Ngành Kinh tế Hợp tác và PTNT: Một số kết quả nổi bật, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

27/03/2024 13:08

Để hiểu rõ một số kết quả công tác nổi bật trong năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và những năm tiếp theo của Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, dưới đây là cuộc trao đổi của PV với ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT.

PV: Xin ông có thể khái quát một vài nội dung về bức tranh chung của Ngành nông nghiệp và PTNT trong năm 2023?

Ông Lê Đức Thịnh: Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, song giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp và PTNT (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%. 

Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản là 53,01 tỷ USD chưa đạt mục tiêu 54-55 tỷ USD nhưng xuất siêu năm 2023 đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%, gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%). Trong đó, có sáu mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 3 tỷ USD gồm: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; Gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; Hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; Càphê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; Tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; Gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%.

anh-1-ts-le-duc-thinh-cuc-truong-cuc-kinh-te-hop-tac-bo-nong-nghiep-va-ptnt-1613710357067449195929-1711519609.jpg
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT

Kết thúc năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm, (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022); trong đó có 37,9% là HTX, 24% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2023 là Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.

Đặc biệt, trong năm 2023, Ngành Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, tiêu biểu như: Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai.… Qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; nhất là việc phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT

PV: Trong thành tích chung đó, Ngành Kinh tế Hợp tác và PTNT đóng vai trò như thế nào?

Ông Lê Đức Thịnh: Từ đầu năm, ngành Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn đã tự chủ động ban hành Chương trình nhiệm vụ trọng tâm nhằm tổ chức triển khai các hoạt động và đánh giá kết quả. Các lĩnh vực như kinh tế tập thể, HTX, nghề nông thôn và cơ giới hóa nông nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí và vai trò của mình. Cụ thể, HTX nông nghiệp đã trở thành một yếu tố then chốt trong việc phát triển chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, góp phần quan trọng vào việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản cũng đã có bước phát triển đáng kể, với việc áp dụng ngày càng nhiều công nghệ tiên tiến và công nghệ số.

Ngoài ra, phát triển ngành nghề nông thôn và đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm và cải thiện đời sống của họ. Các dự án sắp xếp và bố trí dân cư cũng đã giúp đời sống của người dân tại nhiều khu vực tái định cư trở nên ổn định và phát triển. Những thành tựu này không chỉ đạt được nhờ vào sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan quản lý và các địa phương, mà còn nhờ vào sự đóng góp và sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân và các cơ quan truyền thông. Đồng thời, sự thống nhất và nỗ lực từ toàn bộ ngành cũng đã giúp đạt được mục tiêu và góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.

PV: Vâng xin ông có thể nêu một số kết quả nổi bật của Ngành Kinh tế Hợp tác và PTNT đã đạt được trong năm 2023?

Ông Lê Đức Thịnh: Trước hết trong công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn đã trở nên chủ động, quyết liệt và dân chủ hơn. Trong năm 2023, ngành này đã tham mưu và xây dựng một số văn bản quan trọng, bao gồm 01 nghị quyết, 02 nghị định, 01 chiến lược, 02 đề án và 02 thông tư.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030. Hiện tại, các văn bản đã được hoàn thiện và chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành hoặc trình Chính phủ. Nghị định về cơ giới hoá nông nghiệp và đề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp vẫn đang chờ được ban hành hoặc hoãn thời gian thực hiện. Thông tư hướng dẫn triển khai Chương trình Bố trí dân cư các vùng đã được ban hành.

Ngoài ra, ngành này cũng đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông và hội thảo để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, hội thảo về HTX nông nghiệp đã được tổ chức thành công, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các nhiệm vụ phát triển của ngành này. Đặc biệt, Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT đã chủ trì tham mưu tổ chức thành công Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023; Diễn đàn 970 thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền; Diễn đàn HTX nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; Tọa đàm phát triển HTX NN bền vững chào mừng 77 năm Ngày HTX Việt Nam; tham gia phối hợp tổ chức thành công Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Hậu Giang…

Về lĩnh vực Kinh tế hợp tác và Trang trại: Trong những năm gần đây, lĩnh vực Kinh tế hợp tác và Trang trại đã tập trung vào việc triển khai một loạt các nhiệm vụ quan trọng, bao gồm: Triển khai Đề án phát triển HTX NN thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL: Đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Bộ và các địa phương vùng ĐBSCL để đẩy mạnh triển khai Đề án. Các hoạt động như tổ chức Hội nghị, Diễn đàn đã được triển khai để đề xuất giải pháp và chỉ đạo các địa phương ban hành kế hoạch cụ thể hỗ trợ các HTX NN; Phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm thủy sản đạt chuẩn: Đã có những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu. Các công trình hạ tầng đã được hoàn thành, và các dự án liên kết đã mang lại kết quả tích cực, với việc thành lập các chuỗi sản phẩm liên kết và tổ khuyến nông cộng đồng; Phát triển khu vực kinh tế tập thể và HTX: Các HTX đã phát triển ổn định cả về số lượng và chất lượng. Các mô hình HTX nổi bật đã góp phần vào việc khai thác tiềm năng địa phương và tăng thu nhập cho người lao động. Số lượng Liên hiệp HTX nông nghiệp cũng đã tăng lên, điều này cho thấy sự phát triển tích cực của lĩnh vực này; Phát triển liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP: Có sự tăng cường đáng kể về số lượng HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp và hộ nông dân tham gia các dự án liên kết. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết cũng đã tăng lên đáng kể.

Kết quả đến hết năm 2023, trong các vùng nguyên liệu đã có 56 chuỗi sản phẩm liên kết và 22 dự án/kế hoạch liên kết; có 26 doanh nghiệp tham gia liên kết (trước khi có đề án chỉ có 08 doanh nghiệp); có 60 HTX và 876 hộ nông dân tham gia liên kết. Đã thực hiện cấp được 76 mã số vùng trồng cho các cây trồng như lúa gạo, sầu riêng, xoài với diện tích 3.059 ha trong các vùng nguyên liệu; thành lập được 26 Tổ khuyến nông cộng đồng với sự tham gia của 168 thành viên tại 13 tỉnh thuộc (02 tổ/tỉnh). Các tỉnh tham gia đề án đã thành lập thêm 49 tổ khuyến nông cộng đồng với sự tham gia của 321 thành viên…

Tính đến hết tháng 12/2023, cả nước có 100 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 20.789 HTX nông nghiệp trong đó khoảng 65% xếp loại khá, tốt và gần 2.500 HTX NN ứng dụng CNC, chuyển đổi số, đặc biệt có trên 4.339 HTX tham gia đảm nhận bao tiêu nông sản cho thành viên. Hiện cả nước có 19.660 trang trại, trong đó: 3.308 trang trại trồng trọt, 12.349 trang trại chăn nuôi, 133 trang trại lâm nghiệp, 1.810 trang trại nuôi thủy sản, 2.060 trang trại tổng hợp. Có 1.034 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 56 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, 4.235 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Về phát triển liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay có 2.204 HTX, 517 Tổ hợp tác, 1.091 doanh nghiệp và 186.829 hộ nông dân tham gia. Hiện các địa phương đã phê duyệt được 2.146 dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, trong đó: Trồng trọt 1.504 dự án, chăn nuôi 489 dự án, lâm nghiệp 61 dự án, thủy sản 92 dự án.

Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết ngày càng được cải thiện và đã đạt được nhiều kết quả: Đến nay, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 21,6%; trong đó nhiều sản phẩm chủ lực quốc gia đạt tỷ lệ % giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết khá cao.

Lĩnh vực Ngành nghề nông thôn và Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề theo Quyết định số 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay cả nước có 216 nghề truyền thống, 2.039 làng nghề, làng truyền thống đã được công nhận. Tổng số cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn khoảng 880 nghìn cơ sở, bao gồm 13.201 DN, 5.592 HTX, 5.994 THT và trên 783.474 hộ gia đình, tạo việc làm cho trên 3,7 triệu lao động. Doanh thu các hoạt động ngành nghề nông thôn đạt trên 202.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu/lao động/năm. Đặc biệt, chủ trì chuẩn bị và tổ chức thành công chuỗi sự kiện Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, với sự hiện diện của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương và đại diện 25 đại sứ quán, tham tán, các tổ chức quốc tế.

Triển khai các Quyết định của Bộ về đào tạo nghề nông nghiệp trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, đã bước đầu hình thành được hệ thống các tài liệu, chương trình, giáo trình đào tạo mới, học liệu điện tử theo yêu cầu của thực tiễn. Bộ đã giao cho các Trường, đơn vị đào tạo tổ chức đào tạo nghề cho trên 4.768 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động có thu nhập thấp và 1.295 lao động nông thôn được học nghề sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các tài liệu, sổ tay hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất một số sản phẩm chủ lực phục vụ cho truyền thông, tuyên truyền nâng cao năng lực cho nông dân... Các địa phương cũng đã tổ chức triển khai thực hiện và đào tạo được gần 200.000 người. Lao động trong các vùng nguyên liệu được quan tâm đào tạo, nhất là đào tạo các kỹ năng về quản trị sản xuất, hạch toán kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo đem lại hiệu quả.

Lĩnh vực Bố trí dân cư nông thôn: Kết quả thực hiện Chương bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg, năm 2023 cả nước bố trí ổn định cho khoảng 6 nghìn hộ, góp phần hạn chế thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, hạn chế di cư tự do, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh. Các hộ dân DCTD tiếp tục được bố trí sắp xếp ổn định, cơ bản giảm tình trạng dân DCTD (năm 2021 có 127 hộ, năm 2022 chỉ có 22 hộ, trước và sau tết nguyên đán năm 2023 có 6 hộ).

Tình hình thực hiện công tác di dân, tái định cư và ổn định đời sống, sản xuất sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện: Đến nay có tổng số 152 dự án thủy lợi, thủy điện phải thực hiện công tác di dân, tái định cư, với tổng số hộ dân phải di dời tái định cư là 81.397 hộ (trong đó: số hộ đã di chuyển đến các điểm tái định cư là 77.429 hộ (chiếm 95,1%); số hộ chưa di chuyển là 3.968 hộ thuộc 25 dự án thủy lợi, thủy điện (chiếm 4,9%), trong đó: 86 dự án thuỷ điện, với tổng số hộ phải di dời, tái định cư là 67.320 hộ; 66 dự án thuỷ lợi, với tổng số hộ phải di dời, tái định cư là 14.062 hộ.

Tuy nhiên, quỹ đất để thực hiện các dự án bố trí dân cư còn hạn chế, đặc biệt là đất sản xuất tại điểm tái định cư; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do còn nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết; còn tồn tại điểm nóng về tranh chấp đất đai chậm được giải quyết, dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tình trạng dân di cư tự do đã giảm mạnh, song đến nay còn khoảng 8,8 nghìn hộ (riêng các tỉnh Tây Nguyên là hơn 7,9 nghìn hộ tập trung chủ yếu các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) cần tiếp tục được bố trí, sắp xếp ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch (trong đó: khoảng 6,3 nghìn hộ đã được quy hoạch theo từng dự án và 2,5 nghìn hộ đang sống phân tán tại các địa phương). Nguyên nhân dẫn đến còn nhiều hộ chưa được bố trí ổn định vào các điểm dân cư

Lĩnh vực Chính sách phát triển nông thôn: Trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Cục đã tham mưu cho Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đến nay đã có một số kết quả, đó là: 48/48 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình đã ban hành quy định mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; có 45/48 tỉnh đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; 63/63 tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và năm 2023; 42/48 tỉnh ban hành quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo của 56 tỉnh thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện được 682,051 tỷ đồng; hỗ trợ PTSX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên 1.100 dự án cho khoảng 37.520 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, trung bình từ 300 - 500 triệu/dự án; 100% hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức 371 lớp tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị với 17.245 người tham gia.

Lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp, nông thôn: Cơ giới hoá nông nghiệp được Chính phủ, Bộ, địa phương, người dân ngày càng quan tâm, nhiều loại máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, cơ giới hoá đồng bộ sản xuất các ngành hàng chủ lực đã phát triển tại một số địa phương. Qua đó một số công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp như: Thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc BVTV, gieo hạt, phân, bơm nước thông minh... Nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, một số khâu đạt mức 100%. Một số địa phương đã hình thành các mô hình sản xuất lúa thông minh (mô hình trồng lúa thông minh của HTX Mỹ Đông 2, Đồng Tháp).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Chưa có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích, hỗ trợ cơ giới hoá, cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp, sau khi Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2020. Một số nội dung có liên quan đến cơ giới hoá nông nghiệp chưa được đề cập đến như: An toàn lao động cho người sử dụng máy móc, thiết bị; Quản lý chất lượng; Tiêu chí xác định cơ giới hoá, cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy, thiêt bị nông nghiệp; Cơ sở hạ tầng đồng ruộng còn khó khăn…

Lĩnh vực Diêm nghiệp: Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030. Ngành Kinh tế hợp tác và PTNT đã tham mưu văn bản chỉ đạo các tỉnh tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh muối, trong đó có giải pháp bảo vệ đất làm muối đã quy hoạch, tránh trình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm muối; triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng đã được thực hiện có hiệu quả. Đến nay đã tổ chức triển khai tại 05 tỉnh, gồm: Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, Bạc Liêu và Bến Tre với quy mô diện tích là 7,0 ha.  Tính đến ngày 20/11/2022, diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 10.748,7 ha, trong đó: DT muối thủ công đạt 7.249,9 ha; DT muối CN đạt 3.497,7 ha; sản lượng muối đạt 883.783,5 tấn. Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp là 198.952,0 tấn.

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

PV: Ông có thể chia sẻ một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành Kinh tế Hợp tác và PTNT?

Ông Lê Đức Thịnh: Với quan điểm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, trọng tâm, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch. Ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã cơ bản thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách ở hầu hết các lĩnh vực. Một số lĩnh vực như phát triển trang trại, cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay cũng đã trình hoặc đang xây dựng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành cũng đã được Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn kịp thời tham mưu cho Bộ ban hành các Kế hoạch hành động hoặc Văn bản hướng dẫn để các địa phương làm cơ sở, căn cứ triển khai thực hiện.

Một trong những thuận lợi của ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đó là có cả một hệ thống tổ chức từ cấp Trung ương đến địa phương: Gần 50 biên chế thực hiện nhiệm vụ tại Cục, 1.378 biên chế thực hiện nhiệm vụ tại các Chi cục và 571 biên chế thực hiện nhiệm vụ tại huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Kinh tế) nên việc triển khai công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cơ bản luôn đáp ứng được yêu cầu.

Các lĩnh vực ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, chức năng trong công tác tham mưu về chính sách, xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất… Một số  nhiệm vụ như kinh tế tập thể, HTX; ngành nghề nông thôn; bố trí dân cư nông thôn ngày càng chủ động tham gia nhiều vào các Chương trình, đề án, dự án quan trọng của Bộ, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa lúa chất lượng cao; Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn…

Ngày càng chủ động hợp tác và chặt chẽ hơn với các đơn vị trong và ngoài Bộ; đồng thời cũng đã chủ động mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế ở một số lĩnh vực như kinh tế hợp tác; ngành nghề nông thôn... (Dự án Khu vực Các Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh). Các hoạt động phối hợp với các Hội, Hiệp hội được ký kết giao ước nhằm đa dạng hóa các hình thức triển khai nhiệm vụ.

Ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn về cơ bản đã có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên đến nay một số lĩnh vực vẫn chưa được ban hành như lĩnh vực trang trại, cơ giới hóa; một số tuy đã được ban hành nhưng cần phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế hiện nay. Chất lượng, quy mô các mô hình thể chế còn hạn chế: HTX nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa thu hút được đông đảo thành viên tham gia. Các dự án bố trí sắp xếp dân cư tuy đã được thực hiện nhưng chưa chú trọng đến công tác hỗ trợ phát triển sản xuất sau tái định cư để đảm bảo sinh kế cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn; việc lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, Đề án để hỗ trợ PTSX tại điểm bố trí dân cư (đa số là các hộ nghèo, cận nghèo) còn hạn chế, chưa được quan tâm. Dân di cư tự do thay đổi theo hướng vùng biên giới, phát sịnh nhiều nguy cơ do biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Một số lĩnh vực chưa chú trọng đến phát triển Hội, Hiệp hội như lĩnh vực diêm nghiệp, cơ điện nông nghiệp, ngành nghề nông thôn…Công tác tuyền thông ở một số lĩnh vực chưa được chú trọng. Đội ngũ cán bộ, biên chế ở một số Chi cục Phát triển nông thôn còn rất ít, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.

PV: Xin ông cho biết một số mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kinh tế Hợp tác và PTNT trong thời gian tới?

Ông Lê Đức Thịnh: Với mục tiêu chung là quyết tâm hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật theo tiến độ và kế hoạch được giao.  Triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm công tác như các Đề án, Chương trình, Chiến lược đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực hoạt động của Cục và ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tập trung triển khai công tác chuyển đổi trong lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX và ngành nghề nông thôn.

Trên cơ sở đó, trong công tác xây dựng chính sách: Hoàn thành trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Ban hành Nghị định về cơ giới hoá, cơ giới hoá đồng bộ trong nông nghiệp. Rà soát và tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Rà soát và tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2017/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh muối.

Trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, các biện pháp cụ thể có thể bao gồm: Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác truyền thông để tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực của Cục và ngành Kinh tế hợp tác. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề. Hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao. Phấn đấu để giảm tình trạng dân di cư tự do và hoàn thiện việc bố trí và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại các vùng dự án bố trí dân di cư tự do. Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ phát triển sản xuất xã hội tại các vùng khó khăn, đặc biệt là các xã nghèo và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển cơ giới hoá trong nông nghiệp và ngành muối nhằm nâng cao hiệu suất, chất lượng và bảo vệ môi trường. 

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, ngành Kinh tế Hợp tác và PTNT, trong thời gian tới tập trung vào một số nhiệm vụ chính như sau:

1.  Hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

2. Nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế tập thể, HTX, trang trại: Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, HTX, chuỗi giá trị trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sản xuất xanh. Tập trung phát triển số lượng HTX, đặc biệt là củng cố và nâng cao năng lực cho các HTX trong các vùng nguyên liệu và trong các vùng thuộc đề án thí điểm 01 triệu ha lúa. Qua đó khẳng định vai trò của Ngành trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả các Đề án của ngành Nông nghiệp.

Xây dựng và trình Bộ ban hành Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX NN trong sản xuất, chế biến, bảo quản và thương mại nông sản, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu xây dựng bổ chỉ tiêu, chỉ số đánh giá, xếp lại môi trường kinh doanh HTX NN cấp tỉnh. Hoàn thiện pháp luật về kinh tế trang trại, HTX, liên kết sản xuất theo Nghị định 98. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại, nhất là việc phát triển các mô trang trại kết hợp du lịch và trang trại hoạt động đa mục tiêu.

3. Coi trọng và đẩy mạnh việc hỗ trợ HTX và Trang trại ứng dụng KHCN tiên tiến, CNC vào sản xuất và kinh doanh. Công nghệ cao trong SXNN bao gồm: Công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm và Công nghệ sản xuất vật tư NN (phân bón thông minh, phân bón vi sinh, hữu cơ vi sinh...). Tùy điều kiện mà hỗ trợ giúp cho các HTX ứng dụng các công nghệ phù hợp, chi phí thấp, dễ dàng trong ứng dụng.  Sau khi ứng dụng  CNC vào sản xuất cần hỗ trợ các HTX ứng dụng CN 4.0 công nghệ thông minh, thực hiện truy suất nguồn gốc để nâng cao chất lượng, hạ giá thành  sản phẩm của accs HTX, doanh nghiệp.

4. Nhiệm trọng tâm về phát triển ngành nghề nông thôn; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Ưu tiêu tập trung tổ chức đào tạo nghề tại các vùng nguyên liệu, vùng trồng thuộc các đề án của Bộ đã phê duyệt. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề của các Trường nghề, qua đó hướng các Trường nghề tham gia nhiều hơn công tác đào tạo nghề trong nông nghiệp.

Phát huy kết quả Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 để sớm xây dựng tiêu chí công nhận nghệ nhân, thợ giỏi. Phát triển vùng nguyên liệu cho các làng nghề, thành lập các tổ chức hiệp hội ngành nghề.

5. Tập trung rà soát lại các Chương trình, dự án cấp bách về ổn định dân di cư tự do và bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai tại các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo bàn các giải pháp, kiến nghị về cơ chế, chính sách phát triển sinh kế, công nhận hành chính sau tái định cư. Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do.

6. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Chiến lược của Bộ đã ban hành. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động về an toàn vệ sinh lao động và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

7. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030. Phối hợp tổ chức thành công Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024.

8. Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá kết quả và các hoạt động của ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

9. Chú trọng công tác quản lý nhà nước trong xây dựng cơ sở dữ liệu; hệ thống báo cáo đánh giá và ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý của Ngành.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quyết Tuấn