CHƯƠNG MỘT: TỪ CHIẾN KHU VIỆT BẮC TỚI THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Hồi còn bé, ở chiến khu Việt Bắc, tôi thường được nghe bố tôi ngân nga bài hát “Nhớ chiến khu” (Đỗ Nhuận):
Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều.
Bên đèo lắng suối reo ngàn thông réo.
Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều
Bên đèo đoàn quân réo đạn bay vèo
Hôm nay đây vai vác súng trông mây, trăng gió buồn đứng.
Chiều vàng nhớ núi rừng.
Tiến! Tiến! Lời hô vang bên ngàn còn dư vang.
Máu thắm còn như loang, trên ngàn còn đỏ loang.
Hỡi chiến sĩ đoàn chinh phu với chiến khu.
Hãy quay về đem xương máu ngăn quân thù.
Hỡi chiến sĩ người chinh phu với chiến khu.
Hãy quay về thề đem máu rửa quốc thù.
Ơ… quân hò dân hò xa.
Khắp muôn trùng ầm chiêng trống
Tiếng quân hò, dân hò vang trên đường xa.
Chiều nay xa chiến khu trên đường về.
Sương chiều lác đác rơi trời dần tối.
Rừng sâu xa, núi cao cao mờ.
Tiếng quân hò lời chưa dứt dưới bóng cờ.
Thôi chia ly vai vác súng trông mây trăng gió buồn đứng
Chiều vàng nhớ núi rừng.... Ơ …...
Dạo ấy, bố tôi là bộ đội, thỉnh thoảng được về thăm gia đình chúng tôi ở Chu Hưng, Phú Thọ. Bài hát về bộ đội ấy ngân lên khi tôi có niềm vui được gặp bố, cứ ngấm dần vào huyết quản, trở thành tiềm thức, khiến tôi yêu âm nhạc từ thủa ấy.
Tôi cũng nhớ, có những buổi sinh hoạt giữa bộ đội và dân làng, mọi người tạo thành vòng tròn, ở giữa có đống lửa to bốc cháy ngùn ngụt, và các anh bộ đội cùng vui văn nghệ với nhân dân. Bài hát mà cả bộ đội và nhân dân hòa giọng ca vang, là bài:
“Đêm liên hoan
Ta múa ta ca
Vui quanh lửa hồng
Tình yêu mênh mông
Và muôn tiếng cười reo vang...”
Gì ruột tôi, một thanh nữ có giọng hát tốt, cũng lên góp vui với bài hát “Bộ đội về làng” (Lê Yên – Hoàng Trung Thông):
Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Ước mong sao đến khi nào trở lại.
Đón mừng anh vui chiến thắng về qua.
Các anh về mái ấm nhà vui
Cất tiếng hát câu cười rộn ràng trong xóm nhỏ (ờ ớ ơ...)
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu. Vui đàn con ở rừng sâu mới về.
Từ lưng đèo dốc đá mù che
Các anh về xôn xao làng tôi bé nhỏ (ờ ơ)
Nhà lá đơn sơ nhưng tấm lòng rộng mở (ờ ơ ớ ơ ờ ơ...)
Nồi cơm nấu dở, bát nước chè xanh
Ngồi vui (ớ ơ...) ta kể chuyện tâm tình bên (ớ ơ) nhau.
Nhớ khi xưa làng xóm cũ dân nghèo .
Sống thầm đêm dài tăm tối
Mấy năm qua, ấm no mừng cuộc đời
Cấy hái tốt tươi, vườn đất nhà vun xới (ớ ớ ơ...)
Các anh về đây quê mình nay hớn hở (ờ ơ)
Ruộng đất quê ta như sóng dềnh biển cả (ờ ơ ớ ơ ờ ơ...)
Giờ đây phấn khởi cuốc bẫm cày sâu
Niềm tin thiết tha...
Ơn Cụ Hồ muôn đời bao (ớ ơ ờ) la...
Tuy còn nhỏ, chưa hiểu gì lắm về tình quân dân, nhưng trong không khí vui tươi, thân ái mà các chú bộ đội cùng dân làng tạo nên, với những bài hát về bộ đội, về dân và bộ đội, tôi cũng đã thấm được phần nào tinh thần đoàn kết quân – dân. Hàng ngày, tôi thường được nghe gì ruột hát những bài hát yêu quê hương, đất nước, trong đó có bài mà tôi đã thuộc lòng: “Làng tôi xưa dưới chân Ba vì êm đềm rộn ràng bên bóng câу thắm tươi...” Hay là: “Tôi yêu hòa bình như con chim xinh ríu rít ca bình minh”... Có một bài hát khá dài, tên là “Nhạc tuổi xanh” của nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng tôi nghe nhiều người hát nhiều lần nên thuộc và được cuốn vào nhịp sống trong bài hát ấy, cũng với sự thơ ngây của con trẻ nhưng có cái khát khao được sống trong khung cảnh tự do, hòa bình:
Một mùa Thu năm qua Cách Mạng tiến ra
Nước Việt bừng ngàn tiếng
thanh niên tung gông phá xiềng
Đoàn người trai ra đi, miệng hô lớn: ''Quyết chiến''
''Quyết chiến''... chân oai nghiêm đều tiến.
Một ngày qua thanh niên giã từ giấc mơ
Phất cờ hồng nhuộm máu,
đấu tranh cho muôn kiếp sầu
Đời người bao gian lao vì non nước: ''Quyết chiến''
''Quyết chiến''... lúc chưa phai tuổi xanh.
Tuổi xanh như lúa mai
Đời thanh niên sáng tươi
Thuở nay chinh chiến chờ đợi người
Về đây tay nắm tay
Đài vinh quang đắp xây
Miệng hô câu hát vang trời mây.
Cùng đi, đem máu lên đỏ ngọn cờ
Cùng đi, đem sức trai đổ xuống bờ, bờ ruộng xanh
Tôi cùng anh, ta tranh hùng chờ ngày hoà bình
Nồng nàn sống (ư) vui tuổi xanh.
Đường ta, ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây
Ruộng ta, ta cứ cầy đợi ngày
Ngày mai bao ấm no, diệt xong quân Pháp kia
Cười vang ta hát câu Tự Do.”
Giai điệu Tổ quốc bắt đầu hình thành trong tôi một cách bình dị như vậy.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc. Bố tôi là bộ đội. Gia đình tôi theo kháng chiến. Khi thì ở Tuyên Quang. Lúc lại ở Phú Thọ. Có khi tản cư lên cây số 14… Nhưng dù ở đâu thì tôi vẫn thường được nghe những bài hát kháng chiến. Nghe bố tôi hát. Nghe dì tôi hát. Nghe qua mấy chiếc loa truyền thanh mắc ở trên cây. Nghe khi sinh hoạt quân dân… Những bài hát thường mô tả và động viên cuộc kháng chiến của dân tộc.
Qua “Đường lên Tây Bắc” (Văn An) miêu tả một vùng rừng núi khác cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Bắc, nơi tôi sinh sống:
“Đường lên Tây Bắc xa xôi nếp nhà sàn thấp thoáng.
Đằng xa tiếng hát dân quân tiếng reo lưng đồi nương.
Cùng bảo vệ quê hương, sức trai bền gan chiến đấu.
Tay súng dân quân bao phen còn ghi máu thù.
Giặc lên không mong ngày về, đồng quê vang khúc mến yêu.
Đường lên Tây Bắc quanh co, tiếng chim rừng đây đó.
Đằng xa tiếng hát đồng xanh, lúa reo trên đồi cao.
Cùng tập đoàn gia tăng, phá nương trồng thêm ngô sắn.
Ta quyết thi đua nuôi quân để mau thắng thù.
Cùng nhau ta khơi luống cày, gìn giữ nương lúa mến yêu.”
Rồi, đội ta đã “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành) để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ:
“1- Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa
Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua
Bộ đội ta vâng lệnh Cha già
Về đây giải phóng quê nhà
Đất nước miền Tây Bắc đau thương
Từ bao lâu dưới ách loài giặc tàn ác
Quân với dân một lòng không phân biệt xuôi ngược
Cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù.
2- Đây miền miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan
Nương lúa xanh về ta vui sống trong tự do
Miền rừng núi hướng về Cha già
Từ đây đời sống chan hòa
Chiến thắng miền Tây Bắc hân hoan một niềm vui
Thoát ách loài giặc tàn ác.
Tay nắm tay vui mừng ta xây lại quê mình
Miền Tây tươi đẹp ánh ban mai.”.
Tuy nhỏ tuổi, nhưng luôn luôn phải cùng gia đình tản cư để tránh lũ giặc tràn lên càn quét, tôi đã biết được thế nào là lũ giặc tàn ác. Khi chúng đổ quân càn quét, gia đình tôi phải đùm túm nhau tản cư; nhiều lúc anh em tôi phải ngồi vào thúng để bà tôi gánh đi. Có một câu chuyện đã hằn trong trí óc non trẻ của tôi. Đó là một lần giặc càn lên, gia đình không tản cư kịp, phải chạy về ẩn núp ở một xóm nhỏ ven núi. Mẹ tôi, lúc ấy là một thiếu phụ xinh đẹp, lấy quần áo rách ra mặc và bôi mặt cho đen đúa, xấu xí đi. Tôi khóc ngằn ngặt, đòi mẹ mặc quần áo ngày thường và rửa sạch mặt mũi. Giải thích thế nào, cũng không khiến cho tôi thôi khóc, và tôi cứ đòi “Không thích mẹ xấu. Trả mẹ đẹp đây!”. Mẹ đành thay cái áo vá chằng vá đụp bằng cái áo cánh nâu, và rửa mặt sạch sẽ. Cũng may, là khi ấy bọn giặc chỉ đến đầu xóm rồi rút. Với tôi, giặc là thế đấy, kẻ khiến mẹ tôi đang sạch sẽ, xinh tươi biến thành một bà lão bẩn thỉu, rách rưới, xấu xí! Cho nên, bài hát “Qua miền Tây Bắc” đã gieo vào lòng tôi một niềm vui bất tận.
Rồi gia đình tôi chuyển lên Cây số 14 Tuyên Quang. Đêm đêm, tôi thấy hàng đoàn người rầm rập tiến ngược lên. Lại có đêm, tôi thấy cả nhà hốt hoảng gọi vào trong xóm nhờ người ra ứng cứu, vì nghe có tiếng người thở hổn hển ở ngoài cửa. Hóa ra, đó là một tên lính Pháp, một hàng binh. Sau một thời gian, tôi lại thấy hàng đoàn người rầm rập xuôi về thị xã Tuyên Quang. Gia đình tôi cũng hòa vào dòng người ấy. Tới đầu thị xã, tôi nghe loa truyền thanh vang lên bài hát “Chiến thắng Điện Biên” (Đỗ Nhuận):
“Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về.
Giữa mùa này hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui.
Bản mường xưa nương lúa mới trồng.
Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa.
Dọc đường chiến thắng ta tiến về
Đoàn dân công tiền tuyến vẫy chào pháo binh vượt qua.
Súng đại bác quấn lá ngụy trang
Từng đàn bươm bướm trắng rỡn lá ngụy trang
Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc
Đồng bào nao nức mong đón ta trở về.
Giờ chiến thắng ta đã về vui mừng đón chúng ta tiến về
Núi sông bừng lên.
Đất nước ta sáng ngời cánh đồng Điện Biên.
Cờ chiến thắng tưng bừng trên trời.
Giải phóng miền Tây bộ đội ta đã mau trưởng thành
Thắng trận Điện Biên Phủ càng tin quyết tâm ở trên
Đổ mồ hôi phá núi bắc cầu.
Vượt rừng qua suối đắp đường thắng lợi về đây.
Phương châm đánh chắc ta tiến lên
Lực lượng như bão táp quân thù mấy cũng phải tan
Vang lừng tiếng súng khi mừng công
Thỏa lòng ta dâng Bác bấy lâu chờ mong
Xiết bao sướng vui nhìn đồng quê phơi phới
Nông dân hăng hái khi chúng ta trở về.
Ruộng đất chúng ta đã về vui mừng đón chúng ta tiến về
Chiến sĩ Điện Biên
Thế giới đang đón mừng.
Chiến dịch đại thắng lợi góp sức xây dựng hòa bình”.
Bài hát thôi thúc bước chân nhỏ bé của tôi, nhanh nhanh về lại nhà ở Cây đa nước chảy, trong niềm vui không còn lo giặc càn quét, không còn lo bom cày đạn xới nữa. Sau này, kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng Thủ đô, đang học cấp ba, tôi lại có một kỷ niệm đẹp với bài hát “Chiến thắng Điện Biên”. Đó là một buổi lễ kỷ niệm đặc biệt tại sân vận động Hàng Đẫy Hà Nội. Nhóm học sinh chúng tôi được phân công phụ giúp màn trình diễn tái hiện trận đánh của bộ đội vào cứ điểm quân Pháp ở Điện Biên phủ. Tôi ngồi trong một mô hình lô cốt địch, có nhiệm vụ bật quạt để tấm lụa đỏ bay lên phần phật giống như lửa cháy, khi có hiệu lệnh là lô cốt đó bị tiêu diệt. Sau đó, hết nhiệm vụ, chỉ ngồi trong đó xem các hoạt cảnh diễn ra xung quanh. Ấn tượng nhất là cảnh hàng đoàn người với trang phục đủ các dân tộc diễu hành quanh sân vận động, trong tiếng nhạc Chiến thắng Điện Biên vừa hùng tráng, vừa vui tươi. Trong đoàn, các cô gái Thái với váy, áo mầu chàm và hàng cúc bạc lấp lánh, tay cầm lục lạc, lắc cổ tay, tạo thành những tiếng kêu lanh canh, nghe rất chộn rộn. Rồi các bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Vì nhân dân quên mình”... vang lên hùng tráng thổi bùng lên ngọn lửa tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của nhân dân ta.
Trở lại thời mới hòa bình, tôi nhớ rằng mình được nghe nhiều bài hát vui lắm. Rộn ràng, lảnh lót là bài “Quê tôi giải phóng” (Văn Chung):
Từ ngày giải phóng quê tôi.
Mít tinh lại họp A là hô hoan hô!
Rợp trời cờ đỏ A là hô hoan hô!
Rợp trời cờ đỏ tung bay.
Ríu ra ríu rít, từng đàn con nít
Rung dăng dung dẻ từng đàn con trẻ
Đi học ban ngày.
Đồng ruộng của ta thẳng cánh cò bay
Chồng cày vợ cấy thoả chí từ nay.
A từ nay thoả chí vun trồng.
Xây dựng nên nước giầu dân mạnh.
Ta cùng là cùng ấm no.
Hoà bình thành phố yên vui.
Đón anh bộ đội A là hô hoan hô.
Rợp trời cờ đỏ A là hô hoan hô.
Rợp trời cờ đỏ tung bay.
Phố trên phố dưới,
Lòng người phơi phới.
Bến sông khu chợ dập dìu xe ngựa xuôi ngược con thuyền.
Đường rộng thênh thang thành phố của ta.
Hầm mỏ, cầu cống nhà máy của ta.
Ơn này ta nhờ có Bác Hồ,
Xây dựng nên nước giầu dân mạnh.
Ta cùng là ấm no.”
Bài hát miêu tả được sinh động đời sống nơi thôn dã khi chiến tranh chấm dứt, được lao động, hội họp tự do, được đi học ban ngày, không sợ bom đạn nữa. Hồi đó, bài hát này chạm vào lòng đông đảo công chúng, bởi nó thể hiện chân thực tình cảm, tâm lý, phong thái của con người khi bước qua cuộc chiến tranh với tình yêu hòa bình tha thiết.
Kêu gọi, động viên là bài “Đóng nhanh lúa tốt” (Lê Lôi - Huyền Tâm):
“Lúa tháng năm kén tằm vàng óng
Hạt khô giòn đem đóng thuế nông
Thúng đầy anh gánh tôi gồng
Kĩu cà kĩu kịt qua sông qua đò.
Lúa nhiều chiến thắng càng to
Đồn Tây càng đổ câu hò lại vang
Đóng nhanh nhanh khắp xóm làng
Em thách thôn chàng nộp đủ nộp mau.
Thóc vàng muôn hạt như nhau
Chớ mang thóc lép qua cầu gió bay
Thóc lép bay thẹn tay sàng sẩy
Chúng bạn cười vai quẩy thêm đau.
Nắng nhiều sớm nở hoa cau
Đóng nhanh lúa tốt càng mau thắng thù”
Bài này, được sáng tác từ khi ta chưa chiến thắng Điện Biên, nhưng lại được hát rất nhiều vào thời hòa bình vừa lập lại, động viên người nông dân làm tròn nghĩa vụ đóng thuế, riêng với tôi, cứ thấy chộn rộn bởi giai điệu tươi vui, ngọt ngào, tiết tấu dập dìu, khỏe khoắn.
Tuy không cùng về Thủ đô với đoàn bộ đội, nhưng, tôi cũng được sống trong không khí hồ hởi, hào hùng của quân – dân Hà Nội qua bài hát “Tiến về Hà Nội”(Văn Cao):
“Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố.
Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về
Cả cuộc đời tươi vui về đây.
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh.
Chúng ta ươm lại hoa sắc hương phai ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên...
Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành dường nghe gió về
Hà Nội bừng tiến quân ca”.
(Còn nữa)