
Chia sẻ về kết quả này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Xin ông đánh giá về kết quả sau 2 đợt lấy nước vụ phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2024 - 2025 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ?
Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sản xuất 488.615 ha lúa. Để bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy, thực hiện Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thông báo lịch lấy nước gồm 2 đợt.
Đợt 1 các nhà máy thủy điện vận hành bảo đảm dòng chảy đủ để đẩy mặn, mực nước cho các trạm bơm dã chiến và các công trình đã được nâng cấp hoạt động (mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội trung bình khoảng 1,7 m). Đợt 2 các nhà máy thủy điện vận hành tối đa công suất phát điện để bổ sung nguồn nước về hạ du, mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội trung bình khoảng 1,7 - 1,9 m.
Thực tế, do tiến độ lấy nước đến trước đợt 2 nhanh hơn dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo điều chỉnh đợt 2 làm sao duy trì nguồn nước bổ sung đến hết ngày 11/2; thời gian còn lại của đợt 2 (từ 0h ngày 12/2 đến 24h ngày 14/2/2025) duy trì liên tục mực nước tại Sơn Tây ở mức 1,3 m. Sau thời gian kết thúc đợt 2, các hồ chứa thủy điện vận hành theo quy định quy trình vận hành liên hồ chứa để các địa phương hoàn thành 100% diện tích gieo cấy và phục vụ tưới dưỡng.
Tính đến hết đợt 2 (ngày 14/2), tổng diện tích đã lấy được nước là 473.941 ha, đạt 97% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Các tỉnh, thành phố chưa hoàn thành 100% diện tích như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nội tiếp tục cấp đủ nước bằng trạm bơm dã chiến hoặc đã chủ động nguồn nước.
Với kết quả trên, chúng tôi đánh giá công tác chỉ đạo điều hành lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là thành công về tiến độ và tổng lượng xả từ các hồ chứa thủy điện cho cả hai đợt là gần 3,3 tỷ m3, thấp hơn so với dự kiến ban đầu.
Sau đợt 1, kết quả lấy nước dù đạt kế hoạch nhưng khó khăn, vậy yếu tố nào khiến cho đợt 2 lấy nước đạt hiệu quả cao và ngành còn có sự điều chỉnh sớm để tiết kiệm nguồn nước xả, thưa ông?
Kết thúc đợt 1, diện tích có nước cả khu vực là 181.446 ha, đạt 37,1% diện tích gieo cấy theo kế hoạch do đất được ải, cần nhiều nước hơn. Trong thời gian giữa đợt 1 và đợt 2, các địa phương vẫn tiếp tục vận hành các công trình thủy lợi lấy nước trong kỳ triều cường Tết Âm lịch. Thời gian này, khu vực có mưa với lượng mưa phổ biến từ 5 - 25 mm, nhiều nơi đạt từ 35 - 60 mm nên diện tích có nước đến trước đợt 2 đạt 87,6%, tăng khoảng 50% so khi kết thúc đợt 1.
Trên cơ sở tiến độ lấy nước, kết quả kiểm tra thực tế tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ngày 10/2, ý kiến của các cơ quan chuyên môn và trao đổi với lãnh đạo UBND/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh, thành phố, để giảm thiểu lượng xả từ các hồ chứa thủy điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng, linh hoạt chỉ đạo điều chỉnh đợt 2 như đã đề cập trên. Việc điều chỉnh này đảm bảo các địa phương vẫn lấy đủ nước mà lại tiết kiệm tối đa lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện.
Tổng lượng xả từ các hồ chứa thủy điện phụ thuộc rất lớn vào tình hình biến động lòng dẫn sông. Sau cơn bão số 3 (năm 2024), lòng dẫn có thể đã bị biến đổi lớn. Qua tính toán trước vụ Đông Xuân năm nay, chúng tôi dự kiến tổng mức xả từ các hồ chứa thủy điện sẽ ở khoảng 3,5 - 4 tỷ m3. Thực tế lượng xả năm nay chỉ ở mức 3,3 tỷ m3, thấp hơn dự kiến từ 0,2 - 0,7 tỷ m3.
Có được mức giảm như vậy phải kể đến sự góp phần lớn từ sự nỗ lực của các địa phương và lượng mưa tương đối cao giữa 2 đợt.
Vụ Đông Xuân này có sự khó khăn trong lấy nước ở các địa phương ven biển do mặn xâm nhập mặn cao. Điều này đã tác động như thế nào vào kết quả lấy nước ở khu vực này?
Xâm nhập mặn trong vụ Đông Xuân một số năm trở lại đây có xu thế tăng cao hơn so với trước đây, ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của một số địa phương và hệ thống thủy lợi vùng bị ảnh hưởng mạnh của triều như: Hải Phòng, Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm nay nhìn chung thấp hơn so với vụ Đông Xuân 2023 - 2024 nhưng vẫn tác động đến việc lấy nước. Cụ thể, trong nửa thời gian lấy nước của đợt 1, các công trình thủy lợi của thành phố Hải Phòng và Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đều gặp khó khăn do xâm nhập mặn tăng cao, ảnh hưởng đến tốc độ lấy nước của các địa phương và tốc độ lấy nước chung của khu vực.
Tuy nhiên, đến đợt 2, với lượng xả tối đa từ các hồ chứa thủy điện, vấn đề xâm nhập mặn đã được giải quyết, mặn được đẩy ra xa tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi và các địa phương lấy nước hiệu quả hơn.
Vẫn có những công trình không lấy được nước trong 2 đợt qua. Theo ông, các địa phương cần có giải pháp gì để thời gian tới, việc lấy nước ở các công trình thủy lợi giảm sự phụ thuộc dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện?
Mực nước trên hệ thống sông Hồng trong các đợt lấy nước cơ bản phù hợp với kịch bản tính toán, tạo điều kiện các công trình thủy lợi đã được sửa chữa, nâng cấp hạ thấp cao trình lấy nước, các trạm dã chiến và các cống lấy nước vùng triều có điều kiện vận hành tốt.
Tuy nhiên, do tình trạng hạ thấp mực nước trên hệ thống sông tiếp tục diễn biến nhanh, dẫn đến các công trình chưa được đầu tư nâng cấp như cống Liên Mạc (Hà Nội), Long Tửu (Bắc Ninh) không đủ điều kiện vận hành lấy nước trong các đợt lấy nước. Ngay cả một số công trình đã được nâng cấp trước đây như Trạm bơn Đại Định và Bạch Hạc (Vĩnh Phúc) cũng chỉ có thể vận hành được khoảng 50% công suất dẫn dến hiệu quả lấy nước không cao.
Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần phải rà soát, đánh giá rút kinh nghiệm từ thực tế vận hành các công trình lấy nước trong vụ Đông Xuân, từ đó thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi lấy nước có khả năng vận hành chủ động, ít hoặc không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.
Thời gian qua, nhiều công trình đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ sản xuất hiệu quả như các trạm bơm Thanh Điềm, Đan Hoài; các trạm bơm dã chiến Phù Sa, Trung Hà (Hà Nội), trạm bơm dã chiến Xuân Quan (Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải), trạm bơm Tri Phương (tỉnh Bắc Ninh).
Về lâu dài, các giải pháp công trình và phi công trình đã được tính toán, xem xét trong Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023. Đó là xây dựng đập dâng, công trình dâng nước trên dòng chính sông Hồng; nâng cấp, xây dựng mới các trạm bơm lấy nước trên dòng chính các sông trong mùa khô tại một số vùng do mực nước sông bị hạ thấp.
Trân trọng cảm ơn ông!