Dễ xảy ra những vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, sau hơn 35 năm hình thành và phát triển các khu công nghiệp, và 18 năm phát triển các khu kinh tế, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho đông đảo công nhân lao động cả nước. Các khu công nghiệp, khu kinh tế trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính đến hết năm 2023, cả nước đã có 416 khu công nghiệp được thành lập (có 4 khu chế xuất), trong đó có 296 khu đã đi vào hoạt động và 119 khu đang trong quá trình xây dựng. Cả nước hiện có 44 khu kinh tế, trong đó có 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh biên giới đất liền, 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố ven biển.
Tính đến cuối năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho trên 4,15 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ (chiếm 41,3%) và vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 30,3%).
Nhằm phát huy vai trò, vị trí của công đoàn các khu công nghiệp, ngày 22/6/2018, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành Quyết định số 1151/QĐ-TLĐ về việc thí điểm thành lập Mạng lưới công đoàn các khu công nghiệp.
Đây là là mô hình đặc thù, liên kết mềm, không có bộ máy cán bộ hoạt động chuyên trách, không có tư cách pháp nhân, không lập quỹ riêng; hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự giác, có trách nhiệm, cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn các khu công nghiệp.
Mạng lưới có Ban liên lạc gồm 9 thành viên, được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ban hành quyết định công nhận để triển khai các hoạt động trong phạm vi công đoàn các khu công nghiệp. Nhân sự tham gia Ban liên lạc là đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp, cơ cấu có tính đại diện các khu vực, gồm trưởng ban, phó trưởng ban, các thành viên và thư ký giúp việc.
Trưởng ban và phó trưởng ban được sử dụng con dấu của công đoàn các khu công nghiệp nơi mình công tác để phát hành các văn bản chỉ đạo, triển khai hoạt động của mạng lưới theo quy chế.
Ban liên lạc là đầu mối truyền tải, tập hợp thông tin hoạt động; đề xuất kế hoạch hoạt động của mạng lưới; tập hợp, báo cáo định kỳ nội dung, kết quả hoạt động của mạng lưới; chủ động tổ chức các cuộc họp để xây dựng kế hoạch hoạt động, tập hợp các kiến nghị, đề xuất của các thành viên, kịp thời báo cáo Tổng Liên đoàn để chỉ đạo giải quyết.
Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: "Các khu công nghiệp dễ xảy ra những vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị các địa phương. Do vậy lãnh đạo tổ chức Công đoàn các khu công nghiệp cần chủ động nắm tình hình đoàn viên, người lao động. Đặc biệt phải có kế hoạch tuyên truyền vận động để công nhân, người lao động tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn".
Người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam đề nghị công đoàn các khu công nghiệp chú trọng tập trung phong trào "lao động giỏi, lao động sáng tạo" tại các doanh nghiệp; phải chú trọng tính hiệu quả trong các hoạt động.
Cần đẩy mạnh công tác thương lượng tập thể
Công nhân lao động Việt Nam làm việc trong các khu công nghiệp rất năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Việc làm của công nhân tương đối ổn định, tập trung trong các ngành công nghiệp điện tử, lắp ráp ô tô, mô tô, may mặc, giày da, chế biến thủy sản...
Tuy tiền lương người lao động đã được điều chỉnh tăng so với trước đây, cơ bản đạt mức lương tối thiểu vùng theo quy định, song so với cường độ lao động và sự tăng nhanh về giá cả dịch vụ trên thị trường, thì tiền lương chưa tương xứng với sức lao động, chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Đời sống của công nhân lao động, nhất là người trực tiếp sản xuất, còn gặp nhiều khó khăn.
Tại các doanh nghiệp, đang diễn ra tình trạng chênh lệch lớn về thu nhập giữa cán bộ quản lý với công nhân trực tiếp sản xuất. Một bộ phận công nhân lao động trong các ngành dịch vụ, các doanh nghiệp trong nước quy mô vừa và nhỏ có mức thu nhập quá thấp.
Đại diện lãnh đạo công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng... cho rằng, để nâng cao đời sống người lao động, một trong các giải pháp cần đẩy mạnh là việc nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, tăng cường đối thoại để giải quyết các tranh chấp lao động nếu có.
Tuy nhiên, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn tồn tại việc ký kết hợp đồng lao động còn hình thức, kéo dài thời gian thử việc, xử lý kỷ luật, sa thải công nhân một cách tuỳ tiện... đã ảnh hưởng đến đời sống và khả năng sinh kế của người lao động và gia đình họ.
Bên cạnh đó, có thực trạng nhiều doanh nghiệp chưa thật sự chú trọng đối thoại thương lượng tập thể; công tác tiền lương tại doanh nghiệp còn thiếu công khai, minh bạch; doanh nghiệp chưa xây dựng được kế hoạch về thương lượng tập thể...
Do đó, theo đại diện công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, cần phải củng cố đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao công tác đối thoại, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Trưởng Ban liên lạc Mạng lưới cho biết, trong 5 năm qua, Ban liên lạc đã hỗ trợ hoạt động kết nối cán bộ công đoàn các khu công nghiệp toàn quốc, có sự ủng hộ, hỗ trợ của LĐLĐ tỉnh, thành phố trong các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các nhân tố cán bộ công đoàn, công đoàn cơ sở điển hình trong hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.