1. Xín Mần là huyện vùng cao, núi đất của tỉnh Hà Giang; có địa hình núi cao phức tạp, bị chia cắt mạnh do độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến việc đi lại giao lưu phát triển kinh tế cũng như sản xuất của nhân dân. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, sương muối, hạn hán, bão lốc, lũ quét và sạt lở đất. Là huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, điều kiện canh tác khó khăn, thường xuyên bị tác động bởi thiên tai, nên đời sống và thu nhập của người dân còn thấp. Người dân trên địa bàn huyện Xín Mần chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với 3 cây, 4 con chính bao gồm:”Lúa, ngô, đậu tương, trâu, bò, lợn, dê”. Với điều kiện địa hình phức tạp, khí hậu khắc nhiệt ảnh hưởng không nhỏ đến trồng trọt, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2017, huyện Xín Mần phối hợp với Công ty Cổ phần Sao Thái Dương tiến hành trồng khảo nghiệm cây khổ qua rừng (Momordica charantia). Qua đánh giá cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển tốt và thích ứng với điều kiện khí hậu của địa phương. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích trồng trên địa bàn các xã, thị trấn. Các hộ tham gia trồng mướp đắng được tư vấn kỹ thuật gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh, thu hái sản phẩm và đảm bảo đầu ra. Nhờ sinh trưởng phát triển tốt và cho thu nhập cao, đến năm 2020, khổ qua rừng được người dân 13 xã, thị trấn của huyện triển khai trồng với tổng diện tích 50 ha, năng suất trung bình đạt 5 tấn/ha. Trên địa bàn huyện Xín Mần có một số cơ sở thu mua và chế biến các sản phẩm từ trái khổ qua rừng. Trong đó, Cơ sở của hộ kinh doanh Nguyễn Huy Hồ Anh có liên kết chặt chẽ với các hộ trồng khổ qua rừng; có nhà xưởng, trang thiết bị được đầu tư đồng bộ và bước đầu xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm.
Các hộ trồng khổ qua rừng được tổ chức thành từng nhóm để dễ tiến hành hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và quản lý quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Các hộ dân được cung cấp giống khổ qua rừng thuần chủng, rồi tự tiến hành chọn lọc hạt giống theo hướng dẫn của Cơ sở để giữ được mọi đặc tính của giống khổ qua rừng trong các vụ tiếp theo. Thời vụ trồng khổ qua vào tháng 2, thời điểm có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình. Trước khi gieo hạt giống 7-10 ngày, các hộ tiến hành làm đất và bón lót phân chuồng ủ với nấm Trichoderma và phân NPK. Hạt giống được gieo thành 2 hàng trên luống rộng 1,2m với khoảng cách hàng cách hàng 70-80cm và cây cách cây 50cm. Sau khi gieo, tiến hành làm giàn chữ A và phủ lưới có kích thước mắt lưới 15x15cm. Trong quá trình trồng, chăm sóc, các hộ không sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh mà chỉ sử dụng bẫy dính, bẫy dẫn dụ bảo vệ thực vật để đảm bảo tạo ra sản phẩm “sạch, an toàn”.
Đối với khâu sơ chế, đóng gói sản phẩm sau khi thu mua trái khổ qua rừng, trước đây, Cơ sở chỉ thực hiện việc phân loại, thái lát, phơi nắng và đóng gói sản phẩm bằng hút chân không nhưng chưa có nhãn hiệu. Cách thức sản xuất như vậy còn mang tính thủ công, chất lượng sản phẩm không đồng đều, quá trình phơi nếu gặp phải thời tiết không thuận lợi rất dễ làm sản phẩm giảm chất lượng (thậm chí sẽ hỏng). Khi được Chương trình CPRP hỗ trợ, Cơ sở đã (i) mở rộng nhà xưởng từ 70 m2 lên thành 120 m2, lợp mái tôn, lát nền đá hoa thay thế nền xi măng; (ii) đầu tư máy sấy lạnh có công suất sấy 800kg nguyên liệu/mẻ trong 18 giờ, máy thái công suất 200kg/giờ, máy điều hòa 2 chiều sử dụng trong nhà kho để bảo quản sản phẩm và hệ thống điện; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Trà khổ qua rừng”, thiết kế bao bì, nhãn mác, đăng ký mã vạch. Từ đó, Cơ sở vừa đảm bảo được đầu ra cho các hộ liên kết, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường và tạo vị trí vững chắc của sản phẩm trên thị trường.
Về tiềm năng thích ứng với BĐKH và mức độ ảnh hưởng tới môi trường
Khổ qua rừng là một loại cây mọc hoang trong tự nhiên nên có sức sống cao, sinh trưởng nhanh tạo được tán che phủ đất tốt. Vì vậy, theo đánh giá của các hộ sản xuất, khổ qua rừng có khả năng chịu hạn và hạn chế xói mòn đất cao hơn so với cây ngô.
Sử dụng máy sấy lạnh giúp cho chất lượng sản phẩm tốt hơn rất nhiều nhờ nhiệt độ sấy thấp, không ảnh hưởng tới màu sắc tự nhiên cũng như chất dinh dưỡng và hoạt chất có trong sản phẩm, đồng thời tiết kiệm năng lượng tốt hơn (Nếu như phương pháp sấy nóng mất 1kW điện mới tách được 1,2kg nước thì phương pháp sấy lạnh với 1kW điện có thể tách được 3kg nước trong thực phẩm). Nhờ vậy, thực phẩm nhanh khô hơn, rút ngắn được thời gian sấy. Điều này có ý nghĩa đối với các sản phẩm cần được sấy khô nhanh để giữ được chất lượng sản phẩm như khổ qua rừng.
Trồng khổ qua rừng theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất giúp giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường đất canh tác và nâng cao chất lượng nguyên liệu cho sản xuất các loại trà khổ qua rừng.
Hiệu quả kinh tế của mô hình:
Hàng năm, Cơ sở sản xuất được 18.750 túi Trà khổ qua rừng thái lát loại 200g và 16.670 hộp Trà khổ qua rừng túi lọc loại 75g. Doanh thu hàng năm của các sản phẩm từ khổ qua rừng của cơ sở đạt 2.500 triệu đồng đồng/năm. Lợi nhuận thuần đạt được là 550 triệu đồng/năm. Tỷ suất lợi nhuận thuần trên doanh thu đạt được là 22%. Tổng kinh phí đầu tư tài sản cố định ban đầu cho hoạt động sơ chế, chế biến, đóng gói các sản phẩm từ khổ qua rừng là 1,5 tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn đầu tư tài sản cố định ban đầu là 3 năm. Cơ sở đang có 2 lao động chính tham gia quản lý khu sản xuất, bán sản phẩm và 5 lao động thời vụ với mức thù lao 180-200 nghìn đồng/công. Ngoài ra, HTX luôn đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng trái khổ qua rừng cho hơn 80 hộ nông dân liên kết với giá dao động trong khoảng 20-22 nghìn đồng/kg.
Chi phí đầu tư ban đầu cho trồng khổ qua rừng, không cao khoảng 27 triệu đồng/ha cho cây làm giàn và lưới nilong. Chi phí cho chăm sóc, thu hoạch hàng năm khoảng 30 triệu đồng/năm. Với năng suất đạt được bình quân 5 tấn/ha/năm và giá bán bình quân 21.000đ/kg, tổng doanh thu của 1ha trồng khổ qua rừng trong 1 năm đạt được là 105 triệu đồng. Tổng chi phí bao gồm cả khấu hao cây làm giàn, lưới nilong và công lao động gia đình vào khoảng 81,6 triệu đồng/ha/năm. Lợi nhuận thuần đạt được là 23,4 triệu đồng/ha/năm. Tỷ suất lợi nhuận thuần trên doanh thu đạt đến 22%. Nếu không tính chi phí cơ hội từ công lao động gia đình thì tổng thu nhập đạt được 86,4 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 3 lần so với trồng 3 vụ ngô).
Mức độ tham gia của hộ nông dân nhỏ:
Cơ sở ký kết hợp đồng với các nhóm trồng khổ qua rừng. Nhóm trưởng chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát các thành viên tuân thủ quy trình kỹ thuật đã được tập huấn; thông tin về kế hoạch và giá thu mua của Cơ sở cho thành viên để đảm bảo lượng sản phẩm thu hái phù hợp với kế hoạch sản xuất của Cơ sở. Đối với các hộ mới bắt đầu liên kết, Cơ sở hỗ trợ giống, lưới và cho vay đầu tư trồng khổ qua rừng theo hình thức trừ số tiền vay vào giá trị trái khổ qua rừng nguyên liệu bán cho Cơ sở. Hiện tại, Cơ sở đang liên kết với hơn 80 hộ tham gia vào 18 nhóm CIG và tiến hành trồng khổ qua rừng trên diện tích 12 ha (bình quân 0,15ha/hộ).
Khả năng nhân rộng:
Khổ qua là cây bản địa của vùng nhiệt đới. Đây là một loại quả được sử dụng rộng rãi ở các nước Ấn Độ, Châu Á, Caribe và Châu Phi. Tại Việt Nam, khổ qua mọc hoang ở nhiều khu vực vùng đồi núi và được tìm thấy nhiều ở các tỉnh miền Nam. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí trồng thấp, thích hợp với các hộ dân có nhiều công lao động nhàn rỗi do mất nhiều công thu hái. Khổ qua rừng là một loại dược liệu quý, rất giàu chất phytochemical như flavonoid, triterpenoids và polyphenol. Những chất này đều được chứng minh là có khả năng ngăn chặn và làm chậm sự phát triển của các tế bào gây ung thư. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị cho các bệnh như béo phì, tiểu đường, các vấn đề về tiêu hóa cùng một số căn bệnh khác. Hiện nay, khi đời sống người dân ngày được nâng cao, vấn đề sức khỏe được quan tâm nhiều hơn nữa nên các loại dược liệu quý nói chung và khổ qua rừng nói riêng được quan tâm và tiêu thụ ngày một nhiều hơn.