Mô hình trồng dưa trong nhà màng thích ứng BĐKH

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang tạo ra sự khan hiếm về tài nguyên thiên nhiên, đe dọa đến sinh kế của người dân cũng như an ninh sinh thái, môi trường, lương thực hay nguồn nước.

Trước tình hình đó, đa dạng hóa thu nhập là một trong những biện pháp quan trọng giúp nông dân thích ứng với BĐKH. Với sự hỗ trợ của IFAD, CPRP Hà Giang và AMD Trà Vinh đã hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho nông dân tại Hà Giang và Trà Vinh xây dựng mô hình trồng dưa trong nhà màng thích ứng BĐKH.

du1-1644479071.jpg
Mô hình trồng dưa trong nhà màng thích ứng BĐKH

Giải pháp

- Xây dựng nhà màng và làm mái dễ thoát nhiệt cho nhà màng;

Đối với mô hình tại Trà Vinh, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt có thể điều khiển lưu lượng nước tưới cho từng gốc cây, cung cấp lượng phân bón phù hợp và tiết kiệm được nước tưới (chỉ 0,5m3/ngày cho 1.000m2). Để dự phòng nguồn nước ngọt khi có xâm nhập mặn xảy ra, một số nhà màng có 1 túi trữ nước ngọt 25 khối với chi phí đầu tư 3,5 triệu đồng;

Canh tác hữu cơ: Tỉa bỏ nách lá; Thụ phấn bằng ong; Phòng trị sâu bệnh theo hướng sử dụng thuốc sinh học hoặc tự pha chế từ gừng, tỏi, ớt và bẫy dính màu vàng.

Về tiềm năng thích ứng BĐKH, việc trồng dưa trong nhà màng giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón, hạn chế sâu bệnh (nhất là ruồi đục trái) và tạo môi trường thuận lợi cho cây dưa sinh trưởng, phát triển không phụ thuộc vào yếu tố thời tiết nên chủ động trong quá trình gieo trồng, tránh được những rủi ro, bất thường của thời tiết. Từ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm luôn cao và ổn định hơn so với trồng ngoài ruộng.

du2-1644479049.jpg

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao như mô hình trồng dưa lưới thường có vốn đầu tư ban đầu lớn và yêu cầu cao về kỹ thuật. Vì vậy, Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án nông nghiệp trong Khu/Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc có dự án nông nghiệp áp dụng các công nghệ được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường thuộc danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với các hộ nông dân có quy mô nhỏ, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư trồng thử nghiệm trên quy mô 500-1.000m2 cho một số hộ nông dân trước khi liên kết mở rộng quy mô tại địa phương. Trong đó, các hộ nông dân cần đi học tập kỹ thuật hoặc thuê đơn vị tư vấn chuyển giao kỹ thuật ít nhất trong vòng 1 năm. Ngoài ra, việc mở rộng quy mô cần có liên kết giữa nông dân với các đơn vị phân phối để đảm bảo đầu ra, bởi đây là mặt hàng rau củ có giá trị cao nhưng thời gian thu hoạch ngắn, chi phí đầu tư lại tương đối lớn. Bên cạnh đó, cần tính đến việc xây dựng thương hiệu dưa lưới của từng THT, HTX, vùng sản xuất để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm và tiếp cận được những thị trường khó tính trong tương lai.