốc tế tin dùng. Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước cơ hội phát triển mạnh mẽ song cũng nhiều thách thức, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Bát Tràng cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, chú trọng phát triển làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng, gắn phát triển làng nghề với giữ gìn văn hóa, du lịch. Áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm gốm sứ Bát Tràng ngày càng có mẫu mã đẹp, độc đáo, chất lượng cao.