BB

 Mình đã xin thôi học Đại học báo chí và thi chuyển trường viết văn Nguyễn Du như thế nào ?

avatar
Như chuyện trước đã kể: Giữa năm 1984, trong một lần từ Lạng Sơn, trực tiếp mang bài và ảnh nóng về Hà Nội nộp cho Tòa soạn, mình đã may mắn được Báo Quân đội Nhân dân xét chọn và giới thiệu với Trường Tuyên huấn Trung ương 1, để thi tuyển sinh vào lớp đào tạo Đại học Báo chí, 1984 – 1989. Đã trúng tuyển và nhập học Lớp Báo viết, khóa VI. Đó là một vinh dự rất lớn, mà không phải người làm báo trẻ nào thời ấy cũng có được!
dt1dvh1-1724660008.jpg
 

Nhưng cũng vì đây là Trường Tuyên huấn Trung ương, nên thời gian đầu nội dung các môn học rất nặng về chính trị và lý luận. Vốn là một “chân chạy” quen tự do thoải mái, mình toàn trốn học, cùng bạn bè đi các đơn vị cơ sở viết bài để gửi đăng các báo chí. Hầu như tuần nào cũng có bài được đăng. Điều đó, vô tình đã gây khó chịu cho một số đồng môn. Một lần, mình cùng anh Nguyễn Xuân Phú (phóng viên Báo Hà Bắc đi học, sau Phú về làm việc tại Báo Thương mại) là bạn cùng Lớp Báo viết, vừa trốn ra ngoài trường, thì bị Ban quản lý lớp lập biên bản “Học viên mất tích” báo cáo nhà trường. Sự việc lùm xùm một thời gian, rồi cũng êm xuôi và đâu vào đấy. Nhưng tự nhiên, mình có cảm giác gò bó, lạc lõng và bị mất hứng học tập.

dt2dvh2-1724660078.jpg
 

Trước đó, năm 1984, mình đã may mắn được Giải A về Thơ, trong cuộc vận động sáng tác Văn – Thơ và Ca khúc cho Thanh niên (1981 – 1983), do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (Nhà thơ Vũ Quần Phương là Thường trực Ban Giám khảo, Nhà thơ Xuân Diệu làm Chủ tịch Hội đồng Chung khảo). Mời đọc thêm qua link nội dung bài viết cùng chủ đề: https://www.facebook.com/share/p/3iM9n9cNN3tfchbu/?mibextid=oFDknk. Do đấy là Giải A duy nhất (Văn và Ca khúc chỉ có Giải B) nên Đặng Vương Hưng được coi là “Thủ khoa” của cuộc vận động sáng tác, nhân kỷ niệm 50 năm thành thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Vinh dự, tự hào và hạnh phúc vô cùng!

Tháng 12/1985, mình được Nhà thơ Hữu Thỉnh ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội giới thiệu và vinh dự cùng đoàn Nhà văn Quân đội tham dự Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ III.

dt3dvh3-1724660139.jpg
 

Những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ và không khí của Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ III đã tiếp thêm cảm hứng sáng tạo và năng lượng tích cực cho những cây bút trẻ như mình. Nhưng cũng thời gian đó, Nhà thơ Xuân Diệu đột ngột qua đời. Mình là một trong 5 thành viên của Hội nghị xung phong đi vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô làm thủ tục khâm liệm xác, rồi đưa quan tài về 51 Trần Hưng Đạo (trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) và phục vụ tang lễ cho ông “Vua Thơ tình Việt Nam”. Những hình ảnh lễ tang nhà thơ Xuân Diệu đã gây ấn tượng mạnh và khiến mình đi đến một quyết định quan trọng: Cần phải chuyển đổi đến môi trường học tập khác, chuyên sâu về sáng tác văn học!

Đó chính là thời gian Trường Viết văn Nguyễn Du (Khoa Sáng tác, thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội) bắt đầu chuẩn bị tuyển sinh Khóa 3, 1986 - 1989. Mình đã viết đơn và nộp hồ sơ xin thi. Hồi đó, các học viên của Trường Viết văn Nguyên Du hầu hết là những cây bút đang viết sung sức, thậm chí nhiều người đã thành danh, với hàng chục cuốn sách được in. Giảng viên được mời cũng là những Giáo sư, Tiến sĩ, Chuyên gia đầu ngành của một lĩnh vực nghiên cứu nào đó, hoặc một Văn nghệ sĩ có tác phẩm nổi tiếng.

dt4dt4a-1724660181.jpg
 

Tuy nhiên, để hoàn thành hồ sơ nộp cho Hội đồng Tuyển sinh của Trường Viết văn Nguyễn Du ngày đó với mình là cả một vấn đề. Vì đang là một cán bộ sĩ quan Quân đội cử đi học trường bên ngoài, do Đoàn 871 chu cấp nuôi dưỡng. Muốn thay đổi, thì thủ tục, quy trình rất chặt chẽ, phải làm đơn, báo cáo, đề xuất qua nhiều cấp, nhiều đơn vị, với nhiều chữ ký, đóng dấu… mới được phép dự thi. Nếu thi đỗ, trúng tuyển thì mới xin chuyển trường được. Thêm nữa, mình đang là một học viên Báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương danh giá, đã nhập học được 2 năm, lại đột ngột tự xin thôi học, hình như chưa có tiền lệ. Chắc gì Trường Truyên huấn Trung ương đã đồng ý giải quyết cho đi?

Ơn giời, nhờ sự cố gắng nỗ lực của bản thân và trợ giúp của nhiều người tốt bụng, mình đã thi đỗ, xin chuyển từ Lớp Báo viết Khóa 6 Trường Truyên huấn Trung ương 1, sang học Khóa 3 (1986 – 1989) Trường Viết văn Nguyễn Du, thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội. Chính từ nơi đây, nhiều thế hệ học viên đã trưởng thành, trở thành những Nhà văn, Nhà báo, đã và đang ghi dấu ấn quan trọng trong đời sống văn chương, báo chí của đất nước, góp phần lan tỏa giá trị tri thức và phong cách cùng những năng lượng tích cực, mang tên đại thi hào Nguyễn Du.

Hồi ấy, theo quan điểm của thày Hiệu trưởng - Học giả Hoàng Ngọc Hiến, tác giả của thuật ngữ “hiện thực phải đạo” lừng danh, thì Trường Viết văn Nguyễn Du luôn mời những người giỏi nhất nước đến giảng dạy: Những khóa đầu tiên, trường từng đón các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Xuân Diệu, Vũ Quần Phương, Ma Văn Kháng; các học giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện, Từ Chi, Đặng Thai Mai, Đặng Nghiêm Vạn, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú... và nhiều tên tuổi lớn khác.

Dĩ nhiên, học viên của Trường Viết văn Nguyễn Du cũng có nhiều người xuất sắc. Ngay từ khóa 1 đã có những tên tuổi lẫy lừng của văn học nước nhà: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Ðỉnh, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Đỗ Thị Hiền Hòa, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh… Sau này, có khoảng 60 học viên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt, có người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều người đươc Giải thưởng Nhà nước.

Cùng học khóa 3 với mình hối đó có nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, tác giả của bài thơ “Gặp lại các em” - Giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1981 – 1982. Chặng sau, anh được cử sáng Liên Xô học tại Trường Viết văn Gorky, là người có công đầu sáng lập Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga và Tạp chí “Người bạn đường”. Nữ nhà văn Thùy Linh xinh đẹp, tác giả của truyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi” - Giải Nhất Báo Văn nghệ 1985. Cũng giống như Nguyễn Đình Chiến, Thùy Linh là học viên nữ hiếm hoi được cử sang học tiếp tại Trường Viết văn Gorky, sau về làm biên kịch cho Hãng phim truyền hình Việt Nam.

Cũng học Khóa 3 Trường Viết văn Nguyễn Du với mình hồi ấy, còn có nhiều cây bút đã thành danh, là những Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, để lại nhiều tác phẩm cho đời, như: Hoàng Hữu Các, Trương Vĩnh Tuấn, Nguyễn Quốc Trung, Quách Ngọc Thiên, Dương Kiều Minh, Nguyễn Khắc Thạch, Đoàn Thị Ký, Hoàng Quảng Uyên, Đỗ Văn Nhâm, Trương Văn Ngọc, Hồ Anh Tú, Đặng Thị Vân Khanh, Thu Nguyệt... Đặc biệt có nhà văn, cựu chiến binh Bảo Ninh (Hoàng Ấu Phương) – Tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cả thế giới “Nỗi buồn chiến tranh”. Và Nhà văn Nguyễn Văn Đệ - quê Thanh Hóa, đã nhiều lần thắng Giải Nhất bút ký viết về biển của Báo Văn nghệ!

Năm 1989, sau khi chương trình đào tạo của Khóa 3 kết thúc, mình về lại Quân khu I, đã trợ giúp cây bút trẻ Nguyễn Bình Phương làm hồ sơ tuyển sinh. Rồi trực tiếp lái xe máy đưa Bình Phương đi thi vào Khóa 4. Khi Nguyễn Bình Phương tốt nghiệp, đã về lại Thái Nguyên để giới thiệu chú em ruột mình là Đặng Vương Hạnh (người vừa thắng Giải Nhất truyện ngắn “Tác phẩm Tuổi xanh” của Báo Tiền phong năm đó) thi vào học Khóa 5. (Đây cũng là 2 khóa cuối cùng Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển chọn các cây bút đam mê sáng tác vào học. Từ các khóa sau, trường bắt đầu tuyển cả học sinh phổ thông). Bây giờ thì Nguyễn Bình Phương đã là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Còn Đặng Vương Hạnh từng là Tổng biên tập Báo Khoa học và Đời sống; hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Thương gia…

Cũng năm 1989, khi trở lại Quân khu I mình được nhận quân hàm Đại úy QĐND. Đó là thời gian Quân đội đang có chính sách tinh giảm biên chế, giải tán một số Tòa soạn Báo Quân khu và Quân chủng, Binh chủng. Mình được phép chuyển ngành sang Lực lượng Công an nhân dân. Vì không có nghiệp vụ Công an nên mình đã xin đi học tại chức Luật Tổng hợp.

Viết thêm: Dù đã học qua 3 trường Đại học, nhưng mình rất lười ghi chép. Sau mấy chục môn học và chuyên đề nghiên cứu của các thầy cô, đã thi lấy chứng chỉ xong, mà mình ghi chép không hết 2 cuốn sổ tay. Có lẽ đó cũng là một sai lầm lớn trong cuộc đời sinh viên của mình. Sau này, để bù lại những kiến thức hổng khi cần đến, mình thường phải tìm đọc sách. Những cuốn sách luôn là những người thầy quan trọng nhất, mình học cả đời qua đó.

Vẫn chuyện lười ghi chép, vì ỷ lại vào trí nhớ tốt và chút khả năng tổng hợp diễn đạt, nên khi làm báo, mình thường dùng ghi âm, hoặc đơn giản là nhớ nhập tâm. Thời trẻ, mình có khả năng nhớ được khoảng 10 phút khi đọc một tài liệu văn bản. Một lần, họp giao ban đơn vị, ông sếp phổ biến một tài liệu quan trọng, tất cả đều chăm chú ghi chép như muốt từng lời. Thấy mình không viết gì, ông không hài lòng, tiến lại và hỏi:

- Tại sao cậu ngồi im, không ghi chép gì vậy?

- Em nhập tâm hết rồi, nên thấy không cần tốn giấy, tốn mực và tốn công viết lại nữa ạ.

- Cậu nhắc lại xem tôi vừa phố biến nội dung gì?

Mình liền đứng lên, đọc lại trang tài liệu ông sếp đang cầm trên, không thiếu một chữ. Mọi người đều ngạc nhiên, không ai dám cười. Còn ông sếp nhăn mặt, lắc đầu:

- Không sai. Nhưng chăm chú lắng nghe và ghi chép vào sổ khi họp hành là thái độ tôn trọng cấp trên… Cậu hiểu chưa!

Vâng, có lẽ đó cũng là một cái dở, cái không hay và điểm yếu của mình, mà khi nhận ra thì đã muộn.

Hồi được giao phụ trách công tác Trị sự của Văn Hóa Văn nghệ Công an - “An ninh Thế giới”, mình nhập tâm được hàng trăm số điện thoại, như một “danh bạ sống”, đồng nghiệp cần liên lạc với ai cũng có thể đọc cho ngay. Còn bây giờ thì memory kém quá rồi, nhất là sau đại dịch Covid-19, đành phải nhờ em smartphone thôi. Nhiều lúc bạn hỏi mà phải ừ à, vì cứ "nhớ nhớ quên quên". Tự thấy tên người thân còn chưa lẫn lộn là may. Đúng là ranh giới giữa ngẩn ngơ và nghễnh ngãng rất mỏng manh.

(Nhân tiện, nhờ anh facebook lưu giữ giúp một số ảnh và tư liệu. Biết đâu sẽ cần và có ích cho một ai đó sau này).

Hà Nội, 26/8/2024

TTNL