Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 18

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.  

Kỳ 18.

Tại Luy Lâu Tô Định đang ngồi ăn sáng thì có lính vào báo:

-Dạ bẩm Thái thú:

-Có việc gì?

-Dạ, đêm qua 1 vạn quân ta do tướng Doanh Mạnh chỉ huy đóng tại Gia Lâm quận Giao Chỉ, bị quân của nữ tặc Nàng Quốc tập kích tiêu diệt hết ạ.

Tô Định tức giận run người:

-Sao lại như vậy? Tên Doanh Mạnh không cho bố phòng tuần tra sao?

-Dạ bẩm Thái thú, toàn quân buổi chiều uống rượu say, ngủ như chết. Lính tuần phòng canh gác cũng say và bị nghĩa binh tập kích phóng hỏa, sau mới xông vào chém giết ạ.

-Tên Doanh Mạnh có thoát không?

-Dạ bẩm cũng bị giết chết trong đám loạn quân ạ.

Tô Định gầm gào:

-Tám năm nay tám trận đánh lớn đều do các nữ tặc làm phản tiến hành làm tổn thất 8 vạn quân lính. Lính đâu.

-Dạ, Thái thú.

-Gọi Tô Long đến đây.

-Dạ.

Tô Long bước vào:

-Dạ, huynh gọi mạt tướng.

-Đem 2 vạn quân về làng Hạ Tốn, huyện Gia Lâm, quận Giao Chỉ tiêu diệt nữ tặc Nàng Quốc.

-Dạ, tuân lệnh Thái thú.

-Lại có lính vào báo:

-Dạ, bẩm Thái thú, ở Mê Linh, quận Giao Chỉ, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị làm phản, có khoảng 8 vạn quân chuẩn bị tiến đánh Luy Lâu ạ.

-Hả, bảo ngay Tô Long không đi Hạ Tốn nữa, ở lại phòng thủ Luy Lâu.

-Dạ.

Tại làng Hạ Tốn, sau bữa tiệc mừng chiến thắng, nàng Quốc cho tập hợp nghĩa binh và nói:

-Ta được nữ chúa Mê Linh Trưng Trắc mời về hội quân để tiến đánh Luy Lâu, bắt thằng giặc Tô Định.

Toàn nghĩa binh hô vang:

-Tuân lệnh chủ tướng.

-Nay ta giao 1.000 nghĩa binh cho phó tướng An Bình Lý ở lại bảo vệ căn cứ Hạ Tốn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Ta giao 1.000 thủy binh và 20 chiến thuyền cho phó tướng Thùy Nương theo sông Cái về Mê Linh.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-1.000 kỵ binh và bộ binh theo ta tiến về Mê Linh.

-Chúng nghĩa binh tuân lệnh.

-Ta ra lệnh xuất phát.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Hai đạo quân thủy bộ cờ vàng bay theo gió tiến về Mê Linh. Bách tính làng Hạ Tốn ra tiễn những người con của mình đông như nêm cối ở đường làng, trên bờ sông, mắt ướt lệ, tay vẫy vẫy nhìn đoàn quân xa mờ trong sông nước và theo cát bụi mờ dần trong xa khuất.

*

*       *

Sáng một ngày mùa đông, Tô Định đang ngồi trong phủ Thái thú ở Luy Lâu thì có lính do thám về báo:

-Dạ bẩm Thái thú.

-Có việc gì?

-Dạ có nữ tặc Phạm Thị Trâm người Hán ở vùng Tây Châu[1]  khởi binh làm phản chống lại chúng ta ạ.

Tô Định ngạc nhiên:

-Người Hán sao lại khởi loạn chống lại chúng ta?

-Dạ, mạt tướng không rõ ạ.

-Người Hán sao lại ở Tây Châu?

-Dạ bẩm gia đình nữ tặc từ Trung Quốc sang Giao Chỉ từ lâu rồi ạ.

Tô Định hừ lên một tiếng và gọi:

-Cho gọi tướng Tổ Hoài Đức.

-Dạ.

Một lát Tổ Hoài Đức bước vào:

-Thái thú cho gọi mạt tướng:

-Có việc cho tướng quân đây. Ở huyện Tây Châu Giao Chỉ có nữ tặc người Hán là Phạm Thị Trâm khởi binh làm phản đánh lại chúng ta. Tướng quân đem 1 vạn quân đến dẹp đi.

Tổ Hoài Đức hỏi:

-Người Hán sao lại làm phản đánh lại chúng ta?

Tô Định đáp:

-Ta cũng không biết nhưng gia đình nữ tặc đó từ Trung Nguyên di cư sang Giao Chỉ từ lâu rồi.

-Mạt tướng sẽ đi đánh dẹp.

Trong hành dinh ở Tây Châu, chủ tướng Phạm Thị Trâm đang ngồi uống nước và trầm ngâm suy nghĩ. Đó là một thanh nữ khoảng 26 tuổi, mặt hoa da phấn, sắc đẹp hơn người. Nàng nhớ lại nàng sinh ra và lớn lên ở Tây Châu, quận Giao Chỉ vốn là đất của người Việt nhưng bị người Hán chiếm đoạt và thống trị tàn bạo. Ngày ngày nàng chứng kiến lính tráng của Thái thú Tô Định về các làng mạc đốt phá, cướp bóc, giết người, bắt đàn bà con gái cho các tướng và cho Tô Định, bắt phu phen, hãm hiếp. Theo lời bố mẹ kể lại, gia đình nàng vốn ở Trung Nguyên nhưng vô cùng loạn lạc, chiến tranh liên miên, dân tình vô cùng đói khổ vì chiến tranh giữa các dòng họ phong kiến để tranh giành đất đai, quyền lực, ngai vàng. Dân tình đói khổ, con cái bị ép đi lính chết chóc, con gái đẹp thì bị các lãnh chúa bắt cho chúng hay bắt vào cung vua. Để tránh hiểm họa cho con cái, bố mẹ mới từ bỏ quê hương, trôi dạt xuống phương Nam xa xôi. Nhưng ở đây cũng bị nhà Hán xâm lược và cuộc sống bách tính cũng vô cùng khổ cực. Nàng nhìn thấy mà căm thù. Bách tính Hán vốn là hiền lành tử tế, sao lại có một bọn phong kiến thống trị đổ đốn tàn bạo đến như vậy? Và nàng đã khởi binh chống lại Thái thú Tô Định. Dưới lá cờ đại nghĩa của nàng thanh niên và đàn ông người Việt đã theo về rất đông, hiện nay đã có khoảng 2.000 nghĩa binh, võ nghệ tương đối thiện chiến.

Chợt một người lính bước vào làm đứt dòng suy nghĩ của nàng:

-Dạ thưa chủ tướng, Tô Định đã sai Tổ Hoài Đức đem 2 vạn quân đang tiến về Tây Châu để đánh chúng ta.

-Cho gọi hai phó tướng Nái Sơn và Quý Lan tới đây.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Một lát hai phó tướng oai phong bước vào. Hai người chắp tay:

-Xin kính chào chủ tướng.

-Xin mời ngồi, hai vị uống nước đi.

-Đa tạ tỉ.

Trong khi hai phó tướng uống nước, Phạm Thị Trâm nói:

-Theo tin do thám vừa về báo thì Tô Định đã cử Tổ Hoài Đức đem 2 vạn quân đang tiến về Tây Châu để đánh chúng ta. Các tướng quân có kế sách gì không?

Nái Sơn nói:

-Ta chọn một con đường nào hiểm trở mà chúng đi qua mai phục mà đánh thì chắc chiến thắng.

Quý Lan nói:

-Nhưng chúng đông quá, chúng không bị mai phục lại quay lại bao vây chúng ta thì chúng ta lâm nguy.

Sau khi suy nghĩ nàng Trâm nói:

-Quý Lan nói có lý, ta mai phục chỉ đánh được một đoạn đầu, đoạn giữa hoặc đoạn cuối, không đủ lực lượng chặn đánh 2 vạn quân. Cho nên cách tốt nhất là cố thủ bảo toàn lực lượng.

Nái Sơn nói:

-Muốn cố thủ thì phải có thành trì nhưng chúng ta không có thành trì.

Phạm Thị Trâm nói:

-Ta rút về Hoa Lư, ở đó có một thung lũng mà chung quanh toàn núi đá dựng đứng rất thích hợp cho việc phòng thủ.

Hai phó tướng nói:

-Ý của chủ tướng rất hay.

-Vậy giặc sắp đến rồi, nổi trống đồng lên để tập trung nghĩa binh.

-Dạ.

Tiếng trống đồng và tiếng trống da bò thúc ngũ liên dồn dập vang động cả vùng Tây Châu. 2.000 nghĩa binh vai mang nặng cung tên, tay cầm dao kiếm nhanh chóng ra Giảng võ đường xếp thành đội ngũ. Chủ tướng Phạm Thị Trâm và hai phó tướng mặc võ phục, hông đeo kiếm, cưỡi trên ba con ngựa đứng trước nghĩa binh. Phạm Thị Trâm nói:

-Hỡi các huynh đệ, Tô Định đã sai tên Tổ Hoài Đức đem 2 vạn quân đang tiến về Tây Châu đánh chúng ta. Với lực lượng địch quá đông, để bảo vệ lực lượng chờ thời cơ thuận lợi giết giặc, nay ta ra lệnh toàn quân rút về vùng núi Hoa Lư dựa vào thành trì núi đá cố thủ và tạo cơ hội tiêu diệt địch. Ta ra lệnh tiến về Hoa Lư.

-Toàn quân hô vang:

-Tuân lệnh chủ tướng.

-Nay ta ra lệnh hành quân. Giành xe ngựa cho tải lương thực, sắt thép, dụng cụ lò rèn để tiếp tục rèn vũ khí. Phó tướng Nái Sơn đi tiên phong, phó tướng Quý Lan đi hậu quân, ta đi trung quân. Toàn quân xuất phát.

-Tuân lệnh chủ tướng.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] . Nay thuộc Nam Trực, tỉnh Nam Định.