Tiếc thay lần đầu ra Hà Nội thì Bác Hồ đã đi thăm Pháp, theo lời mời chính thức của Chính phủ Cộng hoà Pháp. Nhưng được may, qua tìm hiểu kỹ, bà biết chắc Cụ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Sinh Cung, người em ruột của bà.
Ngày 26 tháng 10 năm 1946, được tin Bác Hồ về nước, bà Thanh một lần nữa đi Hà Nội. Vừa xuống ga Hàng Cỏ, bà đến đường Ôn Như Hầu (nay phố Nguyễn Gia Thiều) xin cho hai người cháu đang học lớp mật mã do Bộ Tổng Tham mưu Quân uỷ Hội mở, được phép cùng bà đến thăm Bác Hồ.
Ra Hà Nội lần này bà Thanh mang theo hai chai tương Nam Đàn nổi tiếng thơm ngon (dân gian có câu: Nhút Thanh Chương/ Tương Nam Đàn là vậy) và đôi gà ra biếu Bác Hồ.
Trên đường đến số nhà 12 Ngô Quyền, vốn là dinh Thống sứ Bắc Kỳ (nay là Bắc Bộ phủ) là nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong những ngày đầu cách mạng, nhưng khi vừa đến Hồ Gươm, hình như bà chợt nhớ đến điều gì, nên bà bảo với hai cháu cùng đi, tìm nơi bán hoa huệ để bà mua một bó. Ba bà cháu vừa đi vừa ngó tìm nhưng không thấy ai bán hoa huệ cả. Bà Thanh bảo tiếp hai cháu:
- Gắng tìm cho bằng được. Các cháu không biết đâu, đây là một kỷ niệm thân thương, sâu lắng và rất thiêng liêng đối với Ông Hồ. Nhưng tìm mãi vẫn không thấy. Bà Thanh cảm thấy hẫng hụt, thất vọng, nhưng đành thôi, bởi đã gần trưa, đến Bắc Bộ phủ sợ chậm giờ. Bà linh cảm thấy hai cháu mình thắc mắc về việc bà muốn mua bằng được bông huệ, nên bà giải thích:
- Lúc Cụ Hoàng Thị Loan (mẹ Bác Hồ) mất ở Huế, cả nhà chỉ có mặt Nguyễn Sinh Cung và em Xin, mới mấy tháng tuổi (ông Xin là em của Nguyễn Sinh Cung, con út của hai cụ, ông Xin mất lúc còn rất bé), còn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và ông cả Khiêm hồi đó đang ở Thanh Hoá, bà thì về quê Nam Đàn trông nom bà ngoại. Trong cảnh mất mát tang thương, đau đớn quá lớn, mẹ qua đời giữa lúc em còn quá nhỏ, cha, chị, anh trai đều ở xa, mọi việc tang lễ, an táng cho mẹ một mình Nguyễn Sinh Cung lo liệu, với sự giúp đỡ hàng xóm láng giềng. Trong những ngày tang tóc đó, ngoài mùi trầm hương và những đoá hoa huệ màu trắng tinh khôi, toả hương thoang thoảng, do bà con lối phố mang đến phúng viếng, thờ mẹ cho đến những ngày Tết Nguyên đán. Cảnh tượng đó đã để lại trong lòng ông Nguyễn Sinh Cung một ấn tượng vô cùng thiêng liêng sâu đậm, không bao giờ quên về mẹ kính yêu của mình.
Về sau khi gia đình sum họp đầy đủ, nguyễn Sinh Cung đã kể lại cho cả gia đình nghe. Vì vậy, cứ mỗi lần thấy bình hoa huệ để trên bàn thờ toà mùi hương thoang thoảng, Nguyễn Sinh Cung càng nhớ da diết người mẹ thân yêu, tần tảo, chịu thương chịu khó nuôi dạy con khôn lớn, đã phải ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại con thơ còn thơm mùi sữa mẹ, lại không được gặp chồng, con gái, con trai cả.
Câu chuyện vừa dứt, thì ba bà cháu đã đến trước cổng Bắc Bộ phủ, các chiến sỹ Vệ Quốc đoàn, làm nhiệm vụ bảo vệ hỏi:
- Thưa bà! Bà đến đây có việc gì? Cần gặp ai?
- Tôi là Thanh, chị ruột Cụ Hồ và đây là hai cháu của tôi, cũng là bộ đội. Chú cho chúng tôi vào thăm cụ Hồ một chút, rồi tôi về. Nghe vậy, chiến sỹ bảo vệ bảo bà chờ cho một lát. Sau khi được nghe chiến sỹ bảo vệ báo cáo, 5 phút sau, một cán bộ ăn mặc chỉnh tề ra đón ba bà cháu lên một căn phòng tầng 2, kế phòng làm việc của Bác Hồ. Đồng chí cán bộ tiếp đón bà Thanh nói:
- Thưa bà! Từ hôm đi thăm Pháp về đến nay, Cụ rất bận việc. Hiện nay đang tiếp các đại biểu Quốc hội và các cán bộ trong Nam ra. Cụ làm việc suốt ngày, đến khuya mới đi ngủ. Đề nghị bà ráng đợi. Lúc này Bác đang chủ trì cuộc họp quan trọng bàn chuyện cấp lương thực, thực phẩm cho quân Tàu Tưởng, thoạt nghe người thư ký bao cáo có bà Nguyễn Thị Thanh ở Nghệ An ra thăm, Bác Hồ bàng hoàng cả người, hai tay bám chặt vào cạnh bàn, để kìm nén xúc động, nhiều người thấy đôi mắt Bác rớm lệ, nhưng vì việc nước Bác chưa dứt ra được.
Trong lúc đó ba bà cháu vẫn ngồi đợi, riêng bà Thanh có phần sốt ruột, vì đã qua lâu ngày chưa gặp em, mà tháng trước ra không gặp được, Bác đi vắng, nên chốc chốc bà đứng lên, ngồi xuống, ruột gan bồn chồn, trông người có vẻ bứt rứt:
- Chắc Ông bận việc quá!, Không khéo quá trưa mới được gặp.
Nhưng khoảng 30 phút sau, vào lúc 11 giờ 30, bỗng cánh cửa phòng từ từ mở, một người đứng tuổi, tóc đã điểm hoa râm, người gầy, dong dỏng cao, với vầng trán cao rộng, đôi mắt sáng long lanh, thái độ hiền hậu, trong bộ quần áo ka ki vàng nhạt, bước vào. Chợt thấy Bác, bà Thanh đứng phắt dậy vừa chạy vừa kêu: “Đúng rồi!” “Đúng ròi!” “Đúng cậu Cung rồi!”, rồi bà chạy tới ôm chặt lấy Bác và nói trong hơi thở:
- Cậu, cậu có khoẻ không ?
Rồi bà nấc nở khóc! Nước mắt dàn dụa, thấm vào tay áo của Bác. Bác bồi hồi cảm động, mắt Bác chớp chớp ửa lệ. Bác lấy khăn lau nước mắt và nghẹn ngào nói:
- Chị khoẻ không? Em biết chị chờ lâu, nhưng vì em đang bận tiếp các đồng chí Nam Bộ ra, nên chưa thể dứt việc được. Bà Thanh hỏi Bác:
- Cậu đi lâu thế có nhớ quê không? Cậu có nhớ chị ngồi ru võng cho cậu ngủ, chị hát bài ru “Nước non” không? Thuở đó gia đình ta khá vất vả.
Nói đến đây bà lại khóc. Bác bùi ngùi nhớ lại cảnh xưa, Bác lấy khăn chấm mắt. Bác nói:
- Chị ơi! “Quê hương nghĩa nặng tình sâu/ Mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”. Nhưng các chiến sỹ cách mạng chân chính đều là những người con chí hiếu. Chị ơi! ở nước ngoài, đôi khi, đêm khuya thanh vắng, bỗng được nghe một lời ru con của người mình, thì lòng dạ mình lại thêm nhớ đất nước, quê hương, bà con...
Sau đó Bác hỏi đến quê hương làng Kim Liên, làng Hoàng Trù, hỏi thăm các cụ ở quê nhà.
Bà Thanh bỗng sực nhớ và nói:
- Chị ra thăm cậu chả có gì cả, chị biếu cậu 2 chai tương và 2 con gà.
Bà vừa nói vừa chỉ vào góc tường, chỗ để chai tương và gà.
Bác vui vẻ trả lời:
- Cảm ơn chị, tương thì để thỉnh thoảng mời cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng) cùng đến ăn cho vui, gà để nuôi đẻ trứng.
Bà Thanh thân mật hỏi nhỏ Bác:
- Chị hỏi thật cậu, việc gia đình riêng của cậu thế nào rồi?
Đôi mắt Bác nhíu lại, rồi đưa tay khoát và nói:
- Không thể nghĩ đến việc đó được!
Hình như bà Thanh hiểu ý, nên không hỏi thêm gì nữa và nói luôn:
- Đây cũng là việc quên tình riêng vì bổn phận. Thế chị hỏi em, khi nào cậu về thăm quê được?
Bác tần ngần nhìn ra cửa sổ một lát, rồi trả lời:
- Em cũng khao khát muốn về thăm quê! Nhưng chắc còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm!
Chuyện trò được khoảng nửa giờ, lại thấy có nhiều người ra vào làm việc. Biết Bác Hồ đang phải giải quyết nhiều việc cần kịp của đất nước, trong những ngày đầu mới giành độc lập, lại phải đối phó với thù trong giặc ngoài. Bà Thanh tạm biệt Bác và về nhà người quen ở phố Hàng Nón.
Hôm sau, biết bà Thanh sắp về quê, Bác Hồ bận nhiều việc, không bỏ được, Bác đành nhờ người phục vụ đem đến biếu bà Thanh mấy mét vải lĩnh may quần áo, gọi là chút quà kỷ niệm sau bao năm xa cách giữa lúc đất nước đang chìm đắm trong bóng đêm nô lệ. Nay chị em được gặp lại trong không khí Tổ quốc đã giành được chính quyền về tay nhân dân.
Về quê được ít năm, do tuổi cao, sức yếu, bị trọng bệnh, bà Thanh đã qua đời vào tháng 3 năm 1954. Cuộc đời của bà là một tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam về đạo đực, phẩm chất cao quý với một tấm lòng yêu nước sâu đậm.
Bà Thanh ra thăm Bác Hồ rồi về quê được ít lâu, ông Nguyễn Sinh Khiêm (còn gọi Cả Khiêm) lên đường đi Hà Nội. Lúc đầu ông đi bộ từ Nam Đàn ra Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, dài 70km. Tại đây, nhiều bà con ngỡ ông là Cụ Hồ, mọi người chạy đến vây quanh ông. Bởi họ trông ông giống Bác Hồ. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm vui vẻ thanh minh với bà con: Tôi là Nguyễn Sinh Khiêm, một người con bình thường của xứ Nghệ. Mọi người giản ra và ông lên tàu.
Khi tàu đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội, cụ Cả Khiêm vừa bước ra khỏi cổng nhà ga, lại một lần nữa, đồng bào nhanh chóng ùa đến vây kín quanh cụ. Nhiều người khăng khăng rằng: đây chình là Cụ Hồ cải trang đi vi hành xem xét tình hình. Trước tình thế đó, Cụ Cả Khiêm lên tiếng:
- Thưa bà con! Tôi là một người dân Nghệ An, biết nước nhà độc lập nên ra thăm thủ đô. Tôi không phải là Cụ Hồ.
Nhưng đồng bào không tin, cứ đinh ninh là Cụ Hồ cải trang. Người này truyền tai người nọ, một thành mười, mười thành trăm, mỗi lúc kéo đến một đông, ai cũng muốn được tận mắt thấy “Cụ Hồ”. Khiến ông khách Xứ Nghệ không thể đi được.
Ngay lúc ấy có mấy chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ, thấy hiện tượng lạ, liền báo cáo về cho lãnh đạo Nha Công an Trung ương:
- Có một cụ già có râu, khuôn mặt rất giống Bác Hồ, nói giọng Xứ Nghệ, đồng bào bao quanh cho đó là Bác Hồ, nên ông già không sao đi được. Báo cáo còn cho biết:
- Có khả năng, ông già là anh ruột của Bác Hồ!
Ông Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương nghe xong báo cáo, liền cử ngay cán bộ đưa xe ra ga Hàng Cỏ đón khách.
Đến nơi cán bộ hỏi:
- Thưa cụ! Có phải cụ là anh trai Bác Hồ ? Xin mời cụ lên xe, chúng cháu đưa cụ về.
Cụ Cả Khiêm chẳng nói chẳng rằng, cứ thế lên xe về Nha Công an Trung ương.
Biết chắc đây là người anh cả của Bác, ông Lê Giản báo cáo với ông Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Bác Hồ, nhờ ông thưa lại với Bác Hồ về chuyện cụ Nguyễn Sinh Khiêm ra thăm.
Đón cụ Cả Khiêm ở ngay trụ sở cơ quan, ông Lê Giản mạnh dạn thưa chuyện:
- Thưa cụ! Cụ ra thăm Hồ Chủ tịch mà không báo trước để chúng cháu cho xe ra đón, đỡ vất vả.
Ông là nhà chức trách nhà nước, sao nói vậy? Lẽ đời thì thì em thăm anh, chứ nào thấy em làm to lại ra thăm! Tôi ra đây cốt thăm thủ đô của nước Việt Nam mới giành được độc lập, chứ không phải thăm em là Chủ tịch nước.
Nghe nói thế, Tổng Giám đốc Lê Giản khẩn khoản xin lỗi cụ Cả Khiêm.
Được nghe báo cáo về chuyện người anh ruột Nguyễn Sinh Khiêm ra Hà Nội. Bác Hồ lặng đi giây lát, Bác xúc động mạnh.
Gần 40 năm xa quê vì việc nước, cách đây mấy hôm, Bác mới được gặp lại người chị ruột thân yêu đã từng ru Bác ngủ trong những ngày thơ ấu và hôm nay lại sắp được gặp anh cả, lòng dạ Bác bồn chồn. Nhưng tình hình lúc này hết sức phức tạp nhất là về mặt an ninh. Nhiều đêm Bác phải bí mật rời chỗ ngủ để tránh bọn Quốc dân Đảng manh động.
Nghe xong Bí thư Vũ Đình Huỳnh báo cáo, Bác dặn lại:
- Nhờ chú Huỳnh lo tiếp anh tôi. Anh tôi mới ở tù ra, cũng thích uống rượu, nhờ chú kiếm cho anh tôi một ít rượu trắng loại ngon, một ít sách báo để anh đọc. Cảm thông với anh tôi là tối nay tôi mới đến thăm được.
Tối hôm ấy trời mùa đông lạnh giá, Bác Hồ cải trang mặc áo the, đội ô cùng đi bộ với 2 người là Bí thư Vũ Đình Huỳnh và thư ký riêng Vũ Kỳ. Sau khi vào phòng làm việc của đồng chí Lê Giản ở phố Gambetta ( nay đường Trần Hưng Đạo), bác Hồ cởi áo the ra. Đồng chí Lê Giản mở của phòng. Vừa thấy anh trai, Bác Hồ đi nhanh đến ôm choàng lấy anh và khẽ kêu lên:
- Anh Cả! Anh Cả!
Hai tiếng gọi “anh Cả” được cất lên sau 37 năm trời xa cách biền biệt. Cụ Nguyễn Sinh Khiêm cũng quàng tay ôm lấy Bác Hồ, rồi nghẹn ngào thốt lên:
- Chú râu cùng dài đến thế này à!
Rồi hai anh em ôm nhau khóc nấc nở. Hai vị Bí thư và thư ký nhẹ nhàng khép cửa lại và lùi ra.
Bác Hồ nói:
- Anh Cả ra, có khoẻ không? Quý hoá quá! Chị Thanh về trong quê có khoẻ không anh? Hôm chị ra đây..., nhưng em bận quá, không tiếp được lâu.
Cụ Cả Khiêm trả lời:
- Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày. Bà con cũng đến hỏi thăm và lấy làm sung sướng, tự hào lắm!
Bác Hồ lấy thuốc lá ra mời cụ Cả Khiêm hút, nhưng cụ huơ tay không nhận. Cụ nói:
- Anh hút thuốc lá Cẩm Lệ nặng quen rồi, thuốc đó nhẹ để chú dùng.
Bác Hồ cười vui vẻ đọc hai câu thơ:
Chốc đã mấy chục năm trời,
Còn non, còn nước, còn người hôm nay.
Nghe vậy, đang cuốn thuốc lá Cẩm Lệ, cụ Cả Khiêm ứng khẩu ngay:
Thoả lòng mong ước bấy lâu,
Nước non rợp bóng cờ bay đón Người.
Đọc xong thơ, cụ Cả Khiêm hẳng giọng nói:
- Hôm nay ra thăm Hà Nội, tiện dịp đến thăm chú. Tôi biếu chú ít cam Xã Đoài.
Bác Hồ chớp chớp mắt, yên lặng một hồi, rồi hỏi cụ Cả Khiêm về tình hình Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, huyện Nam Đàn, về các hoạt động của chính quyền, các đoàn thể địa phương và của một số người thân, bạn bè thời niên thiếu của Bác.
Cụ Cả Khiêm nói:
- Chú đi lâu, mà chú tài nhớ thế!
Bác tiếp:
- Anh còn nhớ chuyện “khơm công” không?
Cụ Cả Khiêm chưa kịp trả lời, Bác nói luôn:
- Chẳng những chúng mình “khơm công” (nói lái không cơm, ý nói thời trẻ của Bác và gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc túng thiếu) mà hàng chục triệu đồng bào thời đó cũng “khơm công”.
Cụ Cả Khiêm hỏi Bác:
- Chú định khi nào về thăm quê?
Bác Hồ thông thả trả lời:
- Về đến đây cũng là nhà rồi, tình hình và công việc thế này chưa cho phép em nghĩ tới, chắc việc đó còn lâu. Đúng như Bác nói, mãi 11 năm sau, năm 1957, Bác Hồ mới có dịp về thăm quê lần đầu tiên sau bao năm xa cách.
Hai anh em hàn huyên được một hồi, vì có việc cần giải quyết gấp, Bác Hồ phải tạm biệt anh trở về nhiệm sở. Và sáng hôm sau cụ Cả Khiêm đáp tàu trở lại quê nhà.
Cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một nhà hoạt động cách mạng, cũng mấy lần vào tù ra tội, bị thực dân Pháp bắt giam, đầy đi khắp các nhà tù. Cụ là một người thông minh, sống giản dị, phóng khoáng, giàu lòng thương yêu người nghèo. Do tuổi già sức yếu cụ qua đời ngày 15 tháng 10 năm 1950 (nhằm ngày 23 tháng 8 năm Canh Dần), tại làng Kim Liên, thọ 62 tuổi.
Bác Hồ nhận được tin anh cả mất, trong lúc đang công tác xa, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, không thể về chịu tang anh được. Bác đã đánh điện nhờ UBKCHC Liên khu IV chuyển bức điện số 122 của Bác đến họ Nguyễn Sinh làng Kim Liên nội dung như sau:
Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.
Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước./.