Mấy cảm nhận về tập thơ “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình” của Ngô Thái

Nhà thơ Ngô Thái quê Lâm Thao, Phú Thọ, nguyên Chủ tịch hội cựu TNXP tỉnh Phú Thọ, đội phó đội TNXP 253 Anh hùng, nguyên Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật tỉnh Phú Thọ. Ông có 5 tập thơ, do các nhà xuất bản Văn học, Thanh niên và NXB Hội Nhà  văn ấn hành.

bia-tap-tho-ben-tho-tron-nghia-vuong-tinh-cua-ngo-thai-1726755484.jpg

Bìa tập thơ TRòn nghĩa vuông tình của Ngô Thái.

 

Ông là người từng trải, đã ngoại bát tuần. Cuộc đời đã trải qua bao gian nan trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tham gia thanh niên xung phong giúp bạn Lào mở đường cho xe ra tiền tuyến những năm bom đạn ác liệt...

Ông chỉ làm thơ sau khi đã nghỉ hưu kể từ năm 2000, song sự nghiệp sáng tác của ông cũng khá đồ sộ, chứng tỏ ông là người nhạy cảm, có tâm hồn phong phú, có trách nhiệm với đời. Năm 2024, Ông lại chuẩn bị cho ra đời tập thơ mới nhan đề “Bến thơ tròn nghĩa vuông tình”. Đây là một tập thơ đa dạng về thể loại, nhiều đề tài, gửi gắm nhiều cung bậc cảm xúc. Trong đó nhiều bài thơ thất ngôn bát cú đường luật khá thành công.

Tập thơ gồm 5 phần, gồm 153 bài thơ đủ loại. Ngay phần đầu tập thơ là loạt bài về Bác Hồ Kính yêu và Đảng quang vinh. Đây là lòng tri ân vô hạn đến lãnh tụ với những tình cảm chân thành, những vần thơ đầy xúc động:
“Bác là hình bóng non sông
Bác như ánh sáng vừng đông chân trời”
“Trong Lăng tỏa ánh mặt trời
Vầng trăng thơ Bác…vẫn ngời sắc Xuân”. –
                              (Nguyên  tiêu nhớ Bác.)

Có lẽ, với Ngô Thái, quê hương luôn gắn bó với hình ảnh tần tảo của người mẹ, người cha trong cuộc sống lữ thứ mưu sinh trần thế. Rất nhiều bài thơ ông viết về đấng sinh thành với sự biết ơn sâu sắc đến ngậm ngùi:
“ Quanh năm dáng Mẹ đồng quê
Nẻo đường khuya sớm đi về bóng Cha
Hồn quê sâu đậm thiết tha
Ngọt ngào câu hát dân ca mỗi chiều.”
                                      ( Hồn quê.)

Những vần thơ của một thời gian khó làm ta ứa lệ
“ Bùi ngùi nhớ tới Mẹ, Cha
Bữa cơm mùa gặt gọi là có thôi
Con đông, sắn ghế đầy nồi
Bữa thường chỉ một lần xơi gọi là...
                                       (Bùi ngùi)”

Hồn thơ ông bắt nguồn từ lời ru của mẹ, từ những cánh cò bay lả giữa trưa hè, trong bài “Hồn thơ” ông viết:
“Có phải hồn thơ bắt nguồn từ lời ru của Mẹ
Tiếng ầu ơ vang vọng giữa trưa hè
Bên cánh võng đưa ta vào giấc ngủ
Mơ cánh cò bay lả...bờ tre...?  (Hồn thơ).

Lời ru của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, để bây giờ đơm hoa kết trái thành những vần thơ thấm đẫm tình người tình đất trung du.

Quê hương với Ngô Thái cũng như bao người khác, cũng là dòng sông, thảm lúa, cánh diều...những trò nghịch ngợm của con trẻ. Hơn thế nữa, quê hương còn là bóng dáng người thân yêu, những lời thề thốt, không chỉ ngọt bùi mà còn pha nhiều cay đắng...
“Bao nhiêu tháng đợi năm chờ,
Lời thề gió thoảng… nên giờ quặn đau
Lỡ duyên ước hẹn cùng nhau,
Hỏi ai còn nhớ những câu ân tình ?”
                              (Sông quê).

Đúng như tục ngữ “ lời nói gió bay” nên nỗi “ quặn đau” còn mãi.

Những vần thơ về mẹ là tiếng lòng nức nở của người con, thương mẹ tần tảo một thời nuôi con khôn lớn. Những vần thơ đẫm cả mồ hôi và nước mắt xót xa. Khi con khôn lớn và trưởng thành thì mẹ đã đi xa, không còn cơ hội để báo hiếu nữa:
“ Khi con trưởng thành mẹ đã đi xa…
Để nỗi nhớ thương dài theo năm tháng
Tóc chớm bạc mỗi khi trời trở gió
Se sắt  lòng…thương mẹ thuở xa xưa …
                                 (Bài thơ dâng mẹ)
Những vần thơ tràn đầy nước mắt khi trở về, mẹ không còn nữa:
“ Lời Mẹ con khắc vào tim
Dọc ngang trời đất kiếm tìm vinh quang
Đến khi con được được vẻ vang
Trở về bên Mẹ…khăn tang trắng đầu”
(Mẹ ơi)

Những bài thơ viết về tình đồng đội, là ký ức về một thời cầm súng vượt Trường Sơn. Những quyết tâm thư bằng máu ; Những nụ hôn đầu vội vã trước lúc lên đường, được tái hiện qua những vần thơ bất hủ
“ Cánh rừng xa đất Mẹ các anh nằm
Chưa về được bên mái đầu tóc bạc
Thắp nén tâm hương, mà lòng đau thắt
Chốn vĩnh hằng - nơi tĩnh lặng thanh cao…” -
                                           (Tình đồng đội.)

Giữa nơi bom đạn ác liệt vẫn có những tình yêu lãng mạn bùng cháy như một niềm tin vào thắng lợi ngày mai
“ Tạm biệt nhau đêm ấy trời mưa
Nụ hôn đầu trao nhau vội vã
Đêm Trường Sơn gối đầu  lên phiến đá
Lại nhớ về mềm mại cánh tay em”
                                      (Khát vọng).

Trong bài thơ “ Vầng trăng và người lính Trường Sơn” có những câu thơ làm ta liên tưởng đến câu thơ “ đầu súng trăng treo” của nhà thơ Chính Hữu:
“Lán thưa trăng gác bên thềm
Canh cho người lính êm đềm mộng mơ…”

Có lẽ, vầng trăng và người lính là đề tài muôn thuở vì sự lãng mạn, nhưng cũng là nó còn hàm chứa một triết lý sâu xa rằng – cuộc chiến của ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa- vì hòa bình...

Sở trường của Ngô Thái là thơ tình lãng mạn. Tuy ngoại bát tuần nhưng tâm hồn ông rất trẻ trung yêu đời. Những vần thơ ông viết toát lên sự trẻ trung, lãng mạn không hề gượng ép. Trong hình hài của ông già là một chàng trai đang yêu. Yêu đất, yêu cảnh, yêu người... Cụ thể và bao la.
Trong bài “Thu hồ Tây “ông viết:
“Hồ Tây cảnh sắc  đẹp mơ màng
Cảm xúc dâng trào dạ xốn xang
Sánh bước bên em chiều tĩnh lặng
Tưởng như lạc bước giữa thiên đàng”.

Đúng là cảm xúc của một người đang yêu. Nhớ tới câu thơ của tác giả Lê Quang Vinh ( Hội VHNT Việt Trì - “ Đêm bên em thành phố hóa thiên đường”, thật là đồng điệu.

Ông viết rất nhiều bài thơ về mùa thu. Có lẽ, mùa thu làm cho lá đổi màu, và rơi theo gió để lại bao nỗi niềm bâng khuâng nuối tiếc. Thu là mùa của mất mát, chia ly... Nhưng cũng là mùa của tình yêu và hy vọng. Thu đi vào thơ ca nhạc họa một cách tự nhiên, man mác mà đắm say...

Những cái tên : Thu Hà Nội, Thu hồ Tây, sắc thu, hương thu, thu và em, làm cho tập thơ tràn đầy hương sắc mùa thu
“ Vàng khắp đất trời một sắc thu
Xua  tan mây ám…gió âm u
Má em chín  ửng làn môi mọng
Hút cả hồn anh… theo lá ru”-
                               (Sắc thu.)
“Xanh thẳm trời thu trong mắt em
Hồ gươm gợn sóng liễu buông  rèm
Hương thu phảng phất vương làn tóc
Buông xuống mặt hồ cũng đẹp thêm”-
                                       (Hương thu.)

“Thu đến bên em thật dịu dàng
Má hây hây đỏ gió dềnh dang
Trời thu bảng lảng xanh màu mắt
Lắng đọng hồn ai chợt ngỡ ngàng”-
                                      (Thu và em.)

Phải nói rằng Ngô Thái rất nhạy cảm với mùa thu, hay nói một cách khác là Ngô Thái rất yêu mùa thu. Ông tìm thấy nhiều cảm xúc trong thu. Đó là sự trẻ trung, và lãng mạn của cái tuổi lại xuân, tựa như bông hoa đào nở trên gốc đào cổ thụ để lại cái đẹp vĩnh hằng trong tâm hồn nhân thế. Đỉnh cao là bài Vớt Trăng.
“ Đáy hồ có mảnh trăng rơi
Với tay khỏa nước em ngồi vớt trăng

Vớt lên những tháng những năm
Lung linh dát bạc ánh trăng đáy hồ

Chòng chành trăng lặn trong mơ
Thức bao nhiêu nỗi đợi chờ… không anh!”

Bài thơ như vẽ. Cảnh người thiếu nữ đang vớt trăng bên hồ nước. Một cái gì đó mong manh, dễ tuột mất. Thực mà như ảo. Có mà như không. Đẹp lung linh, gần gũi mà xa vời...

“ Vớt lên những tháng những năm” là câu thơ đầy trải nghiệm. Những kỷ niệm đẹp đi cùng năm tháng, tưởng đã nắm trong bàn tay mà khi xòe ra chỉ còn là sắc sắc- không không. Khao khát, hy vọng và hụt hẫng. Cuối cùng chỉ còn “ trăng lặn trong mơ”, “ Thức bao nhiêu nỗi đợi chờ... không anh”. Đêm khuya vắng lặng, cô đơn, chỉ còn nỗi nhớ là thao thức cùng trăng. Thơ mà như vẽ. Rất ít câu từ mà tải cõng bao nỗi niềm, bao cung bậc cảm xúc. Thật tài hoa.

Trong phần “Tình thơ lãng mạn”  có rất nhiều bài thơ tình thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc tình yêu.

“Hoa chuối rừng chớp lửa
Mây như là khăn thêu
Thấp thoáng hình sơn nữ
Mộng mơ trong rừng chiều”-
                         (Ngày ấy)

“ Thu đã đến nồng nàn hương cốm
Tình đôi ta dìu dặt lúa đồng
Người con gái anh yêu say đắm
Ngọt mềm câu hát chờ mong”

Phải nói rằng thơ tình của Ngô Thái rất trẻ trung, say đắm. Cách sử dụng ngôn từ của ông rất mềm mại và tình tứ, gợi cảm.

Cách tu từ của ông gần gũi mà vẫn hào hoa, phong nhã.
Một loạt bài thơ tình lãng mạn được ông thỏa sức thăng hoa trong phần này. Thể hiện sức viết, sự sáng tạo, những cảm xúc yêu thương, lòng trắc ẩn trước cuộc sống muôn màu. Mỗi bài thơ là một sắc thái biểu cảm của một tâm hồn nhạy cảm, phong phú.
“ Xuân ban mai, Vườn duyên, Dáng liễu, Lỡ hẹn, Tàu đêm, Thiên đường tình yêu, Khát...”
“ Tình nồng khát một giấc mơ  
Gặp em trong mộng vần thơ...ngọt ngào..
Hồn thơ ai đã gửi trao...  
Đêm đông...khát...một vì sao giữa trời.! 
                                              (Khát)

Sự khao khát ấy đã làm nên một hồn thơ Ngô Thái đầy lãng mạn.

Bài thơ “Hoa gạo” ông viết trong những ngày ở bệnh viện đã thể hiện một sự lạc quan, yêu đời cũng là một tín hiệu đáng mừng cho biết là ông đã trở lại thi đàn nguyên vẹn như xưa
“ Bồi hồi môi chạm bờ môi
Má em ửng đỏ. Mây trời ngẩn ngơ
Rực trời hoa gạo mở cờ,
Tim ai loạn nhịp... thẫn thờ… chơi vơi!”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, một Ngô Thái đa tình và lãng mạn với trái tim loạn nhịp... Thẫn thờ... Chơi vơi, khi bờ môi chạm bờ môi, khi má em ửng đỏ khiến mây trời cũng phải ngẩn ngơ. Bạn đọc mừng cho ông, mừng cho cây bút thân quen đã trở lại thi đàn.

Ngô Thái nguyên là chủ tịch chi hội thơ đường luật tỉnh Phú Thọ. Trong tập thơ này phần 4 là những bài thơ đường luật. Từ bài 132 đến bài 153.

Thơ đường luật của Ngô Thái cấu tứ rõ ràng, niêm luật chặt chẽ, đối ngẫu “tương đối” chuẩn. Lỗi bệnh ít. Đôi khi mắc lỗi phong yêu, hạc tất và trùng thanh của câu vận làm giảm tính nhạc điệu của bài thơ.

Chủ đề của phần 4 cũng rất đa dạng. Cảm xúc tinh tế.
Thơ Đường luật có nhiều quy định khắt khe nên là thể loại thơ khó, khiến nhiều người nản chí.

Mở đầu phần thơ đường luật là bài “ Ngân vang vùng Đất Tổ”:

Đất Tổ vang hòa khúc hát ngân
Bốn phương hội tụ đẹp muôn phần
Dâng hương Quốc Mẫu tôn công đức
Kính lễ Vua Hùng đáp nghĩa ân
Tín ngưỡng ngàn đời thơm thắm đượm
Tâm linh vạn thuở sáng trong ngần
Bảo tồn Di sản chung nhân loại
Đất Tổ vang hòa khúc hát ngân.

Trong 5 yếu tố cơ bản làm nên một bài thơ Đường luật thì đối ngẫu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Người ta ví thơ đường luật mà không đối chẳng khác nào ăn bánh không nhân.

Trong bài thơ trên thì hai cặp đối thực luận rất chuẩn. Đối thanh, đối ý, đối từ loại.

Đó chỉ là kỹ thuật làm thơ. Bài thơ đúng kỹ thuật chưa chắc đã hay. Làm nên bài thơ hay phải hội tụ đủ 5 yếu tố hay, đó là : ý, tứ, hình tượng, trữ tình, nhạc điệu. Thơ Ngô Thái rất giàu hình ảnh, đậm chất tình, nhiều bài “ngôn tại ý ngoại” khiến người đọc có nhiều cảm xúc.

Mỗi bài Đường luật của Ngô Thái là một cảm xúc khác nhau về những vấn đề của cuộc sống mà ông bắt gặp. Từ tâm linh cội nguồn, di tích lịch sử, cảm xúc yêu thương, lòng trắc ẩn, những ký ức xa xưa một thời gian khó,... Được ông tái hiện thành những vần thơ có sức lôi cuốn, lay động

TÌNH BẠN
“Y hẹn thăm anh, đón khách mời
Thoả lòng mong đợi nhớ đầy vơi
Thoảng mùi Thạch Thảo* vương làn tóc
Ngát vị trầm hương quyện gió trời
Cặp má ửng hồng ngời vẻ đẹp
Làn môi dịu ngọt thắm mầu tươi
Căn phòng dung dị chờ em đó
Hoa trái vườn nhà gió lả lơi.!”

Bài thơ đầy thi vị. Khách là người bạn gái mà chủ nhà “ mong đợi nhớ đầy vơi”. Người bạn gái đẹp, tóc thơm mùi hương thạch thảo, hương trầm, đôi má hồng, môi dịu ngọt, đỏ thắm. Đủ biết tác giả trân trọng tình bạn này đến nhường nào.

Hai câu kết để lại bao cảm xúc.
“Căn phòng dung dị chờ em đó
Hoa trái vườn nhà gió lả lơi”

Sự dản dị và chân thành của chủ nhân đón khách. Không diêm dúa, không hoa lá cành. Chỉ có ngọn gió “ lả lơi” đã điểm huyệt cho bài thơ này. Nhớ một câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du đoạn tả Kim Trọng và Thúy Kiều tình tự : “ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”. Hai từ “ lả lơi” gợi cho ta cảm xúc rằng gió đang mơn trớn làm lay động, đung đưa hoa trái trong vườn nhà. Đó là tả thực, nhưng còn một ý ẩn dụ nữa là tình cảm nam nữ đang trỗi dậy trong lòng.

Bên cạnh những bài thâm thúy, ông có những bài thơ rất chân chất, chân quê, mộc mạc nói lên tình cảm của mình với bạn bè ở cái tuổi bát tuần có lẻ. Niềm vui sướng cũng giản dị như con người ông vậy.

“ Một thời chinh chiến đã đi qua
Nhiều việc tham gia lúc tuổi  già 
Thăm hỏi  động viên đồng đội cũ
Sẻ chia khích lệ bạn bè xa…” –
(Bài ngát hương hoa)

Thưa quý vị và các bạn, chúng ta đã đi qua các phần của tập thơ này và cảm nhận được tình cảm của tác giả Ngô Thái qua các bài thơ. Vì điều kiện thời gian nên chỉ trích lược một số bài thơ tiêu biểu để phân tích. Còn nhiều bài thơ hay khác xin kính mong quý vị và các bạn tìm đọc trong tập thơ này.

Người ta nói “ Văn là người”, hy vọng quý vị tìm được chân dung Ngô Thái qua tác phẩm của ông. Kính chúc tác giả và các quý vị luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc.