Nhiều sản phẩm nông sản lợi thế chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia
Theo ông Trần Công Thắng- Viện Chính sách và Phát triển Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, những năm vừa qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong giai đoạn 2011 - 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,9%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 4,73%/năm, tăng trưởng xuất khẩu 7,3%/năm, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới, đưa nông sản tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, hệ thống thể chế và chính sách hỗ trợ phát triển thị trường nông sản còn nhiều hạn chế, tạo rào cản mở rộng thị trường phát triển thị trường trong nước và ngoài nước”, ông Thắng nói.
Ông Trần Công Thắng- Viện Chính sách và Phát triển Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng nhiều sản phẩm nông sản lợi thế chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia. (Ảnh: Hà Anh)
Đặc biệt, nhóm chính sách đất đai, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển nhượng, cho thuê và chuyển đổi đất đai nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để phát triển sản xuất hàng hóa, khó đáp ứng yêu cầu đồng bộ với khối lượng sản phẩm lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện nhóm chính sách xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế.
Hiện nay, Việt Nam mới chỉ xây dựng được thương hiệu quốc gia cho sản phẩm gạo, trong khi, Việt Nam còn có nhiều sản phẩm nông sản lợi thế như cà phê, thủy sản, điều, tiêu.
Đối với quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, tổ chức quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn chồng chéo giữa bộ, ngành dẫn tới hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, quản lý truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng còn khó khăn do việc phát triển các vùng trồng phân tán, thiếu vùng nguyên liệu lớn, không tập trung.
Công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được duy trì đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu; và tình trạng mạo danh mã số vùng trồng và vi phạm về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm khiến các nước nhập khẩu phải cảnh cáo hoặc tạm dừng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hệ thống logistics phục vụ hoạt động xuất khẩu nông sản cũng chưa phát triển, khiến chi phí logistics của Việt Nam cao hơn của Thái Lan đến 12,5% và thế giới là 14%.
Thúc đẩy giải pháp xuất khẩu nông sản sang EU và Nhật Bản
Theo ông Võ Huy Phúc- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Việt Nam và Mỹ chưa có Hiệp định thương mại tự do nên nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn chịu thuế tối huệ quốc (MFN).
Mức thuế suất này cao hơn 5- 5,2% so với thuế suất song phương áp dụng cho các quốc gia đã ký Hiệp định Thương mại Tự do với Mỹ. Mỹ hiện gia tăng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số nông sản Việt Nam như cá tra, tôm, gỗ dán và tủ gỗ, mật ong.
Đối với thị trường xuất khẩu trọng yếu khác, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản trong giai đoạn 2009-2021 tăng trưởng với tốc độ 8,7%/năm. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sang EU chỉ tăng trưởng nhẹ với bình quân đạt 2,9%/năm.
Cần thúc đẩy giải pháp xuất khẩu nông sản sang EU và Nhật Bản để tận dụng lợi thế.
Trước thực trạng này, Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn khuyến nghị cần thúc đẩy giải pháp xuất khẩu nông sản sang EU và Nhật Bản.
EVFTA đang tạo cơ hội để thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp tại EU để phát triển chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản tại Việt Nam để xuất khẩu vào EU.
Trong thời gian tới, ngành gỗ nội thất được dự báo sẽ tăng trưởng do thị trường xây dựng hoạt động mạnh trở lại sau khi đại dịch COVID - 19 được kiểm soát. Nhu cầu sử dụng gỗ đạt chứng chỉ tại thị trường EU cũng được dự báo ngày càng tăng.
Việt Nam cần đàm phán với Nhật Bản xem xét ký kết Thỏa thuận hợp tác về kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu giữa các cơ quan có thẩm quyền của hai bên. Đề nghị phía Nhật Bản đánh giá nguy cơ trước khi áp dụng các biện pháp xử lý chặt đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Đồng thời, cần xây dựng cẩm nang danh mục các hóa chất, kháng sinh, chất cấm đối với hàng hóa nông lâm thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản để khuyến cáo cho người sản xuất và doanh nghiệp.
Tiếp tục chuẩn bị hồ sơ, đàm phán với Nhật Bản để cấp phép xuất khẩu các sản phẩm trái cây tươi như nhãn, bưởi, chôm chôm, vú sữa.
Đàm phán với Nhật Bản về các biện pháp đánh giá vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, để tiến tới có thể xuất khẩu các sản phẩm thịt chế biến, sản phẩm chăn nuôi tươi sang Nhật.
“Tập trung phát triển các sản phẩm gỗ nội thất như nội thất bếp ăn, phòng ngủ, sản phẩm gỗ mỹ nghệ các sản phẩm có nhu cầu cao tại Nhật Bản. Tăng cường kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tính hợp pháp của sản phẩm từ gỗ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm giữa hai nước giúp doanh nghiệp các nước có cơ hội tìm kiếm khách hàng”, ông Phúc khuyến nghị.