Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 28

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.  

Kỳ 28.

  Trưng Trắc đứng dậy gọi:

-Các em đâu!

Một nữ thị vệ bước vào:

-Dạ, thưa Chủ tướng.

Trưng Trắc nói:

-Bày biện đèn hương ở Đại sảnh đường làm lễ tế thiên địa trời đất tổ tiên để tuyên bố khởi binh đánh giặc.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Trưng Trắc nói:

-Cho gọi Trưng Nhị tới gặp ta!

-Dạ.

Trưng Nhị bước vào. Trưng Trắc nói với Trưng Nhị:

-Tướng công Thi Sách đã bị Tô Định giết chết rồi. Khởi nghĩa đã bại lộ. Em điều tất cả quân bản bộ của ta tiến ra vòng ngoài hai dặm bịt tất cả các ngả đường tiến tới Mê Linh, canh phòng nghiêm ngặt đề phòng quân Tô Định tấn công trong đêm nay.

-Dạ.

Trưng Trắc lại ra lệnh:

-Nổi một hồi trống, tín hiệu gọi tất cả các thủ lĩnh về Đại sảnh đường họp khấn cấp.

-Tuân lệnh.

Một hồi trống đồng vang lên khắp vùng Mê Linh trong đêm khuya yên tĩnh. Ánh sao trên bầu trời nhấp nhánh cũng như đang xao động.

Một lát sau, trong căn phòng rộng với những cột gỗ lim to lớn nâu bóng được gọi là Đại sảnh đường, các nữ tướng từ các nơi về tụ nghĩa mang võ phục màu nâu, lưng mang kiếm, tóc búi cao, môi son má phấn rất xinh đẹp và oai phong lẫm liệt đã đến và ngồi đông đủ. Ánh sáng những ngọn đèn dầu lạc lung linh làm cho phòng họp của tổng hành dinh thêm lung linh huyền ảo. Trưng Trắc và Trưng Nhị đầu cài trâm bạc, tóc búi cao, mặc võ phục màu đen ngồi cạnh chiếc bàn rộng, mặt hướng về các nữ tướng. Trong không khí im lặng và trang nghiêm, Trưng Trắc đứng dậy. Tiếng nói của bà trong trẻo vang lên trong Đại sảnh đường:

-Thưa các chư vị  tướng quân, sở dĩ đêm khuya còn triệu tập các vị tới đây vì tình hình việc quân rất khẩn cấp, liên quan đến đại sự tiêu diệt quân thù. Tối nay, tôi vừa nhận được tin chẳng lành do Thi Bằng, em của huyện lệnh  Chu Diên Thi Sách chuyển tới: Do việc chuẩn bị khởi nghĩa của huyện Chu Diên bị lộ, Tô Định đã đem quân đánh bất ngờ và nghĩa quân bị tổn thất nặng nề, huyện lệnh Thi Sách đã anh dũng hy sinh.

Nghe đến đây tất cả các nữ tướng đều choáng váng. Ai cũng biết Thi Sách là chồng chưa cưới của Trưng Trắc. Quả là một tổn thất to lớn và đau buồn. Không biết chủ tướng có đứng vững được không trước tai họa khủng khiếp này. Tất cả đều đứng dậy cúi mình và đồng thanh:

-Xin chia buồn cùng chủ tướng và gia đình. Chúng tôi sẽ hết lòng báo thù cho huyện lệnh Thi Sách để báo thù nhà nợ nước. Xin chủ tướng cho phát đại tang trong toàn quân và nhanh chóng phất cờ khởi sự.

Trưng Trắc nói:

-Xin đa tạ sự chia buồn của các tướng quân với gia đình chúng tôi. Việc phát tang là việc phải làm nhưng chưa làm được bây giờ. Lý do là chúng ta không còn thời gian, việc quân rất gấp. Sau khi giết được huyện lệnh Thi sách, Tô Định sẽ nhanh chóng tiến đánh Mê Linh chỉ nay mai. Ngay đêm nay, chúng ta sẽ ban bố hiệu lệnh nổi dậy tấn công quân thù trong toàn cõi Âu Lạc, tấn công vào tất cả thành trì của quân Đông Hán. Khi cờ đại nghĩa phất lên, chúng ta không thể để không khí đau buồn tang tóc lan trong toàn quân, toàn dân, làm mất nhuệ khí của ba quân. Chờ sau khi khởi nghĩa thắng lợi, chúng ta lấy đầu tên Thái thú Tô Định, máu của quân Hán để tế vong linh của hàng vạn người Việt đã bị quân thù giết chết oan uổng, tế vong linh của tướng công Thi Sách và những nghĩa quân đã hi sinh vì nước. Mời các tướng lĩnh khấu đầu trước Thiên địa, thần thánh của nước Văn Lang, Âu Lạc, khấu đầu trước các liệt Tổ liệt Tông: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ và 18 vị  Hùng Vương phù hộ chúng con tiêu diệt kẻ thù, giành lại độc lập cho non sông đất nước.

Trưng Trắc, Trưng Nhị lui xuống đứng cùng các tướng, hướng lên bàn thờ, đặt ở gian chính của Sảnh đường, có nền cao hơn. Bàn thờ lớn chính giữa bằng gỗ lim có trang trí hoa văn hình chim lạc và những trống đồng. Chính giữa bàn thờ đặt bài vị Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ, hai bên đặt linh vị 18 vua Hùng. Trước linh vị là những lư hương đang cháy nghi ngút. Kê vuông góc hai bên đầu bàn lớn là hai chiếc bàn nhỏ hơn đặt linh vị Tản Viên, Thánh Gióng, Cao Lỗ và những tướng lĩnh của Văn Lang, Âu Lạc đã hi sinh trong trận chiến chống quân Tần năm 218 trước công nguyên và quân Nam Việt năm 179 trước công nguyên, bàn đối diện đặt linh vị Thi Sách và những linh vị của những nghĩa quân đã hi sinh trong cuộc chiến chống quân Đông Hán và bị Tô Định giết hại. Những lư hương ở các bàn thờ lửa hương nghi ngút, huyền ảo, linh thiêng và trang nghiêm, những ngọn đèn dầu lạc bập bùng hắt lửa. Những khay trầu xanh màu lá trầu quả cau, những vò rượu cất bằng gạo đựng trong những chiếc hũ sành. Khoảng không gian trống của bức tường đặt bàn thờ chính, một lá cờ vàng, giữa thêu chữ Hùng Lạc màu đỏ được treo lên cao. Đây là lá cờ sẽ tung bay cùng nghĩa quân trên khắp các mặt trận đánh quân Đông Hán. Trong không khí trang nghiêm đó, Trưng Trắc khấu đầu khấn vái, tiếng của bà nhỏ nhưng trang nghiêm đủ cho các tướng trong đại sảnh đường cùng nghe thấy:

-Kính thưa thiên thần, địa thần, long thần Văn Lang, Âu Lạc, Kính thưa liệt Tổ liệt Tông, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, 18 Hùng Vương, đã hơn 200 năm nay đất nước Văn Lang, Âu Lạc mất vào tay bọn giặc phương Bắc. Dân tình điêu linh và sớm muộn cũng diệt vong trong bàn tay độc ác của quân thù. Nay chúng con không ngại hy sinh máu đổ để cứu giống nòi. Kính mong thiên thần, địa thần, long thần phương Nam, kính mong liệt Tổ, liệt Tông phù hộ cho chúng con chiến thắng tiêu diệt quân thù để cứu nguy dân tộc, bảo vệ cho giống nòi Lạc Việt, Âu Việt tránh được họa diệt vong.

Trưng Trắc dứt lời quỳ xuống hướng lên bàn thờ vái lạy. Các tướng phía sau cùng qùy xuống hành lễ vái lạy ba lần. Khi Trưng Trắc, Trưng Nhị đứng lên thì các tướng cũng đứng lên nghiêm trang chờ nghe mệnh lệnh. Một nữ binh cận vệ đưa cho Trưng Trắc một cuộn giấy màu hồng. Trưng Trắc cầm cuộn gấy mở ra và nói:

-Các tướng sĩ ba quân và toàn dân hãy nghe lệnh khởi nghĩa:

-Hỡi thần dân con cháu của vua Hùng!

Hỡi thần dân của Văn Lang-Âu Lạc!

Tổ tiên của chúng ta, các vua Hùng đã trải qua hơn 1.000 năm mở mang đất nước, xây dựng cõi bờ, bảo vệ cho con cháu chúng ta. Chúng ta không bao giờ đụng chạm tới người Hán ở phương Bắc, nhưng chúng vẫn thèm muốn đất đai và lãnh thổ của các tộc người Việt. Các triều Hán từ Ân Thương, Tần đều xua quân xuống phương Nam chiếm đất đai, diệt dòng giống Bách Việt.

Sau sự kiện An Dương Vương trúng kế gian tà của địch khiến nước mất vào tay nhà Triệu, đến khi nhà Hán diệt nhà Triệu thì ta lại thuộc nhà Tây Hán và nhà Đông Hán. Nhà Hán thi hành một chính sách thống trị, áp bức bóc lột tàn bạo, ra sức đẩy mạnh tiêu diệt nòi giống Lạc Việt-Âu Việt, tiêu diệt nền văn hóa, tiêu diệt phong tục tập quán, ngôn ngữ để đồng hóa chúng ta thành dân Hán. Từ năm 34 đến nay khi Hán Quang Vũ Đế sai Tô Định sang làm Thái thú, sự giết chóc tàn ác, bóc lột càng tăng lên bội phần khiến dân tộc ta đứng trước nguy cơ diệt vong không thể tránh khỏi. Sự căm thù của mọi người dân Việt đã lên đến cực điểm, không thể đội trời chung với giặc được nữa.

Hỡi thần dân con cháu của các vua Hùng! Chúng tôi dù là phận nữ nhi nhưng nay kiên quyết đứng dậy phất cao ngọn cờ cứu nước, cứu giống nòi, giải phóng đất nước, giành lại giang sơn Lạc Hồng xưa. Hỡi thần dân của giống nòi Lạc Việt, Âu Việt, hãy nhất tề cầm vũ khí đứng dậy đánh đuổi giặc Đông Hán, cứu nước, cứu nhà, cứu nòi giống qua cơn nước sôi lửa bỏng. Hỡi thần dân của các Vua Hùng hãy đứng lên!!!

                                                                                            Nay kính cáo”.

Đọc xong hịch văn, Trưng Trắc nghiêm dọng nói dõng dạc:

-Các tướng lĩnh nghe mệnh lệnh chiến đấu: Các tướng lĩnh sau đây nghe phong chức vụ và có nhiệm vụ tấn công các thành trì quanh Mê Linh  tiến tới tấn công Luy Lâu, thủ phủ cai trị của nhà Đông Hán ở nước ta:              

-Đạo đi Tiên Phong: Nay phong Nữ tướng Ả Lả, Rồng Nhị làm tướng tả tiên phong, nữ tướng Thiều Hoa làm hữu tướng Tiên phong,           

-Nữ tướng Phùng Thị Chính chức trưởng nội thị tướng quân, cùng nữ tướng Hàn Hãn làm tiên phong tiền quân.

  -Đạo tả quân tiên phong: Nay phong Quách A-Khâu Ni, ba chị em: Đạm Nương, Hồng Nương, Thanh Nương làm tả đạo tướng quân.

-Đạo Trung Quân: Nay phong Hàn Sanh làm nguyên soái, phong Hàn Giá làm Tư thiên giám quân Binh đào điển, phụ trách sổ sách, đốc thúc quân lương cho nghĩa quân. 

(Còn nữa)

CVL