Nghề đúc đồng An Hội, Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh

Hưởng ứng Festival Bảo tồn và Phát triển Làng nghề Việt Nam 2023, Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết "Nghề đúc đồng An Hội, Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh" của Nhà nghiên cứu Trần Mạnh Thường.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển nước Việt Nam, từ thời Phùng Nguyên đến Đông Sơn, Thanh Hoá, trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, đền các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê..., trên khắp đất nước không bao giờ thiếu vắng những trung tâm đúc đồng nổi tiếng. Tại Thăng Long- Đông Đô-Hà Nội có làng đúc đồng Ngũ Xã, miền Trung nức danh với phường đúc đồng xứ Huế...

Riêng Sài Gòn – Chợ Lớn dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng cũng không thua kém đã sớm hình thành nên những làng nghề đúc đồng bắt đầu từ thế kỷ XVIII. Thời ấy trên địa bàn Chợ Lớn thuộc Sài Gòn – Gia Định đã xuất hiện phường đúc đồng nổi tiếng do những người thợ đúc đồng miền Trung di cư mang theo nghề truyền thống của mình vào định cư tại các làng Tân Kiểng, Nhân Giang, Bình Yên...(nay thuộc quận 5). Tại đây, họ lập các xưởng sản xuất thủ công các mặt hàng gia dụng như: nồi, niêu, soong, chảo, ô đựng trầu cau, bát nhang, chân đèn, lư hương... Đặc biệt tại khu Thuận Kiều chuyên chế tác các dòng đồ đồng mỹ nghệ cao cấp như lư hương mắt tre, đỉnh trầm, có chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo. Những lò đúc này còn sản xuất các loại “binh khí”  dùng làm đồ tế tự, thờ cúng trong các đình, chùa, đền, miếu... và bàn thờ gia tiên.

lu-dong-an-hoi-1698128317.jpg
Lu đồng An Hội

Nghề đúc đồng xuất hiện ở Sài Gòn đã gần 300 năm và sôi động nhất thời bấy giờ  là các lò đúc đồng Chợ Quán, Phú Lâm, Chợ Lớn. Trong lúc đó tại vùng Gò Vấp nổi tiếng với nghề trồng hoa, chậu kiểng, nhưng dòng họ Trần lại không ai theo nghề này.  Để có nghề kiếm kế sinh nhai, ông Trần Văn Kỉnh (Năm Kỉnh) khăn gói lên đường tới các lò đúc đồng ở Chợ Lớn để học nghề.

Sau khi học nghề thành thạo, ông mang nghề về làng truyền dạy cho con cháu trong dòng họ. Và nghề đúc đồng An Hội ra đời từ đó vào những năm cuối thế kỷ XIX.

Để phát triển hơn nữa nghề đúc đồng ở đây, ông Trần Văn Thắng (Hai Thắng), một trong những học trò xuất sắc của ông Năm Kỉnh đã đem nghề truyền dạy rộng rãi cho các con em trong làng không phân biệt dòng họ. Từ đó, nghề đúc đồng An Hội phát triển nhanh trở thành một làng nghề sầm uất.

san-pham-duc-dong-an-hoi-1698128318.jpg
Sản phẩm đúc đồng An Hội

Làng An Hội nay toạ lạc trên đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp, nơi tập trung nhiều lò đúc đồng nhất Sài Gòn – Gia Định thời đó. Các lò đúc đồng ở đây sản xuất chủ yếu là đồ gia dụng, trong đó nổi bất nhất, được nhiều người ưa chuộng là lư đồng. Thời kỳ thịnh vượng nhất lư đồng làng An Hội theo chân các thương lái buôn ngược ra Bắc, xuôi về khắp xứ Nam Kỳ, lục tỉnh và sang tận Cao Miên (Campuchia), Lào, Miến Điện (Myanmar).

Trải qua một thời gian dài, do sự phát triển của các loại sản phẩm từ nhôm, nhựa ..., giá rẻ, mặt khác lại do tốc độ đô thị hoá nhanh chóng khiến sản phẩm đồ đồng ngày càng khó tiêu thụ. Nhiều làng đúc đồng ở Sài Gòn – Chợ Lớn ngày càng mai một, chỉ còn lại trong ký ức! Riêng làng đúc đồng An Hội, Gò Vấp vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay. Tuy không còn sôi động như xưa, nhưng những người thợ nơi đây vẫn không để nghề thất truyền. Họ cố gắng “giữ lửa” những tinh hoa của làng nghề. Hiện nay làng nghề An Hội còn khoảng 10 cơ sở chuyên đúc lư đồng nghệ thuật theo phương pháp thủ công truyền thống để cung cấp chủ yếu cho thị trường miền Nam.

cham-khac-hoa-van-tren-lu-dong-1698128318.jpg
Chạm khắc hoa van trên lư đồng

Bởi lư đồng không đơn thuần là một sản phẩm tiêu dùng, nó mang ý nghĩa quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, thể hiện sự thanh tịnh, thành kính, thoát tục, khi được bài trí trong thiền thất hay trà am.Tại các không gian thờ cúng như ở đền, chùa, miếu mạo... bàn thờ gia tiên, lư hương luôn luôn được đặt tại những vị trí trang nghiêm nhất. Mỗi hoạ tiết, hoa văn rồng, phượng...được chạm khắc trên đó đều thể hiện tính chất văn hoá nghệ thuật truyền thống thuần Việt. Nó vừa phản ảnh dòng chảy văn hoá Việt Nam một cách cụ thể sinh động, vừa phô diễn nét tinh hoa của bàn tay khối ốc người thợ thủ công Việt Nam.

Do đó, để tạo một chiếc lư đồng là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu kỳ công. Nó không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác mà còn yêu cầu kỹ thuật cao. Ban đầu làm ruột khuôn bằng đất sét tốt, sau đó đúc khuôn bằng sáp ong trộn với sáp đèn cầy. Mỗi một công đoạn ở đây đòi hỏi nghệ nhân có tay nghề cao, bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dáng như thế. Kế đến là bao bọc bên ngoài hai lớp đất sét giã nhuyễn. Chính sự chỉnh chu, chính xác trong từng công đoạn kỹ lưỡng cho từng sản phẩm là điểm khác biệt của lư đồng An Hội so với lư đồng sản xuất công nghiệp đại trà bằng máy với đường nét hoa văn thiếu sinh động, nhiều kiểu dáng hoa văn ngoại lai. Đặc biệt nhiều lư đồng công nghiệp làm bằng đồng pha trộn với một số hợp chất khác, nên chất lượng không tốt.

nhung-chiec-khuon-tao-ra-lu-dong-an-hoi-1698128317.jpg
Những chiếc khuôn tạo ra lư đồng An Hội

Lư đồng An Hội phần lớn bán vào dịp Tế Nguyên Đán, nên các lò đúc đồng thường bắt đầu sản xuất cấp tập vào tháng Chạp hàng năm. Vào những ngày này thương lái nô nức đến đặt hàng để chuyển nhanh về các tỉnh và phân phối đến các tiệm buôn trong nội thành.

Các nghệ nhân cao tuổi trong làng nói rằng, để cho lư đồng An Hội vẫn mãi là niềm tin của người tiêu dùng, người làm nghề đúc lư đồng phải có tâm. Do đó không chỉ đòi hỏi người thợ có kỹ thuật cao mà còn phải kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo. Mỗi người thợ chỉ đảm nhiệm một công đoạn nhất định. Để có một bộ lư đồng hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn, các nghệ nhân An Hội phải thực hiện nhiều công đoạn phức tạp khác nhau. Người thợ bắt đầu từ khâu làm khuôn, nung khuôn đến nấu đồng tan chảy đổ vào khuôn, làm nguội, rồi lấy sản phẩm. Công đoạn cuối cùng quan trọng nhất, các nghệ nhân bằng bàn tay điêu luyện của mình sẽ hàn và chạm khắc thêm hoạ tiết, cho  lư đồng và đánh bóng sản phẩm. Vì vậy, sản xuất mỗi bộ lư đồng phải mất 20 ngày.

Các sản phẩm đúc đồng đặc biệt lư đồng An Hội làm ra rất bóng đẹp, tinh xảo cả về đường nét lẫn ý nghĩa chứa bên trong nó. Để có một chiếc lư đồng đặt trên bàn thờ gia tiên đầy tôn nghiêm, rõ ràng không đơn giản, đòi hỏi người thợ phải làm việc vất vản suốt ngày đêm và hơn thế là sự tâm huyết hết lòng với nghề.

Làng nghề đúc đồng An Hội còn tồn tại tới ngày nay là vì người Việt Nam luôn luôn tôn kính bàn thờ tổ tiên. Vì vậy, làng nghề đúc đồng truyền thống không chỉ là mối quan hệ giữa nghề với nghiệp mà còn phản ảnh các tập tục tín ngưỡng của dân tộc. Điều đó càng thôi thúc các nghệ nhân trăn trở, suy nghĩ làm sao để giữ gìn và phát huy những giá trị cao quý đó./.