1. Ở các vùng miền núi rất hiếm đất bằng phẳng để canh tác (nhất là trồng lúa nước) để đảm bảo lương thực thực phẩm. Do vậy, người dân khắc phục bằng cách chọn các sườn đồi, núi có đất màu để tạo lập thành ruộng bậc thang, rồi dựa vào nguồn nước mưa tự nhiên và dẫn nước từ những đỉnh núi cao hơn cho trồng lúa nước. Đây là loại hình canh tác đã tồn tại một cách độc đáo trong hàng trăm, hàng nghìn năm ở một số nước châu Á. Tại một số vùng như Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang, nơi có gần 3.000ha ruộng bậc thang, các hộ trồng lúa đã đưa cá chép vào nuôi trong ruộng lúa nhằm tăng hiệu quả sản xuất và tạo thêm nguồn thực phẩm cho tiêu dùng.
2. Hiện nay, phần lớn người dân thả cá với mật độ còn thưa (dưới 0,5 con/m2) và chưa trú trọng chăm sóc, bảo vệ nên số lượng cá hao hụt nhiều, năng suất thu được còn đạt thấp. Nhận thấy mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người nông dân và là sản phẩm ẩm thực đối với các du khách khi đến du lịch…, trong những năm gần đây, UBND huyện Hoàng Su Phì và UBND các xã đã thực hiện hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc cá chép ruộng và vốn đầu tư (2-3,5 triệu đồng/hộ cho diện tích từ 0,2-0,35ha/hộ) để nhân cá giống, đảm bảo mật độ cá nuôi trên ruộng đạt 0,7-1 con/m2, bổ sung thêm thức ăn cho cá. Nhờ đó, năng suất cá thu hoạch được tăng từ 120kg/ha tăng lên 200kg/ha và giá bán bình quân đạt 120.000 đồng/kg.
3.1. Về tiềm năng thích ứng với BĐKH và mức độ ảnh hưởng tới môi trường
Mặc dù việc giữ nước thường xuyên trong ruộng lúa hạn chế khả năng đẻ nhánh của lúa và có thể gây ngộ độc hữu cơ nếu có nhiều tàn dư thực vật tươi, chưa được phân hủy trong đất nhưng trong điều kiện phụ thuộc vào nước mưa tự nhiên thì đây là biện pháp cần thiết giúp đảm bảo có đủ nước cho cây lúa và cá chép trong ruộng sinh trưởng, phát triển, đồng thời hạn chế tác hại của mưa lớn lên bề mặt đất và có thể thâm sâu xuống tầng đất bên dưới gây sạt lở đất. Hệ thống canh tác lúa 1 vụ và nuôi cá chép trong ruộng giúp khống chế sâu hại, hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Mô hình sử dụng giống cá chép địa phương nên có khả năng thích nghi cao với khí hậu, điều kiện nuôi trồng của địa phương và có đặc tính cư ngụ cố định trên ruộng lúa mà không xuôi theo dòng nước xuống sông suối khi có mưa lớn giúp giảm thất thoát.
3.2. Hiệu quả kinh tế của mô hình:
Khi đảm bảo được mật độ cá nuôi trên ruộng và bổ sung thêm thức ăn cho cá thì tổng doanh thu từ lúa và cá chép đạt bình quân 64.438.000đ/ha/vụ. Tổng chi phí là 31.603.000đ/ha/vụ (tăng 3.056.000đ/ha/vụ so với cách nuôi truyền thống, trong đó chủ yếu là tăng công lao động gia đình và phân chuồng sẵn có (đây là các chi phí mà hộ dân có thể tự chủ được). Lợi nhuận thuần đạt được là 32.835.000đ/ha/vụ (tăng 6.544.000đ/ha/vụ so với cách nuôi truyền thống). Tỷ suất lợi nhuận thuần trên doanh thu đạt 51% (tăng 3%).
3.3. Mức độ tham gia của hộ nông dân nhỏ:
Từ năm 2017, UBND huyện Hoàng Su Phì hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc cá chép ruộng và kinh phí tu sửa ao nhân cá giống cho hơn 200 hộ. Nhờ đó, các hộ áp dụng được kỹ thuật mới vào sản xuất giúp tăng hiệu quả kinh tế.
3.4. Khả năng nhân rộng:
Nuôi cá chép trong ruộng bậc thang 1 vụ lúa đòi hỏi kỹ thuật không cao và thích hợp với các vùng đồi, núi có độ dốc lớn, phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên. Chi phí đầu tư thấp nhờ hộ dân có thể tự nhân giống cá và có sẵn phân chuồng từ chăn nuôi nên mô hình có khả năng nhân rộng cao. Cá chép thương phẩm thu hoạch được không chỉ cung cấp thực phẩm tại chỗ cho người dân mà còn phục vụ cho hoạt động du lịch trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực của địa phương cho du khách đến với huyện Hoàng Su Phì.
4. Để nhân rộng mô hình nuôi cá chép trong ruộng bậc thang, các địa phương cần tăng cường tập huấn kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc cá chép ruộng; hỗ trợ kinh phí tu sửa ao nhân cá giống cho một số hộ nông dân kết hợp với theo dõi, đánh giá và tổ chức hội thảo đầu bờ cho các hộ nông dân khác tham quan, đánh giá và nhân rộng mô hình đạt được hiệu quả cao.