Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, và hiện vẫn là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ngành sản xuất này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay, từ biến đổi khí hậu, sự thay đổi thị trường quốc tế đến sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và tiêu chuẩn chất lượng. Để duy trì và phát triển bền vững, ngành lúa gạo Việt Nam cần phải chuyển mình, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Cơ giới hóa thu hoạch lúa trong mô hình của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Internet.
Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang các phương thức canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nước và bảo vệ đất đai trở thành yếu tố quyết định trong sự phát triển bền vững của ngành gạo. Việc mở rộng diện tích canh tác lúa theo quy trình ít phát thải không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, giúp ngành gạo tăng trưởng và mở rộng các cơ hội xuất khẩu.
Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp bền vững, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đến năm 2030 ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Chương trình này không chỉ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo mà còn góp phần vào cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Theo quyết định số 1490 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/11/2023, Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, ít phát thải ở ĐBSCL sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, với sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức quốc tế. Tại các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Kiên Giang, các mô hình thí điểm đã được triển khai với sự tham gia của các hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp. Việc phát triển vùng nguyên liệu gạo ít carbon không chỉ giúp gia tăng năng suất mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu sang những thị trường yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường và chất lượng thực phẩm.
Để đạt được mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ít phát thải ở ĐBSCL, cần có sự chung tay của chính phủ, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và chính người nông dân. Những thành công bước đầu của tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thông qua các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh (GIC) đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi sang canh tác lúa gạo bền vững tại Việt Nam. GIC hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong canh tác, như phương pháp tưới nước ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý dư lượng hóa chất (MRL), và canh tác hữu cơ.
Một trong những điểm nổi bật của GIC là việc tổ chức các lớp đào tạo như “Lớp học kinh doanh cho nông dân” (Farmer Business School – FBS), giúp nông dân nâng cao kiến thức về quản lý tài chính và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ giúp nông dân cải thiện kỹ năng quản lý mà còn giúp họ hiểu rõ hơn về các phương pháp canh tác bền vững, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, GIC cũng thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong ngành lúa gạo, kết nối nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường quốc tế. Việc tạo ra một chuỗi cung ứng ổn định, chất lượng cao, đồng thời giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường, là yếu tố quan trọng giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Theo báo cáo từ GIC, đến tháng 12/2024, hơn 24.000 nông dân đã tham gia vào chương trình canh tác ít carbon, giúp giảm trung bình 28% lượng nước tưới trong canh tác lúa và giảm tới 63% lượng phát thải khí nhà kính. Nhiều hợp tác xã cũng đã cải thiện được năng suất và chất lượng gạo, mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU và Nhật Bản.
Sự trỗi dậy của gạo ít carbon tại Việt Nam không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Việc chuyển đổi sang phương thức canh tác bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân.
Nhằm hướng đến phát triển bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và kế hoạch quan trọng. Nổi bật nhất là đề án “Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” với mục tiêu không chỉ nâng cao giá trị hạt gạo mà còn giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Đề án này được kỳ vọng sẽ tạo ra một vùng nguyên liệu lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường cao cấp.
Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 30/12/2023) của Thủ tướng Chính phủ cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030 là giữ ổn định diện tích 3,56 triệu ha đất trồng lúa. Trong đó đất chuyên trồng lúa nước 3 triệu ha, sản lượng trên 35 triệu tấn thóc, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 85-90%, lúa sử dụng cho chế biến chiếm 10-15%.
Năm 2025, Chính phủ giao chỉ tiêu cho tăng trưởng nông nghiệp là 4%. Với lĩnh vực trồng trọt chiếm khoảng 43% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp, tăng trưởng lĩnh vực này năm cao nhất đạt 2,2% còn thông thường ở mức 1,5-1,8%. Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2025 ước đạt 553,6 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. Nhưng những ngày đầu tháng 3/2025, giá gạo xuất khẩu bắt đầu nhích lên. Năm ngoái, xuất khẩu 9,15 triệu tấn gạo, đạt giá trị 5,8 tỷ USD, năm nay dự kiến xuất khẩu gạo khoảng 9 triệu tấn.
Để phát triển bền vững ngành gạo Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy hợp tác giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà nước để đảm bảo đầu ra ổn định, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý canh tác và thị trường theo Dư án GIC triển khai giai đoạn từ 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và 6 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 9-10/3/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án "Các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh" (GIC) tại TP. Cần Thơ. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng nhân rộng các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong ngành lúa gạo và xoài tại ĐBSCL.
Từ thành công của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, ít phát thải ở ĐBSCL, để mở rộng quy mô sản xuất lúa gạo bền vững trên phạm vi cả nước, cần tiếp tục đầu tư cải thiện hệ thống thủy lợi, đẩy mạnh nghiên cứu các giống lúa chịu mặn, chống sâu bệnh và giảm phát thải khí nhà kính. Việc xây dựng các tiêu chuẩn gạo bền vững, áp dụng các chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, cũng là bước đi quan trọng để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Lúa gạo không chỉ là nguồn sống của hàng triệu nông dân, mà còn là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Phát triển bền vững ngành gạo không những mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp Việt Nam khẳng định trách nhiệm với môi trường và cộng đồng quốc tế. Đây là con đường tất yếu để hạt gạo Việt Nam tiếp tục tỏa sáng, vững vàng trên bản đồ nông nghiệp thế giới. Với sự đầu tư bài bản và chiến lược phát triển bền vững, tin rằng gạo Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa, giữ vững là vị trí trong top những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, góp phần an ninh lương thực toàn cầu.
(HẾT)
V.X.B