Nguồn gốc ngày vía Thần Tài
Trong gần 10 - 15 năm trở lại đây, vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, nhiều người đổ xô đi mua vàng kể cả với giá đắt đỏ, soạn sửa những mâm cỗ linh đình đề cầu cho một năm mới phát tài phát lộc, buôn bán hanh thông. Một số còn sợ rằng nếu không mua vàng vào ngày vía Thần Tài, năm đó sẽ gặp xui xẻo, làm ăn không phát đạt.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải công tác tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, có nhiều điển tích, truyền thuyết về ngày vía Thần Tài. Theo quan niệm cổ của Trung Quốc, Thần Tài là các vị tiểu thổ thần nhỏ bé ở trong góc nhà. Các vị tiểu thổ thần nhỏ đến mức nhiều gia đình không dám quét nhà 3 ngày Tết vì sợ bới móc vào các góc nhà khiến các vị Thần Tài bỏ đi mất. Nhiều gia đình quét nhà thường vun rác vào một góc vì không muốn “đổ đi tài lộc”. Các vị Thần Tài vì thế thường được thờ cúng ở bàn thờ dưới mặt đất, trong một góc nhà.
Khác với Trung Quốc đã phát triển buôn bán lâu đời với con đường tơ lụa từ thế kỷ 2 TCN, ở Việt Nam, xã hội Việt Nam truyền thống coi trọng việc lao động sản xuất nông nghiệp “nhất sĩ nhì nông”, đề cao vai trò của người nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Bởi vậy người Việt Nam thường thờ ông Thổ Địa, hay ông Địa với hy vọng được ông phù hộ cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an.
Có một sự tích được mọi người truyền nhau rằng Thần Tài là vị Thần cai quản tiền bạc, tài lộc trên thiên đình, vì uống rượu say mà rơi xuống trần gian. Có người nhìn thấy ông mặc đồ như diễn tuồng cải lương nên đã lấy sạch đồ áo của ông đem bán. Ông không nhớ ra mình là ai và đi lang thang khắp nơi xin ăn, tình cờ được một cửa hàng thấy đáng thương nên đã mời ông vào ăn. Kể từ đó, cửa hàng lúc nào cũng đông khách, người ra vào tấp nập. Nên mới có câu “Thần Tài gõ cửa”. Về sau, ông được một người mua cho quần áo, nhớ lại mọi việc nên bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Từ đó, ngày mùng 10 được xem là ngày Thần Tài.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phong thủy cho biết không có tài liệu nào cho thấy thông tin rõ ràng về ngày Thần Tài, cũng như không có căn cứ nào khẳng định mua vàng ngày Thần Tài là may mắn phát tài. Đây cũng không phải kinh nghiệm dân gian hay phong tục của người Việt.
Bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, trước đây, người ta không hoàn toàn đồng nhất tài với tài sản. Tài không hoàn toàn là tài lộc, tài lợi. Việc thờ cúng Thần Tài là thờ những nhân vật anh hùng, những người trí thức có công với nước với dân với tinh thần tri ân, biết ơn. Điều này cũng thể hiện sự đa dạng trong tín ngưỡng, văn hóa của người Việt.
Tuy nhiên, do không biết chắt lọc và bị che mắt bởi những chiêu trò marketing của những người buôn bán, câu chuyện mua bán ngày vía Thần Tài đang dần mang màu sắc mê tín dị đoan khi người dân đổ xô đi mua vàng cầu may. Trong đó, nhiều người xếp hàng cả ngày cả đêm, đẩy giá vàng trên thị trường lên cao chót vót, cũng như gây mất trật tự an toàn cho xã hội để mua cho bằng được vì nỗi lo sợ không mua được vàng thì năm nay sẽ làm ăn thất bát, gặp nhiều xui rủi. Trong khi thực chất trong ngày Thần Tài ở Trung Quốc, người dân chỉ soạn mâm cỗ, bắn pháo hoa hoặc đốt vàng mã.
Việc thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian ông Thần Tài là việc làm hoàn toàn bình thường, nhưng chúng ta cần hiểu chính xác ý nghĩa đích thực của nó và tránh khỏi sự lợi dụng lòng tin, biến văn hóa tâm linh thành mê tín dị đoan. Những thứ thuộc về văn hóa ngoại lai, bịa đặt, không mang giá trị văn hóa hay đúc kết từ kinh nghiệm dân gian, không có giá trị thực thì cần phải xóa bỏ. Nếu chúng ta không phản ứng, thứ văn hóa ấy sẽ từ từ thâm nhập sâu vào đời sống người Việt ta và gây ra ảnh hưởng lớn tới đời sống văn hóa-xã hội.